Ác mộng thời Chiến tranh Lạnh: Tên lửa hạt nhân có người lái?

Anh Tuấn |

Vào năm 1952, quân đội Mỹ đã xem xét ý tưởng sử dụng người lái để đưa tên lửa đạn đạo xuyên lục địa bắn đến mục tiêu cần thiết.

Tên lửa Bomi của hãng máy bay Bell ban đầu được thiết kế để phóng một đầu đạn vào vũ trụ, sau đó đầu đạn này sẽ tách khỏi động cơ tên lửa và hướng về mặt đất, phá hủy mục tiêu đã định.

Mô hình tên lửa do thám Bell Bomi MX-2276.
Mô hình tên lửa do thám Bell Bomi MX-2276.

Ý tưởng này đã có từ thời Đức Quốc xã, khi họ đã chế tạo A9/A10, một loại tên lửa nhiều tầng có người lái. Trang web Encyclopedia Astronautica viết:

“Sau khi tách động cơ ở độ cao 390km và vận tốc 3.400m/giây, A9 sẽ hướng trở lại bầu khí quyển và hướng đến mục tiêu.

Phi công sẽ được dẫn đường bởi tín hiệu vô tuyến trên các tàu ngầm Đức ở Đại Tây Dương. Khi gần đến mục tiêu, người này sẽ tự tay điều chỉnh để tên lửa đáp đất đúng vị trí rồi thoát ra ngoài. Anh ta sẽ chết hoặc bị bắt làm tù binh sau đó”.

Với việc nhiều nhà khoa học của Đức được phép nhập cảnh vào Mỹ để làm việc cho các chương trình không gian Mỹ nhằm chạy đua với Liên Xô, không có gì ngạc nhiên khi ý tưởng này được đưa ra một lần nữa.

Tên lửa Bomi của hãng Bell có hai tầng. Tầng một có 2 người, sẽ giúp tên lửa đạt đốc độ cần thiết, sau đó sẽ tách rời với tầng hai và trở lại căn cứ.

Tầng hai có 1 người sẽ từ không gian đưa đầu đạn đến mục tiêu với tốc độ tối đa Mach 4. Tên lửa được trang bị một đầu đạn hạt nhân nặng hơn 1,8 tấn và phi công sẽ thoát ra trước khi tên lửa đến nơi.

Không quân Mỹ đã tỏ ra nghi ngại trước loại tên lửa mới này, đặc biệt là khi Bomi chỉ có tầm xa 6.400km (tầm bắn từ Mũi Canaveral, bãi phóng tên lửa chính của Mỹ, tới Moscow là 7.900km).

Tuy vậy ý tưởng này cũng đã phần nào gây được sự chú ý đối với lực lượng này và họ đã chọn thử nghiệm tên lửa do thám MX-2276, bởi họ ước tính tầm xa của nó khi không được trang bị đầu đạn sẽ là 18.500km.

Cuối cùng, dự án tên lửa có người lái trở thành X-20 Dyna-Soar vào năm 1957, một loại máy bay có mục đích ném bom hoặc do thám. Tuy nhiên, vấn đề chi phí và kỹ thuật, cùng với những nghi ngờ sao chép ý tưởng của NASA đã khiến dự án này bị hủy bỏ vào năm 1963.

Có thể nói rằng, dự án đưa người vào tên lửa để đưa đầu đạn hạt nhân tới mục tiêu là không khả thi. Vào thời đầu Chiến tranh Lạnh, người ta đã bàn luận về việc vũ khí hạt nhân nên được trang bị trên máy bay ném bom hoặc tên lửa.

Máy bay có người lái có nhiều ứng dụng hơn một tên lửa không người lái, nhưng cuối cùng tên lửa lại là phương tiên có tốc độ nhanh hơn và hiệu quả hơn để lắp đặt vũ khí hạt nhân.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại