“Choáng” với cảnh bắn tên lửa Osa-M từ tàu chống ngầm Ukraine

Tuân Việt |

Hệ thống tên lửa phòng không Osa-M của Hải quân Ukraine đã gây bất ngờ lớn trong cuộc tập trận chung với NATO.

Truyền thông Nga và Ukraine cho hay, hệ thống tên lửa phòng không Osa-M của Hải quân Ukraine đã gây bất ngờ lớn trong cuộc tập trận chung với NATO. Tên lửa được bắn đi từ tàu chống ngầm Ternopil đã rơi xuống nước, nổi lên và hướng về phía con tàu, nhưng rất may quả đạn đã không bay được xa và lại rơi xuống nước một lần nữa.

Video tên lửa Osa-M của Ukraine bắn "xịt" trong cuộc tập trận chung với NATO.

Cuộc tập trận mang mật danh Sea Breeze 2014 với sự tham gia của tàu chiến Ukraine và NATO bắt đầu từ ngày 08/9 tại khu vực Tây Bắc Biển Đen.

Bộ Quốc phòng Ukraine cho biết nội dung của cuộc tập trận là "Chiến dịch quốc tế nhằm thiết lập và đảm bảo khu vực an toàn hàng hải trong vùng khủng hoảng", đây là một phần chương trình hợp tác quốc phòng giữa Kiev và Washington trong năm 2014.

Tham gia cuộc diễn tập, phía Ukraine có 5 tàu chiến và tàu hậu cần, 2 tàu biên phòng, các máy bay và trực thăng trong khi phía NATO có 6 tàu chiến tham gia. Gruzia, Na Uy, Thụy Điển và Pháp cũng đã cử các quan sát viên tới cuộc tập trận Sea Breeze 2014.

Tàu chống ngầm Ternopil là một trong số những chiến hạm Ukraine tham gia diễn tập lần này. Đây là con tàu đầu tiên được Ukraine nhận lại từ phía Nga sau sự kiện Crimea.

Tàu chống ngầm Ternopil của Hải quân Ukraine.

Tàu chống ngầm Ternopil của Hải quân Ukraine.

Chiến hạm Ternopil dự án 1124ME thuộc lớp Grisha V được hạ thủy ngày 15/4/1991 và chính thức vào biên chế Hải quân Ukraine ngày 16/2/2006. Ternopil có chiều dài 71,2m, rộng 10,15m, lượng giãn nước đầy tải 1.030 tấn. Tàu được trang bị 2 bệ phóng rocket chống ngầm RBU-6000, 2x2 ống phóng ngư lôi DTA-5E-1124 cỡ 533mm, 12 bom chìm, ngoài ra tàu còn được trang bị 1 pháo hạm AK-176, 1 pháo phòng không AK-630, 1 hệ thống tên lửa phòng không Osa-M.

Năm 2007, Ternopil là tàu chiến đầu tiên của Ukraine tham gia cuộc tập trận Active Endeavor của NATO. Trong sự kiện Crimea, vào ngày 20/3 các lực lượng thân Nga đã bắt giữ 3 chiến hạm của Hải quân Ukraine trong đó có Ternopil.

Sau đó Chính phủ Ukraine tiến hành đàm phán với Nga để xin lại một số tàu chiến bị chiếm giữ và tổng thống Putin đã đồng ý trả lại một số vũ khí, thiết bị quân sự của các đơn vị Ukraine đóng tại Crimea vẫn trung thành với nước này.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại