Ấn Độ kiếm bộn tiền ở Đông Nam Á nhờ tiêm kích Nga

Tuân Việt |

(Soha.vn) - Hiện nay, sự xuất hiện ngày càng nhiều các máy bay Sukhoi tiên tiến trong lực lượng không quân châu Á đang là một vận may bất ngờ đối với Ấn Độ.

Giữ vai trò như một trung tâm bảo dưỡng máy bay Sukhoi và là cái nôi đào tạo phi công máy bay chiến đấu nước ngoài, Ấn Độ đang kiếm được một số tiền đáng kể, đồng thời còn giúp tăng cường các mối quan hệ của New Delhi với các khu vực Đông Nam Á.

Indonesia

Trong tháng 10/2013, Ấn Độ đã đồng ý đào tạo và hỗ trợ các lực lượng không quân Indonesia trong việc vận hành các phi đội máy bay chiến đấu Sukhoi. Theo thỏa thuận trong chuyến đi của Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ tới Jakarta, Ấn Độ và Indonesia sẽ hợp tác trong các lĩnh vực đào tạo phi công, trợ giúp kỹ thuật và cung cấp phụ tùng hỗ trợ.

 	Su-30MK2 của Không quân Indonesia.

Su-30MK2 của Không quân Indonesia.

Trước đây, Jakarta đã có một hiệp ước với Trung Quốc để đào tạo phi công và cung cấp hỗ trợ kỹ thuật cho phi đội Sukhoi của mình nhưng sau đó đã đổi hướng vì cho rằng Không quân Ấn Độ (IAF) là một “người cố vấn” lý tưởng.

Bên cạnh các thỏa thuận về đào tạo và trợ giúp kỹ thuật cho các phi đội Sukhoi, Ấn Độ và Indonesia cũng sẽ tăng cường đáng kể hợp tác quốc phòng song phương. “Hai bên đã trao đổi về các vấn đề liên quan đến an ninh khu vực và toàn cầu, cũng như các bài tập song phương liên quan đến đào tạo, hợp tác sản xuất thiết bị quốc phòng và các chuyến thăm cấp cao,” một phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Ấn Độ cho biết.

 	Su-30MKI của Không quân Ấn Độ.

Su-30MKI của Không quân Ấn Độ.

Tờ Công nghiệp quốc phòng (DID) giải thích tầm quan trọng của thỏa thuận Ấn Độ-Indonesia về các máy bay Sukhoi: “Động thái này sẽ có một tầm quan trọng vượt xa giá trị kinh tế của nó, vì đây là một phần trong tập hợp mở rộng các hiệp định hợp tác quốc phòng nâng cao mà cả hai nước đang theo đuổi”.

DID cũng cho biết thêm: “Indonesia không tìm cách để đối phó với Trung Quốc, nhưng các tuyên bố hung hăng của Trung Quốc ở Biển Đông đang đối lập với sự hỗ trợ của Ấn Độ về tự do hàng hải, và giải quyết tranh chấp đa phương theo luật pháp quốc tế. Điều này dẫn đến việc Indonesia hướng tới sự hợp tác với Ấn Độ, đồng thời cũng phù hợp với ưu tiên chiến lược của Ấn Độ”.

Su-30MKM của Không quân Malaysia.

Malaysia

Trong khi đó, Ấn Độ cũng đóng một vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ lực lượng không quân Hoàng gia Malaysia (RMAF) để duy trì phi đội máy bay chiến đấu Su-30 MKM của mình. Trong năm 2008, Ấn Độ đã chấp nhận yêu cầu của Malaysia trong việc đào tạo các nhân viên Không quân Hoàng gia Malaysia (RMAF) về vận hành và bảo trì các máy bay chiến đấu Su-30 MKM.

Việt Nam

Đối với Việt Nam, sự thành công của Ấn Độ trong việc kết hợp tên lửa hành trình BrahMos trên các máy bay Sukhoi có thể khiến Việt Nam quan tâm đến việc mua các tên lửa này. Nếu được thông qua, thỏa thuận này sẽ đánh dấu việc bán hàng ra nước ngoài đầu tiên của tên lửa hành trình được phát triển chung giữa Ấn Độ và Nga.

 	Việt Nam sẽ mua tên lửa BrahMos của Nga-Ấn.

Việt Nam sẽ mua tên lửa BrahMos của Nga-Ấn.

Động thái chiến lược

Trước đây, cả Indonesia và Malaysia đều có mâu thuẫn với Ấn Độ. Trong cuộc chiến tranh Ấn Độ- Pakistan năm 1965, Indonesia đã cử tàu chiến tới Pakistan để chống lại Ấn Độ. Trước đó, chính quyền Jakarta cũng có phần nghiêng về phía Trung Quốc hơn. Các nhà lãnh đạo Indonesia cũng bắt đầu lên tiếng tuyên bố chủ quyền quần đảo Andaman và Nicobar, và yêu cầu Ấn Độ Dương được đổi tên thành “Biển Indonesia”.

Do đó, các thỏa thuận về các máy bay Sukhoi là một cách tuyệt vời để thúc đẩy quan hệ quốc phòng giữa hai nước này. Hơn nữa, với các thỏa thuận về hợp tác quân sự khác sẽ giúp Ấn Độ tăng cường tầm ảnh hưởng lên các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại