Theo một bài viết trên tạp chí National Interest (Mỹ), Ấn Độ hiện nay đã có khả năng tấn công "vào sâu trung tâm Trung Quốc" bằng tên lửa hạt nhân, sau khi thực hiện nâng cấp các máy bay Su-30MKI uy lực của nước này.
Bộ Tư lệnh các lực lượng chiến lược của Ấn Độ được cho là đã nâng cấp 42 chiếc Su-30MKI để chúng có thể mang được các tên lửa hành trình siêu âm Brahmos phiên bản phóng từ máy bay.
Máy bay Su-30MKI của Không quân Ấn Độ cùng tên lửa hành trình Brahmos.
New Delhi đã có khoảng 200 chiếc Su-30MKI trong kho vũ khí và đang có kế hoạch sở hữu đến 282 chiếc máy bay chiến đấu thế hệ 4 này.
Những chiếc Su-30MKI dự kiến sẽ là "xương sống" của Không quân Ấn Độ đến năm 2020 và xa hơn nữa.
Brahmos là loại tên lửa hành trình có tốc độ nhanh nhất trên thế giới hiện nay, nó có thể bay với tốc độ Mach 3.
"Trong các cuộc thử nghiệm, tên lửa hành trình Brahmos thường có khả năng "chẻ đôi" tàu chiến và khiến các mục tiêu mặt đất vỡ thành nhiều mảnh nhỏ" tờ Russia and India Report cho biết.
Cũng theo tờ báo này, việc kết hợp 2 loại vũ khí này với nhau (BrahMos và Su-30MKI) có thể tăng cường mạnh mẽ khả năng tấn công của lực lượng hạt nhân trên không - một thành phần trong bộ ba tấn công hạt nhân của Ấn Độ.
"Với tốc độ vượt trội của những chiếc Sukhoi (giúp tăng thêm đà tấn công cho tên lửa Brahmos), cùng với khả năng vượt qua các hệ thống phòng không của máy bay, phi công sẽ có cơ hội cao hơn để phóng tên lửa trúng mục tiêu xác định" - Bài báo cho biết.
Quan trọng hơn là với tầm hoạt động 1.800km của Su-30MKI kết hợp với tầm bắn 300km của tên lửa Brahmos thì nay Ấn Độ có thể tấn công hạt nhân sâu vào trung tâm của Trung Quốc hoặc Pakistan.
Bên cạnh đó, Ấn Độ cũng vừa thử nghiệm tên lửa đạn đạo Agni-V, loại tên lửa đạo đạo tầm trung 3 tầng phóng sử dụng động cơ nhiên liệu rắn.
Theo National Interest, với tầm bắn khoảng 5.000km, tên lửa này giúp Ấn Độ lần đầu tiên có khả năng tấn công bất kỳ khu vực nào trên lãnh thổ của Trung Quốc bằng vũ khí hạt nhân.