Tên lửa BrahMos "biết tự quay về" hay chiêu lách luật của Ấn Độ?

Hải Dương |

Tên lửa hành trình siêu âm BrahMos - sản phẩm hợp tác quân sự giữa Nga và Ấn Độ được đánh giá là một trong những vũ khí diệt hạm đáng sợ nhất hiện nay.

Chương trình phát triển tên lửa BrahMos do liên doanh giữa Tổ chức Nghiên cứu và phát triển quốc phòng của Ấn Độ với Công ty NPO Mashinostroeyenia của Nga thực hiện. Cái tên BrahMos là sự kết hợp giữa tên hai dòng sông Brahmaputra ở Ấn Độ và Moskva ở Nga.

Hiện nay, Nga và Ấn Độ đã phát triển BrahMos thành các phiên bản có thể được phóng đi từ trên không, trên mặt đất, trên tàu mặt nước và từ tàu ngầm.

Gần đây nhất, Ấn Độ tuyên bố đã tích hợp thành công phiên bản BrahMos-A cho máy bay chiến đấu đa năng Su-30MKI và trong tương lai biến thể này nhiều khả năng sẽ còn được trang bị cho cả Su-30SM của Không quân Nga.

Đồ họa tên lửa BrahMos-A được phóng đi từ tiêm kích Su-30MKI

Tuy nhiên Ấn Độ có vẻ vẫn chưa hài lòng, bằng chứng là Giám đốc quản lý của dự án, ông S.Subramanyan từng đề cập đến việc sẽ nghiên cứu một biến thể BrahMos biết tự quay về nếu không tìm được mục tiêu.

Ý tưởng trên nghe qua có vẻ như vô cùng phi lý. Tên lửa khi quay về sẽ được thu hồi bằng cách nào, nó sẽ sử dụng dù hãm để tiếp đất an toàn hay một phương thức khác? Nhưng ẩn ý sâu xa của Ấn Độ có thể không phải đơn giản như vậy.

Như đã biết, Hiệp ước kiểm soát công nghệ tên lửa (MTCR) đề ra ràng buộc đối với các quốc gia xuất khẩu vũ khí (trong đó Nga có tham gia) là họ không được phép bán cho nước ngoài tên lửa có tầm bắn trên 300 km và mang đầu đạn quá 500 kg.

Do vậy, tên lửa P-800 Oniks (nguyên mẫu của BrahMos) có tầm bắn tới 500 km nhưng ở phiên bản xuất khẩu Yakhont, tầm bắn bị giới hạn xuống chỉ còn vừa đúng 300 km.

Tên lửa BrahMos có tầm bắn chỉ là 290 km để phù hợp với hạn chế về xuất khẩu vũ khí
Tên lửa BrahMos có tầm bắn chỉ là 290 km để phù hợp với hạn chế về xuất khẩu vũ khí

Ấn Độ với tiềm lực khoa học công nghệ của mình chắc chắn sẽ muốn có phiên bản BrahMos đầy đủ tầm bắn, vì vậy họ đã sử dụng bức bình phong bằng chương trình "Tên lửa biết quay về khi không tìm thấy mục tiêu".

Quãng đường tên lửa Brahmos bay hết tầm như hiện nay là 290 km, nếu muốn quay về nó sẽ phải đủ nhiên liệu để hành trình thêm 290 km nữa.

Nhưng điều gì sẽ xảy ra nếu tên lửa không quay về mà lại tiếp tục bay tới, đó là Ấn Độ sẽ có một tên lửa hành trình đối hạm tầm xa với tầm bắn trên 500 km, ngang với phiên bản nội địa Oniks của Nga.

Đây có thể coi là một chiêu lách luật rất khôn ngoan của Ấn Độ, vừa bảo đảm không ép Nga phải vi phạm Hiệp ước MTCR vừa tăng được tầm bắn của BrahMos lên mức gấp đôi.

Hiện chưa rõ dự án trên của Ấn Độ đã được triển khai đến đâu, nhưng nếu thành công thì Việt Nam rất nên cân nhắc mua sắm phiên bản "biết tự quay về nếu không tìm được mục tiêu" của tên lửa BrahMos để gia tăng sức mạnh cho hải quân.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại