Ấn Độ tăng cường hợp tác quân sự với Mỹ
Bình luận về mối quan hệ hợp tác quân sự giữa Mỹ và Ấn Độ, trong bữa tiệc chiêu đãi kỷ niệm 10 năm ngày ký kết thỏa thuận hạt nhân giữa hai nước, Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden hào hứng tuyên bố: "Chúng ta đang đứng trước những thay đổi lớn trên biển”.
Ông Biden nói rằng, trong những thay đổi này, New Dehli đóng một vai trò quan trọng.
Washington không tiến hành với nước nào trên thế giới nhiều cuộc tập trận hải quân chung như với Ấn Độ, bởi nước này có vị trí quan trọng trong chiến lược kiềm chế Trung Quốc mà Tổng thống Obama đang theo đuổi.
Ông Samir Patil, chuyên gia về an ninh quốc gia từ Trung tâm phân tích của Ấn Độ Gateway House bình luận:
"Ấn Độ và Hoa Kỳ đang tăng cường hợp tác quân sự, ví dụ như các gói mua sắm vũ khí trang bị, đặc biệt là việc hai nước tiến hành các cuộc tập trận hải quân chung".
New Dehli đang nỗ lực mở rộng các cuộc diễn tập hải quân song phương và đa phương Ấn - Mỹ.
Cuộc tập trận chung Malabar năm nay, Ấn Độ đã mời Nhật Bản - một đồng minh quan trọng nhất của Mỹ ở châu Á, cùng tham gia. Ngoài ra, nước này còn dự định tiến hành tập trận chung với Australia.
Ấn Độ đang đẩy mạnh hợp tác quân sự với cả Nga lẫn Mỹ
Tăng cường hợp tác với Mỹ trên biển trong các thập kỷ tới, hạm đội hai nước sẽ tích cực tham gia các hoạt động cứu hộ, tăng cường và làm sâu sắc hơn mối liên hệ trực tiếp giữa các quân nhân của hai nước.
Trong thời gian tới, sĩ quan hải quân Ấn Độ sẽ được đào tạo và hội thảo tại Hoa Kỳ.
Sự hợp tác quân sự - kỹ thuật cũng sẽ được mở rộng sang lĩnh vực mua sắm vũ khí, trang bị.
Mỹ cung cấp máy bay trinh sát trên biển, các hệ thống thông tin liên lạc hiện đại và nhiều loại vũ khí khác cho Ấn Độ. Kim ngạch giao dịch giữa hai nước tăng với tốc độ chóng mặt.
Tất cả điều này được thực hiện với mục tiêu xây dựng mạng lưới bảo vệ trước các hoạt động hải quân của Trung Quốc.
Washington lo ngại về sức mạnh hải quân đang lên của Bắc Kinh và muốn tạo ra đối trọng chiến lược với Trung Quốc trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
New Dehli không muốn đối đầu trực tiếp với Bắc Kinh, nhưng quan tâm đến việc tạo ra cơ chế răn đe chống sự mở rộng hiện diện hải quân của Trung Quốc trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương.
Do đó, nước này tăng cường phát triển hợp tác quân sự với Hoa Kỳ, Nhật Bản và Australia.
Máy bay tuần tiễu chống ngầm P-8I Neptune (phiên bản xuất khẩu cho Ấn Độ của P-8A Poseidon - Mỹ)
Ngày 14-7 vừa qua, Ấn Độ đã ký kết một thỏa thuận khổng lồ trị giá gần 300 tỷ rupee (4,74 tỷ USD) với nhà thầu quốc phòng Boeing của Mỹ để mua trang thiết bị quốc phòng, trong đó có 4 máy bay trinh sát hàng hải, thiên về chức năng chống ngầm là P-8A Poseidon.
Thỏa thuận này còn bao gồm các đơn đặt hàng mua hàng trăm pháo phòng không, trong đó lớn nhất là đơn đặt mua 428 pháo phòng không L-70 và ZU23 của Mỹ trị giá khoảng 169 tỷ rupee (2,67 tỷ USD).
Số pháo phòng không này sẽ được sản xuất tại Ấn Độ, nhằm nâng cao khả năng của nền công nghiệp quốc phòng nước này.
Ấn Độ đang thực hiện một chương trình hiện đại hóa quân sự khổng lồ trị giá lên đến 250 tỷ USD trong 10 năm tới, do đó thu hút sự chú ý của nhiều nhà sản xuất phương Tây, nhằm cạnh tranh thị phần với bạn hàng truyền thống của nước này là Nga.
Một báo cáo của Hiệp hội Thương mại và Công nghiệp Ấn Độ (ASSOCHAM) cho rằng, những thay đổi quan trọng có thể diễn ra trong lĩnh vực hợp tác quân sự - kỹ thuật Nga - Ấn.
Hai nước đã chuyển từ sự tương tác đơn giản giữa “người bán và người mua” sang giai đoạn cùng chế tạo, sản xuất vũ khí và thiết bị quân sự.
Báo cáo này cho biết, hợp tác giữa Nga và Ấn Độ đi vào thực chất, những sản phẩm quốc phòng mà Nga bán hoặc chuyển giao công nghệ cho nước này như tên lửa BrahMos, máy bay Su-30MKI, tăng T-90 hay hợp tác cùng phát triển tiêm kích thế hệ thứ 5 FGFA...
Tất cả những dự án trên đều là xương sống trong lực lượng vũ trang nước này.
Hệ thống tên lửa BrahMos là một thành công lớn của liên danh Nga - Ấn BrahMos Aerospace. Loại tên lửa hành trình chống hạm siêu âm lừng danh này được coi là là không có đối thủ trên thế giới và đang đứng trước tương lai xuất khẩu vô cùng tươi sáng.
Ấn hợp tác với Nga phát triển cả máy bay chiến đấu thế hệ 4 và 5
Hiện Moscow và New Dehli đang đàm phán về hiện đại hóa toàn diện các máy bay chiến đấu Su-30MKI cho lực lượng không quân.
Ấn Độ có thể sở hữu tới 300 chiếc máy bay chiến đấu loại này, trang bị tên lửa do 2 nước phát triển chung, làm nòng cốt trong lực lượng không quân.
Ngoài ra, Nga và Ấn Độ đang hợp tác phát triển máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5 FGFA trên cơ sở loại tiêm kích tàng hình Sukhoi PAK FA T-50 của Nga.
Cùng với đó là chương trình hợp tác phát triển máy bay vận tải đa năng hạng nặng, thay thế cho dòng Il-76 đã già lão.
Việc Moscow bán 10 tàu ngầm thông thường động cơ diezen lớp Varshavyanka (NATO gọi là Kilo) cho New Dehli cũng là điển hình cho việc hợp tác trong lĩnh vực hải quân.
Hiện Nga vẫn đang tiếp tục nâng cấp các tàu ngầm này lên chuẩn Improved Kilo, trang bị các tên lửa Club-S hiện đại nhất.
Đồng thời, Nga còn cải tạo tàu sân bay INS Vikramaditya, cung cấp máy bay tiêm kích hạm MiG-29K mang tên lửa chống hạm tiên tiến nhất Kh-35UE cho các tàu sân bay nước này.
Đồng thời, Nga cũng bán cho hải quân Ấn Độ những tàu hộ vệ tiên tiến nhất lớp Talwar, mang tên lửa Club hoặc BrahMos.
Tàu hộ vệ tàng hình lớp Talwar của Ấn Độ là phiên bản xuất khẩu của lớp Krivak IV của Nga
Lực lượng lục quân nước này cũng sử dụng tới hàng ngàn chiếc xe tăng T-90S của Nga.
Vừa qua, sau khi dòng xe tăng T-14 và xe chiến đấu bộ binh T-15 trên khung gầm Amarta ra mắt, Ấn Độ đã bày tỏ ý muốn mua các loại phương tiện tác chiến lục quân tiên tiến nhất trên thế giới của Nga.
Về phần mình, các nhà phân tích Ấn Độ cũng đưa ra đề xuất về khả năng thành lập đặc khu kinh tế Nga - Ấn Độ nhằm phát triển và sản xuất các sản phẩm trong lĩnh vực quốc phòng và hàng không vũ trụ.
Hợp tác quốc phòng giữa 2 nước đang đi vào chiều sâu trong tổng thể quan hệ hợp tác ngày càng mật thiết.
Có thể nhận thấy rằng, Ấn Độ đã rất khôn ngoan trong chính sách đa phương hóa quan hệ hợp tác quân sự và đa dạng hóa nguồn cung vũ khí trang bị.
Điều này thể hiện bằng việc bắt tay cả 2 ông lớn về khoa học kỹ thuật quân sự là Nga và Mỹ, nhằm nâng cao trình độ nền công nghiệp quốc phòng nước này.
Chính sách này trước mắt cũng gây ra một số khó khăn trong việc đào tạo nguồn lực con người và xây dựng hạ tầng kỹ thuật phù hợp với nhiều trường phái công nghệ khác nhau.
Tuy nhiên, về lâu dài Ấn Độ sẽ xây dựng được nền tảng khoa học kỹ thuật quân sự và nâng tầm nề công nghiệp quốc phòng của mình.