Đây là nhận định của tờ Business Standard, một tờ báo thương mại lớn của Ấn Độ.
Tờ Business Standard cho biết trong cuộc họp ngày 15/1 vừa qua, Phó Tư lệnh Không quân Ấn Độ S Sukumar phát biểu rằng nguyên mẫu máy bay của Nga là “không đáng tin cậy, radar không tương xứng và tính năng tàng hình quá kém”.
Điều này trái ngược hoàn toàn với những kì vọng mà Chính phủ Ấn Độ nêu ra khi xúc tiến dự án này cùng với Nga, trong đó phía Ấn Độ đã đóng góp 6 tỷ USD.
Trong một thông cáo báo chí tháng 12/2010 của Chính phủ Ấn Độ có nêu “Chiếc máy bay mới sẽ có những tính năng ưu việt như độ tàng hình, khả năng cơ động tuyệt vời, tốc độ cao, tích hợp các thiết bị điện tử hàng không tiên tiến, tăng khả năng nhận biết tình huống, được tăng cường lượng vũ khí bên trong thân và hệ thống tác chiến mạng trung tâm nâng cao”. Đây là những điểm vượt trội của một máy bay chiến đấu thế hệ 5.
Bình luận về thực trạng dự án này của Ấn Độ, hãng tin FoxNews (Mỹ) đăng tải một bài viết đề cập nhận định của các chuyên gia quốc phòng Mỹ cho hay họ không mấy ngạc nhiên khi những tiêm kích tàng hình của Nga không đáp ứng được kì vọng đưa ra. Điều đáng chú ý là tiêu đề của bài viết này đặt câu hỏi liệu máy bay chiến đấu của Nga có phải là "phế thải"?
Robbin Laird, một cố vấn của Thủy quân lục chiến và Không quân Mỹ phát biểu rằng: “Người Nga chắc chắn không theo kịp tốc độ phát triển của ngành điện tử hàng không. Để có được một khung máy bay tàng hình và đạt được độ tàng hình trên thực tế, công nghệ động cơ phải rất tốt. Người Mỹ đã thực hiện được điều này với tiêm kích F-22 và F-35. Tuy nhiên, điều này không hề dễ dàng. Ngoài chúng tôi ra, chưa có ai làm được điều đó”.
Theo viện nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm, Ấn Độ là quốc gia nhập khẩu vũ khí lớn nhất thế giới, họ phần lớn mua vũ khí từ Nga và các quốc gia phương Tây.
“Từ lâu, Ấn Độ đã phân tách lĩnh vực máy bay giữa phương Tây và Nga. Rõ ràng người Ấn mong muốn tìm kiếm ở phương Tây nhiều hơn bởi họ nhận ra rằng máy bay của Nga không đáp ứng được những tiêu chuẩn của phương Tây” – Laird nói thêm.
Trong khi đó, các chuyên gia an ninh khác cho rằng Ấn Độ từ lâu đã phản ảnh sự yếu kém trong lĩnh vực mua sắm quân sự. Anthony Cordesman, một cố vấn của Bộ Quốc phòng Mỹ phát biểu với hãng tin FoxNews: “Ấn Độ có rất nhiều vấn đề liên quan đến tiếp thu vũ khí thiết bị hiện đại của nước ngoài nên khó có thể biết được rằng việc này nói lên điều gì về các hệ thống của Nga”.
Tuy nhiên, Cordesman cũng chia sẻ ông không ngạc nhiên trước những lời phàn nàn của Ấn Độ bởi hiểu rõ khả năng của máy bay Nga. Theo Cordesman, người Nga rất giỏi trong việc chế tạo máy bay nhưng đã có những sự thay đổi từ sau khi Liên bang Xô Viết sụp đổ, giờ thì "chúng (máy bay Nga) nhìn rất đẹp nhưng không rõ khả năng hoạt động thực tế của chúng ra sao và chúng có thể đáp ứng được bao nhiêu tiêu chí về kỹ thuật”.
Trở lại với dự án tiêm kích tàng hình thế hệ 5 của Ấn Độ, Laird cho rằng Ấn Độ có thể rút lại một phần vốn trong dự án với phía Nga để tiết kiệm chi phí, cho phép họ có thể chế tạo nhiều hơn các tiêm kích Rafale của Pháp, loại tiêm kích này vốn được chế tạo khá nhanh, không giống như những máy bay “thế hệ 5” đang hợp tác với Nga.
Theo Laird, có lợi nhất với Ấn Độ hiện nay là mua tiêm kích thế hệ 5 F-35 của Lockheed Martin, tuy nhiên Chính phủ Mỹ đã không phê chuẩn thương vụ này, bất chấp các quan chức Ấn Độ nhiều lần đề nghị được cân nhắc loại máy bay trên.
“Nếu họ có được một cơ hội tìm hiểu F-35, họ sẽ muốn sở hữu loại máy bay này. Phía Ấn Độ đã 3 lần đề xuất được trao đổi với phía Mỹ về tiêm kích F-35B nhưng cơ quan chức năng phía Mỹ chưa trả lời đề nghị của Ấn Độ” - Laird nói, đồng thời khẳng định rằng F-35 ưu việt hơn so với máy bay của Nga.
Laird nhận định: “Nga có những nhà thiết kế máy bay giỏi và họ biết cách chế tạo một máy bay linh hoạt. Chiếc máy bay mà họ đang phát triển là một bước tiến tới sự linh hoạt và cơ động hơn, tuy nhiên vấn đề không nằm hoàn toàn ở thân máy bay, mà còn là những gì bên trong nó. Tiêm kích F-35 có khả năng quan sát 360 độ, phát hiện một tên lửa từ khoảng cách hơn 1.300km, máy bay sở hữu một radar vượt trội và tất cả các hệ thống đều được tích hợp. Tôi cho rằng người Nga chưa thể tiến gần tới mức trình độ này”.
Theo Laird, mặc dù vẫn có những hạn chế nhất định nhưng những thông tin mà các hệ thống trên mang lại cho phi công cũng như người chỉ huy rất có giá trị trong một tình huống chiến đấu.