Top 5 máy bay chiến đấu bán chạy nhất thế giới

Tuân Việt |

(Soha.vn) - Hiện có khoảng 16.000 - 16.500 chiếc máy bay chiến đấu đang phục vụ trong Không quân các quốc gia trên thế giới. Vậy đâu là những chiến cơ được ưa chuộng nhất?

Trong chiến tranh hiện đại, máy bay chiến đấu đóng vai trò vô cùng quan trọng trong thiết lập các cùng cấm bay, chiếm ưu thế trên không, hộ tống máy bay quân sự và hàng không dân dụng, bảo vệ các mục tiêu trên mặt đất và bảo vệ tàu chiến.

Vì lý do này mà tỷ lệ máy bay trong tổng số buôn bán vũ khí toàn cầu chiếm gần 50 %. Tờ Lenta.ru của Nga căn cứ vào số lượng các máy bay đang phục vụ trong Không quân của các quốc gia trên thế giới để xếp hạng Top 5 máy bay tiêm kích phổ biến hàng đầu thế giới.

Theo thống kê của Lenta, có khoảng 16.000 - 16.500 chiếc máy bay chiến đấu đang phục vụ trong Không quân các quốc gia trên thế giới. Bảng xếp hạng các máy bay chiến đấu phổ biến nhất trên thế giới dựa trên dữ liệu của Viện Quốc tế Nghiên cứu Chiến lược Nga, cơ sở dữ liệu của cổng thông tin Flightglobal MiliCAS và GlobalSecurity vào cuối năm 2012 ─ đầu năm 2013.

F-16 Fighting Falcon

Máy bay chiến đấu F-16 Fighting Falcon được Mỹ thiết kế trong nửa đầu những năm 1970, thực hiện chuyến bay đầu tiên vào năm 1974 và đã được đưa vào trang bị trong năm 1978. Hiện nay, F-16 là máy bay có số lượng lớn nhất trên thế giới với 2.325 chiếc đủ điều kiện bay. Trong 3 năm qua, tổng số máy bay F-16 trong biên chế của lực lượng không quân các nước khác nhau, hầu như không thay đổi. Hiện Falcon có mặt trong Không quân của 36 quốc gia trên thế giới trong đó có Mỹ, Các Tiểu Vương quốc Ả rập Thống nhất, Pakistan và Đài Loan.

Top 5 máy bay chiến đấu phổ biến hàng đầu thế giới
 

Trong những năm 1970, F-16 trở thành một trong những máy bay phản lực đầu tiên được thiết kế  kiểu buồng lái kính tạo cho phi công tầm nhìn không hạn chế. General Dynamics F-16 Fighting Falcon có trọng lượng cất cánh tối đa 19,2 tấn có khả năng đạt tốc độ lên đến 2.400 km/h, tầm hoạt động 4.200 km và bán kính chiến đấu 550 km. Các máy bay chiến đấu Falcon được trang bị một pháo 20 mm với cơ số đạn 511 viên, và 11 điểm treo vũ khí có thể mang tới 7,7 tấn tên lửa và bom các loại.

F/A-18 Hornet

F/A-18 Hornet được thiết kế Mỹ thiết kế vào nửa cuối những năm 70 của thế kỷ trước, bay lần đầu tiên vào năm 1978 và được đưa vào phục vụ trong năm 1983. Trong nửa đầu những năm 1990, máy bay chiến đấu này đã trải qua quá trình hiện đại hóa sâu sắc và biến thể hiện đại nhất được sử dụng đó là F/A-18E/F Super Hornet. Hiện nay, trong biên chế Không quân thế giới, có 1.012 chiếc Hornet cùng các biến thể sửa đổi và nâng cấp Super Hornet. Trong 3 năm qua, số lượng các máy bay giảm 15 chiếc do việc cho “nghỉ hưu” các biến thể Hornet lỗi thời.

Top 5 máy bay chiến đấu phổ biến hàng đầu thế giới
 

Tiêm kích Hornet và Super Hornet hiện đang phục vụ trong Không lực của 8 quốc gia trong đó có Mỹ, Úc, Phần Lan và Thụy Sĩ. Máy bay chiến đấu F/A-18E/F có trọng lượng cất cánh tối đa 29,9 tấn. Máy bay này có khả năng đạt tốc độ tới 1.900 km/h và hoạt động ở khoảng cách 3.300 km, bán kính chiến đấu 722 km. Máy bay được trang bị pháo 20 mm M61 với cơ số đạn 578 viên và 11 giá treo vũ khí có thể mang tới 8 tấn bom và tên lửa.

F-15 Eagle

Máy bay chiến đấu F-15 Eagle thực hiện chuyến bay lần đầu tiên vào năm 1972 và đi vào phục vụ trong năm 1976. Hiện có 869 chiếc Đại bàng F-15 phục vụ trong Không quân của các quốc gia trên thế giới như Mỹ, Israel, Nhật Bản, Saudi Arabia, Hàn Quốc và Singapore. Trong 3 năm qua số lượng máy bay tăng 12 chiếc, trong đó Ả Rập Saudi là khách hàng lớn nhất của loại máy bay này.

Top 5 máy bay chiến đấu phổ biến hàng đầu thế giới
 

Máy bay chiến đấu McDonnell Douglas F-15 được thiết kế như một máy bay chiến đấu ưu thế trên không, nhưng sau đó nó được sử dụng như một máy bay chiến đấu-ném bom với biến thể F-15E Strike Eagle. Máy bay có trọng lượng cất cánh tối đa 30,9 tấn, có khả năng đạt tốc độ lên đến 2.700 km/h. F-15 có phạm vi hoạt động 5.600 km và bán kính chiến đấu 1.900 km. Tiêm kích được trang bị một pháo 20mm M61 với cơ số đạn 940 viên và 11 giá treo vũ khí có thể mang tới 7,4 tấn bom và tên lửa.

MiG-29

MiG-29 được Liên Xô phát triển vào cuối những năm 1970, thực hiện chuyến bay đầu tiên vào năm 1977 và được đưa vào biên chế trong năm 1983. Hiện nay, 863 chiếc MiG-29 đang phục vụ trong lực lượng không quân của 27 quốc gia trên thế giới, trong đó có Algeria, Belarus, Iran và Bắc Triều Tiên. Trong năm 2010-2012, số lượng máy bay như vậy trên thế giới giảm 74 đơn vị.

Top 5 máy bay chiến đấu phổ biến hàng đầu thế giới
 

MiG-29 có trọng lượng cất cánh tối đa 18,5 tấn, có thể đạt tốc độ lên đến 2.500 km/h, tầm hoạt động 2.100 km và bán kính tác chiến 740 km. Máy bay được trang bị pháo 30 mm GSh-30-1 với cơ số đạn 150 viên, và được trang bị với 7 giá treo vũ khí có thể mang tới 2,2 tấn bom và tên lửa.

MiG-21

MiG-21 được phát triển trong nửa đầu những năm 1950, thực hiện chuyến bay đầu tiên vào năm 1956, và bắt đầu đi vào phục vụ trong năm 1959. Mặc dù “tuổi cao”, nhưng MiG-21 vẫn là một trong những máy bay nổi tiếng nhất thế giới. Hiện có khoảng 787 máy bay chiến đấu MiG-21 phục vụ trong Lực lượng không quân của 23 quốc gia trên thế giới (không kể các bản sao của Trung Quốc) trong đó có Việt Nam, Ấn Độ, Campuchia, Croatia, Mali và Zambia.

	MiG-21 của Không quân nhân dân Việt Nam.

MiG-21 của Không quân nhân dân Việt Nam.

Trong 3 năm qua, số lượng máy bay loại này trên thế giới giảm 45 đơn vị. Trong vài năm tới, số lượng MiG-21 giảm mạnh, đặc biệt là trong không quân Ấn Độ, quốc gia đang sở hữu 152 máy bay chiến đấu loại này.

MiG-21 có trọng lượng cất cánh tối đa 10,1 tấn, có thể đạt tốc độ 2.200 km/h và tầm hoạt động 1.500 km. Bán kính tác chiến của máy bay vào khoảng 400 km, tùy thuộc vào từng phiên bản. MiG-21 được trang bị pháo 23 mm GSH-23L với 200 viên đạn. Máy bay cũng được trang bị 5 giá treo tên lửa và bom có trọng lượng lên đến 1,3 tấn.

Bài vở và ý kiến đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về email: tientruonghuong@vccorp.vn. Trân trọng!

 

 

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại