Theo tờ RT (Nga) đưa tin, hôm thứ Ba (24/3), một nhóm đại biểu Quốc hội Anh cảnh báo rằng:
Nước Anh đang lâm vào cảnh không đủ khả năng tài chính để hạ thủy tàu sân bay Prince of Wales do các khoản cắt giảm ngân sách đã được lên kế hoạch.
Tổng chi phí vận hành chiếc tàu sân bay này, bao gồm cả chi phí trang bị máy bay trên tàu và triển khai các tàu hộ tống để bảo vệ nó, đã vượt quá chi tiêu quốc phòng được dự kiến của Anh.
Các đại biểu Quốc hội Anh cho biết, chi phí vận hành tàu Prince of Wales leo thang chủ yếu do các tiêm kích F-35 tăng giá.
Trong khi đó, cũng theo các đại biểu Quốc hội này, nếu không có đủ tiền trang bị máy bay và đội tàu bảo vệ thì tàu sân bay Prince of Wales không mang lại nhiều ý nghĩa.
Vì vậy, chính phủ Anh nên cân nhắc các hậu quả nếu đưa tàu sân bay Prince of Wales vào phục vụ.
Tờ The Guardian (Anh) cho hay, lời cảnh báo được đưa ra trong bối cảnh các lực lượng vũ trang Anh đang phải hứng chịu áp lực tài chính lớn.
Năm ngoái, tại Cuộc gặp thượng đỉnh NATO ở Wales, Thủ tướng Anh David Cameron đã bác bỏ những đồn đoàn xung quanh tương lai của tàu Prince of Wales, khi tuyên bố Hải quân Anh sẽ biên chế con tàu này.
Trước đó, đã có nhiều nguồn tin cho rằng con tàu sẽ bị bán ra nước ngoài hoặc bỏ xó.
Tàu sân bay Prince of Wales dự kiến được hoàn thiện tại nhà máy đóng tàu Rosyth ở Scotland vào năm 2017.
Người chị em của nó là tàu sân bay HMS Queen Elizabeth đã được hạ thủy vào năm ngoái.
Tàu sân bay HMS Queen Elizabeth trong buổi lễ đặt tên tổ chức vào tháng 7/2014
Cả 2 con tàu được thiết kế để mang 40 máy bay nhưng cho tới nay, Bộ Quốc phòng Anh mới chỉ đặt mua tổng cộng 14 máy bay chiến đấu F-35B của Mỹ cho cả 2 con tàu.
Chi phí ước tính để đóng 2 tàu sân bay cỡ lớn này đã tăng gần gấp đôi, lên tới hơn 6 tỷ bảng Anh.
Trong khi đó, chương trình tiêm kích F-35 phải đối mặt với những trục trặc kỹ thuật nghiêm trọng và chi phí của loại máy bay này đã tăng liên tục, tới khoảng 70 triệu bảng Anh một chiếc.
14 chiếc F-35 mà Anh đặt hàng dự kiến tiêu tốn khoảng 2,5 tỷ bảng Anh (bao gồm cả chi phí vận hành).
Theo kế hoạch ban đầu, Anh sẽ mua 138 chiếc F-35. Để tiết kiệm ngân sách, Bộ Quốc phòng Anh (MoD) đã hủy kế hoạch mua phiên bản F-35 cất cánh bằng máy phóng và hạ cánh bằng cáp hãm đà.
Tuy nhiên, phiên bản cất cánh ngắn/hạ cánh thẳng đứng F-35B mà chính phủ Anh lựa chọn không có nhiều khả năng.
Chúng không thể bay xa và mang nhiều vũ khí như phiên bản cất cánh bằng máy phóng và hạ cánh bằng cáp hãm đà.
Trong khi đó, các máy bay chiến đấu của Pháp (loại sử dụng máy phóng), lại không thể hoạt động trên tàu sân bay của Anh như kỳ vọng ban đầu theo hiệp ước hợp tác quốc phòng Anh – Pháp.
Một số nhà bình luận quân sự cho rằng, các tàu sân bay của Anh sẽ dễ bị tổn hại trước các tên lửa tầm xa thế hệ mới và không mấy hữu dụng trước các mối đe dọa từ các nhóm khủng bố và Hồi giáo cực đoan.
Thế nhưng, một số ý kiến khác lại cho rằng các con tàu này có thể mang theo một lượng lớn máy bay, trong đó có trực thăng và máy bay không người lái, để thực hiện nhiều hoạt động có các lực lượng vũ trang từ nhiều nước khác tham gia.
Chẳng hạn như Thủy quân lục chiến Mỹ có thể sử dụng tàu sân bay Anh để triển khai một số máy bay F-35.
“Sẽ lãng phí tiền bạc hơn nếu không sử dụng”, Elizabeth Quintana, nhà nghiên cứu tại Viện RUSI (Anh) bày tỏ quan điểm, đồng thời nói thêm rằng, con tàu có thể được sử dụng trong các chiến dịch liên minh để đối phó với nhiều mối đe dọa.