Theo giám đốc điều hành viện thiết kế Tochmas, ông Vladimir Slobodchikova, các cuộc thử nghiệm cuối cùng của hệ thống Sosna sẽ kết thúc vào cuối năm nay và trong năm 2015 sẽ chuyển sang giai đoạn sản xuất hàng loạt cho phía Ấn Độ.
Hệ thống phòng không Sosna.
Trước đó, các nguồn tin từ ngành công nghiệp quốc phòng Ukraine cho biết phía Ukraine và Ấn Độ đã ký kết hợp đồng phát triển hệ thống pháo, tên lửa phòng không và Ukraine sẽ cung cấp 138 hệ thống này cho Ấn Độ. Tuy nhiên, cuộc xung đột ở miền Đông Ukraine hiện nay đã khiến phía Ấn Độ từ bỏ việc hợp tác phát triển hệ thống này.
Sosna là tổ hợp tên lửa phòng không dùng để tiêu diệt các loại máy bay, tên lửa hành trình hay thậm chí là các loại xe bọc thép hạng nhẹ.
Một xe phóng của hệ thống Sosna gồm 12 tên lửa Sosna-R tương tự như tên lửa trang bị trên hệ thống Palma có trên tàu hộ vệ tên lửa lớp Gepard của Hải quân Việt Nam. Các hệ thống Sosna cũng tương tự như hệ thống Palma ngoại trừ việc hệ thống Sosna không có pháo bắn nhanh như của Palma.
Các tên lửa Sosna-R có tầm bắn từ 1-10km sử dụng 2 đầu đạn nổ với tổng khối lượng 7kg. Đầu đạn thứ nhất tiêu diệt các mục tiêu gần, đầu đạn thứ 2 tiêu diệt mục tiêu khi va chạm.
Tên lửa ở giai đoạn tăng tốc sử dụng hệ dẫn đường vô tuyến và sau đó sử dụng hệ thống dẫn đường bằng chùm tia laser. Việc sử dụng hệ thống quang tuyến giúp Sosna có khả năng sống sót cao, hoạt động trong nhiều điều kiện môi trường và khó bị gây nhiễu.
Nhiều hệ thống Sosna có thể cùng hoạt động với 1 xe chỉ huy mang theo thiết bị trinh sát giúp xác định mục tiêu cho các xe phóng khác.
Hiện tại, hệ thống Sosna được Nga thiết kế đặt trên khung gầm xe thiết giáp MT-LB và có thể theo dõi cùng lúc 50 mục tiêu và tiêu diệt 1 mục tiêu. Ngoài MT-LB thì hệ thống Sosna còn có thể lắp đặt lên nhiều loại phương tiện cơ giới khác, tuy nhiên vẫn chưa rõ phía Ấn Độ sẽ lựa chọn lắp đặt lên phương tiện cơ giới nào.