Tên lửa đạn đạo Pragati
Pragati lại là một biến thể xuất khẩu của loại tên lửa đường đạn Prahaar do Cơ quan Nghiên cứu và Phát triển Quốc phòng (DRDO) Ấn Độ phát triển độc lập. Pragati lần đầu tiên giới thiệu tại triển lãm Hàng không và Quốc phòng Quốc tế ở thủ đô Seoul (ADEX 2013) hồi cuối tháng 10 vừa qua.
Theo các nguồn tin từ ngành công nghiệp quốc phòng Ấn Độ, DRDO đã được chính phủ Ấn Độ cho phép xuất khẩu tên lửa đạn đạo tiên tiến này cho các quốc gia thân thiện nếu họ quan tâm. Trong đó, Việt Nam được cho là có khả năng là khách hàng đầu tiên của hệ thống tên lửa đường đạn tiên tiến này nếu thực sự quan tâm.
Tên lửa Pragati được trưng bày tại triển lãm hàng không ADEX 2013
Mặc dù chưa có thông tin chính thức nào về việc Việt Nam "để mắt" tới tên lửa đạn đạo Pragati nhưng trong tương lai, khi mà lực lượng tên lửa đạn đạo của Việt Nam được hiện đại hóa, Pragati sẽ là một "ứng viên" tiền năng để thay thế cho những đơn vị tên lửa Scud lỗi thời.
Tên lửa đạn đạo Pragati có chiều dài 7,4m, đường kính 0,42m và có thể mang một đầu đạn thông thường nặng tới 200kg. Pragati sử dụng động cơ đẩy nhiên liệu rắn và được phóng đi từ một hệ thống phóng cơ động (MLS) mang từ 2 đến 6 tên lửa trên mỗi bệ phóng đặt trên xe bánh lốp (tùy thuộc vào từng cấu hình). Kíp xe gồm 4 người, có thể chuẩn bị phóng cho hệ thống Pragati trong vòng 5 phút và nạp đạn lại trong vòng 15 phút. Thời gian phản ứng của hệ thống rất nhanh, cho phép tên lửa được phóng lên chỉ sau 2 đến 5 giây sau khi ổn định bệ phóng.
Được biết, tiền thân của Pragati là tên lửa Prahaar đã được Ấn Độ thử nghiệm trong năm 2011 và tấn công chính xác một mục tiêu ở khoảng cách xa 150km với sai số bán kính 10m.
Pragati sử dụng hệ thống dẫn đường kết hợp Con quay laser hồi chuyển (RLG) dựa trên hệ thống định vị quán tính và hệ thống định vị toàn cầu GPS để dẫn bắn cho tên lửa tiến công mục tiêu. Đạn tên lửa Pragati có tầm bắn xa 60 - 170km, đạt tốc độ bay tối đa Mach 4 (gấp 4 lần vận tốc âm thanh) trong khoảng thời gian từ 120 - 360 giây sau khi rời bệ phóng.
Khác với các tên lửa đường đạn bay theo quỹ đạo đường đạn nhằm đưa phần chiến đấu đến mục tiêu đã định, Pragati được tích hợp phần mềm tiên tiến, cho phép nó bay theo quỹ đạo khó dự báo hơn, qua đó nâng cao khả năng sống còn của tên lửa trên chiến trường.
Tàu tuần tra Ấn Độ giúp Việt Nam bảo vệ bờ biển
Trong một động thái mới nhất được giới truyền thông Ấn Độ công bố gần đây, Ấn Độ sẽ tiếp tục giúp Việt Nam hiện đại hóa và huấn luyện các lực lượng quân đội và an ninh, bước đầu là thông qua khoản vay tín dụng 100 triệu USD để mua sắm trang bị quốc phòng. Mặc dù không có chi tiết về việc Việt Nam sẽ sử dụng khoản vay này để mua sắm vũ khí gì, nhưng theo tiết lộ của các phương tiện truyền thông nước này, khả năng Việt Nam sẽ mua 4 tàu tuần tra ngoài khơi của Ấn Độ.
Thông tin về loại tàu tuần tra nào sẽ được Ấn Độ đóng cho Việt Nam cũng chưa được tiết lộ. Nhưng hồi đầu tháng 8 vừa qua, hãng đóng tàu PSU Garden Reach Shipbuilders & Engineers (GRSE) của Ấn Độ đã hạ thủy chiếc tàu tuần tra ngoài khơi (OPV) đầu tiên mang tên Barracuda trong đơn hàng xuất khẩu cho Mauritius, đánh dấu bước ngoặt mới trong ngành đóng tàu hải quân Ấn Độ.
Barracuda có lượng giãn nước 1.300 tấn, dài 74,1m; rộng 11,4m; tốc độ di chuyển 20 hải lý/giờ. Đây cũng là con tàu tuần tra đầu tiên được Ấn Độ cung cấp cho một quốc gia nước ngoài. Mặc dù vậy, người ta dự đoán rằng, có khả năng Việt Nam sẽ mua loại tàu tuần tra có lượng giãn nước nhỏ hơn, khoảng dưới 1.000 tấn.
Tàu tuần tra ngoài khơi được Ấn Độ xuất khẩu cho Mauritius.
Ngoài việc thông qua khoản vay tín dụng, Ấn Độ còn giúp Việt Nam trong công tác huấn luyện thủy thủ và nhân viên tàu ngầm để có khả năng tiếp nhận, vận hành và bảo dưỡng 6 tàu ngầm Kilo mua của Nga.
Những ứng viên vũ khí có tiềm năng mà Ấn Độ có thể cung cấp sẽ giúp Việt Nam tăng cường đáng kể khả năng tác chiến bảo vệ chủ quyền, lãnh hải, cũng như trinh sát, giám sát các hoạt động trái phép trên Biển Đông.
Có thể nói, với mối quan hệ hợp tác quốc phòng đang ngày càng phát triển mạnh mẽ, trong tương lai gần, Ấn Độ hoàn toàn có thể trở thành một nhà cung cấp vũ khí và hỗ trợ hậu cần cho Việt Nam trong quá trình hiện đại hóa quân đội.