‘Bản sao MiG-21’ của Trung Quốc bị ngừng sản xuất

Oanh Nguyễn |

(Soha.vn) - Trung Quốc gần đây đã ngừng sản xuất các bản sao MiG-21 của mình (tức J7) sau gần 50 năm sản xuất phiên bản hiện đại từ thiết kế ban đầu của Nga.

Trung Quốc bắt đầu được cấp giấy phép sản xuất MiG-21 của Nga vào năm 1964, nhưng phải mất 1 thập kỷ sau đó để phát triển thành J7 và thực sự sản xuất hàng loạt trong nước. Hơn 2400 chiếc đã được sản xuất.

Những chiếc trước đó tỏ ra thua kém MiG-21 do phía Nga từ chối chuyển giao công nghệ mới nhất của các thiết kế những năm 1950. Đến năm 1980, J7 của Trung Quốc đã đuổi kịp MiG-21 của Nga. Điều này đã không làm người Nga thấy khó chịu bởi vào năm 1985, Nga đã ngừng sản xuất MiG-21 sau khi hơn 11.000 chiếc đã xuất xưởng.

J-7 được sản xuất theo dây chuyền công nghệ Mig-21

J-7 được sản xuất theo dây chuyền công nghệ MiG-21

Từ đó trở đi, nếu muốn một chiếc MiG-21, ta chỉ có một nguồn duy nhất đó là J7 của Trung Quốc. Trong 3 thập kỷ qua, Trung Quốc đã cải tiến khả năng của J7, chủ yếu qua việc tinh chỉnh khung máy bay và thiết bị điện tử. Hầu hết J7 được Trung Quốc sử dụng nhưng khoảng 20% số đó đã được xuất khẩu tới 14 quốc gia. Khoảng trên dưới 10 quốc gia vẫn đang sử dụng J7 trong biên chế.

Hai năm trước, Trung Quốc đã chính thức rút J7 ra khỏi tuyến đầu. Điều này không có gì đáng ngạc nhiên do từ 4 năm trước đó, Trung Quốc đã tăng gấp đôi số lượng máy bay chiến đấu hiện đại (J-10, J-11, Su-27, Su-30, và J8F) từ 500 đến hơn 1200 chiếc. Sáu năm trước, Trung Quốc chủ yếu dựa vào một số bản sao từ các thiết kế MiG-19 (J6) và MiG-21 (J7) của Nga. Hiện vẫn còn hàng trăm máy bay ném bom mà hầu hết là các bản sao của Nga.

Thường thì số lượng máy bay thực tế của Trung Quốc được giữ bí mật. Tuy nhiên, nhờ vào việc tự do đi lại trong nước và Internet, người ta có thể xác định vị trí và tính toán tất cả các đơn vị thuộc lực lượng không quân trong cả nước. Điều đó cho thấy lực lượng hiện tại được thay đổi một cách nhanh chóng, chủ yếu chuyển đổi từ MiG-21 và MiG-19 bằng một phiên bản máy bay khác mạnh mẽ hơn. Trung Quốc đang mua và sản xuất rất nhiều Su-27 và Su-30 của Nga (bản nâng cấp). Mới đây phiên bản tự thiết kế với tên J20 cũng được cho ra mắt.

Mig-21 của Việt Nam bị Trung Quốc coi là kém J-8, 
nhưng đã từng lập những chiến công lẫy lừng mà J-8 không bao giờ đạt được

MiG-21 trong Quân đội nhân dân Việt Nam. Trung Quốc coi MiG-21 kém hơn J-8 (phiên bản nâng cấp của J-7). Tuy nhiên, MiG-21 Việt Nam đã lập được những chiến công lẫy lừng mà J-8 không bao giờ đạt được.

Một lý do khác để thu hồi J7 đó là không có khả năng sử dụng J7 cho nhiều loại hình đào tạo. Điều này rất quan trọng bởi Trung Quốc đang xem xét lại chương trình đào tạo phi công chiến đấu. Hiện tại phải mất 10 năm đào tạo lý thuyết và thực hành bay. Chương trình đào tạo mới đã được cắt giảm chỉ còn 5-7 năm, trong khi giờ bay tăng hơn 40%. Điều này phù hợp hơn với phương pháp của phương Tây, trong khi chương trình hiện tại là do Nga phát triển trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh.

Chương trình mới này tập trung vào việc phi công có thể thể hiện kỹ năng chiến đấu trước khi tốt nghiệp. Trong Chiến tranh lạnh, các máy bay của Nga, như MiG-21, không được thiết kế cho việc sử dụng vào đào tạo phi công theo kiểu phương Tây. Do đó, phi công J7 có thể khó được đào tạo cùng một tiêu chuẩn như những phi công lái máy bay hiện đại hơn.

Chương trình đào tạo mới thực sự cần thiết để thích ứng với các máy bay hiện đại. Việc đào tạo phi công cho các máy bay chiến đấu mới có cường độ cao hơn so với bất kỳ máy bay nào trước đó. Ngoài ra, Trung Quốc cũng đang có các bài tập đào tạo hướng vào nhiệm vụ chiến đấu vơi các máy bay chiến đấu hiện đại khác, như của Đài Loan, Nhật Bản và Mỹ. Trung Quốc không giữ bí mật điều này và dường như đang muốn gửi một thông điệp tới đối thủ của mình.

Trung Quốc từ lâu đã là quốc gia sử dụng MiG-21 hay J7 nhiều nhất. Trung Quốc tiếp tục xuất khẩu J7 cho đến năm nay, nhưng những chiếc đang phục vụ thì nhanh chóng được cho nghỉ.

Hơn 13.000 chiếc Mig-21 và J7 đã được sản xuất trong 60 năm qua, làm cho chúng trở thành chiếc máy bay chiến đấu được sản xuất nhiều nhất của thế kỷ trước( bởi trong Thế chiến II đã có rất nhiều máy bay chiến đấu cánh quạt được sản xuất với số lượng lớn). Nga vẫn có 186 chiếc Mig-21 hoạt động khi Liên Xô sụp đổ vào năm 1991. Những chiếc MiG-21 đã chính thức được cho nghỉ vài năm sau đó. Ấn Độ, quốc gia lớn cuối cùng của MiG-21, cũng đang trong quá trình thay thế chiếc tiêm kích huyền thoại này.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại