Thảm họa 2008 liệu có lặp lại với KQ Nga trên bầu trời Syria?

Tuấn Trung |

Thông tin một chiếc Su-25 bị phiến quân IS bắn hạ đã làm dấy lên lo ngại rằng, liệu Nga đã rút được kinh nghiệm sau khi chịu tổn thất nặng nề trên bầu trời Gruzia năm 2008?

Tiến hành oanh kích các mục tiêu trên lãnh thổ Syria đã đánh dấu việc Không quân Nga chính thức tham chiến quy mô lớn tại nước ngoài kể từ sau cuộc chiến tranh chớp nhoáng tại Gruzia năm 2008.

Tuy nhiên mục đích thực sự của Nga tại Syria là để tiêu diệt IS hay lực lượng nổi dậy chống lại chính quyền Tổng thống Assad hiện vẫn chưa rõ ràng. Bên cạnh đó, các loại máy bay chiến đấu được Nga mang tới Syria cũng đặt ra nhiều câu hỏi lớn.

Vai trò thực sự của Su-30SM và Su-34 là gì?

Trong số 34 máy bay, chỉ có 4 chiếc Su-30SM và 6 chiếc Su-34 là thuộc hàng hiện đại, tuy nhiên vai trò của chúng lại rất mờ nhạt so với 24 chiếc Su-24 và Su-25.


Su-30SM mang tên lửa không đối không sử dụng đầu dò hồng ngoại R-27ET

Su-30SM mang tên lửa không đối không sử dụng đầu dò hồng ngoại R-27ET

Câu hỏi đầu tiên là mục đích thực sự của việc xuất hiện những chiếc Su-30SM làm nhiệm vụ tiêm kích phòng không.

Đối tượng của chúng là ai khi phiến quân thì không có không lực, khả năng xảy ra đụng độ với máy bay chiến đấu phương Tây là vô cùng thấp, chưa kể nếu đơn độc đối đầu F-22 thì Su-30SM sẽ không có cơ hội chiến thắng.


Su-34 mang bom dẫn đường thông qua vệ tinh KAB-500S

Su-34 mang bom dẫn đường thông qua vệ tinh KAB-500S

Tương tự là trường hợp của Su-34, với số lượng ít ỏi chỉ 6 chiếc, Nga khó có thể duy trì các đợt không kích trong một thời gian dài.

Ngoài ra, các mục tiêu của máy bay Nga cũng có giá trị rất thấp, không yêu cầu phải huy động một chiếc cường kích chuyên đánh phẫu thuật như Su-34.

Cần nhắc lại thông tin cho rằng trong cuộc chiến tại Gruzia năm 2008, các nhà sản xuất vũ khí đã gây sức ép để Không quân Nga không sử dụng những loại chiến đấu cơ đang "ăn khách" trên thị trường, do lo ngại chúng sẽ phải chịu tiếng xấu như trường hợp MiG-29.

Vậy phải chăng sự xuất hiện của Su-30SM và Su-34 chỉ để phục vụ mục đích quảng cáo vũ khí, khi mà các mối đe dọa và vai trò thực sự của chúng gần như không có?

Su-24 và Su-25 liệu có an toàn trước hỏa lực phòng không?


Su-24 mang bom không điều khiển OFAB-250

Su-24 mang bom không điều khiển OFAB-250

Trái ngược với Su-30SM hay Su-34, các ông già Su-24 và Su-25 lại là những lính chiến thực thụ của Nga tại mảnh đất Trung Đông này.

Su-24 là chiếc cường kích vốn nổi tiếng với biệt tài ném bom "ngu" chính xác hơn bom "thông minh". Do tình hình tài chính không dư dả và cách đánh của Nga cũng khác với Mỹ, nên bom không điều khiển OFAB-250 được lựa chọn là trang bị chính của Su-24.

Nga cho biết với hệ thống điều khiển hỏa lực SVP-24, bom OFAB-250 sẽ có độ chính xác không thua JDAM của Mỹ, nhưng tuyên bố này khó có sức thuyết phục.

Hệ thống điện tử hàng không chưa bao giờ là lợi thế của Nga so với phương Tây, cách ném bom "ngu" thông qua cảm biến để nắm bắt vận tốc gió, tốc độ máy bay, độ ẩm không khí... rồi hiệu chỉnh độ rơi của bom không thể đạt độ chính xác như điều khiển toàn quá trình.

Chưa kể đến việc dung sai sẽ phụ thuộc rất lớn vào độ cao của máy bay ném, tương tự một viên đạn pháo, nếu muốn độ chính xác cao thì máy bay buộc phải bay thấp và thả ở cự ly gần, khi đó nó sẽ là mồi ngon cho các loại tên lửa vác vai hay pháo phòng không.

Trong cuộc chiến tranh chớp nhoáng tại Gruzia năm 2008, chỉ trong vòng 5 ngày nhưng Nga đã chịu thiệt hại rất lớn khi mất tới 3 chiếc Su-25 và 1 chiếc Tu-22M3 vì tên lửa Buk.

Tại Syria, mặc dù phiến quân không có hỏa lực phòng không hiện đại như Gruzia, nhưng thời gian Không quân Nga phải hoạt động tại đây sẽ dài hơn con số 5 ngày rất nhiều.

Với chiến thuật sử dụng Su-24 để ném bom không điều khiển hay dùng Su-25 bổ nhào bắn rocket, viễn cảnh thảm họa 2008 lại xảy ra với Không quân Nga trên bầu trời Syria là hoàn toàn có thể xảy ra.

Chưa kể nếu vào "ngày đẹp trời" nào đó, một hệ thống tên lửa phòng không hiện đại của quân chính phủ lọt vào tay phiến quân và bắn rơi Su-30SM hay Su-34 thì Nga sẽ còn sót ruột hơn việc Tu-22M3 bị bắn rơi rất nhiều.

Liệu Nga đã rút kinh nghiệm từ bài học Gruzia để cải tiến hệ thống gây nhiễu và chế áp điện tử, nhằm đưa ra biện pháp đối phó hiệu quả đối với hệ thống tên lửa do chính mình thiết kế, câu trả lời vẫn còn ở phía trước.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại