Tất nhiên, nếu so sánh về tiềm lực quân sự và công nghệ vũ khí, Trung Quốc vẫn chưa thể so sánh được với Mỹ nhưng trong một số lĩnh vực nhỏ, sự phát triển nhanh chóng của Trung Quốc đang khiến Lầu Năm Góc vô cùng quan ngại. Báo cáo của Bộ Quốc phòng Mỹ mới trình lên Quốc hội nước này đã chỉ ra 7 lĩnh vực quân sự của Trung Quốc mà Mỹ cần đặc biệt lưu tâm.
Xuất khẩu máy bay không người lái
Sau 7 năm âm thầm phát triển, mẫu máy bay không người lái Yi Long của Trung Quốc mới được ra mắt lần đầu tiên hồi tháng 11/2012 tại Triển lãm hàng không Chu Hải. Theo đánh giá của các chuyên gia quân sự, Yi Long dù chưa thực sự hoàn hảo nhưng đó vẫn là lời đáp trả khá mạnh mẽ đối với các mẫu máy bay không người lái đắt giá của quân đội Mỹ như Predator hay Reaper.
Với giá thành chỉ khoảng 1 triệu USD mỗi chiếc, Yi Long được thiết kế để sử dụng trong nước và xuất khẩu và nó nhanh chóng trở thành đối thủ cạnh tranh mạnh mẽ của các máy bay không người lái Mỹ với giá thành lên tới 37 triệu USD.
Trực thăng tấn công
Trong bản báo cáo có tên “Sự phát triển của quân đội và các lực lượng an ninh Trung Quốc trong năm 2013”, Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết, kể từ năm ngoái, quân đội Trung Quốc đã được hưởng lợi từ sự “tăng cường sản xuất các loại khí tài, thiết bị quân sự hiện đại bao gồm cả các mẫu trực thăng tấn công Z-10 và Z-19”. Những mẫu trực thăng này sẽ là lực lượng yểm trợ rất hiệu quả và mạnh mẽ cho bộ binh trên chiến trường và có thể mang lại những lợi thế to lớn, góp phần xoay chuyển cục diện các trận đánh.
Mỹ cũng là một cường quốc thường xuyên sử dụng trực thăng tấn công để hỗ trợ bộ binh mặt đất, tìm diệt các ụ kháng cự kiên cố, tiêu diệt xe tăng, xe thiết giáp của đối phương.
Các đơn vị tác chiến điện tử
Trong nhiều thập kỷ, Trung Quốc là quốc gia có lực lượng quân đội lớn nhất thế giới với khoảng 3 triệu binh sỹ tham dự vào tất cả các lĩnh vực. Nhưng vấn đề này đang được thay đổi bởi PLA đang tích cực đẩy mạnh phát triển một đội ngũ sỹ quan có “đầu óc” và có khả năng sử dụng vũ khí công nghệ cao trong chiến đấu.
Khả năng giám sát không gian
Nhờ những tiến bộ trong lĩnh vực công nghệ, quân đội Trung Quốc cũng đang được hưởng lợi rất nhiều bởi họ được kết nối với hệ thống vệ tinh định vị của Trung Quốc, cho phép quân đội theo dõi hành trình di chuyển và dẫn đường cho vũ khí của mình tìm đến mục tiêu.
Hồi năm ngoái, PLA đã bắt đầu khởi động hệ thống vệ tinh định vị, giám sát có tên Bắc Đẩu và tương lai sẽ có năng lực tương đương với hệ thống định vị GPS của Mỹ. Theo các quan chức Trung Quốc, Bắc Đẩu có thể hỗ trợ các đơn vị mặt đất, hải quân và không quân xác định vị trí của đối phương với độ chính xác cao hơn cả GPS.
Chính sách ưu tiên hải quân
Chính sách hướng biển hay nói cách khác là Hải quân đang là trung tâm và là sự ưu tiên cao độ trong quá trình hiện đại hóa của quân đội Trung Quốc. Năm 2012, Trung Quốc đã có chiếc tàu sân bay đầu tiên (Liêu Ninh) cùng với mẫu máy bay tiêm kích J-15 có khả năng cất cánh và hạ cánh trên tàu sân bay. Mới đây, PLA cũng chính thức công bố sự ra mắt của phi đội tiêm kích đầu tiên cho tàu sân bay. Những bằng chứng này đã minh họa một cách rõ nét tham vọng rất lớn của Trung Quốc ở Thái Bình Dương và tiến tới là các đại dương khác.
Tất nhiên, với một chiếc hàng không mẫu hạm được tân trang từ vỏ tàu cũ của Ukraine và chưa có đủ đội chiến hạm hộ tống, hậu cần… Liêu Ninh và quân đội Trung Quốc chưa thể “dọa” được 11 hạm đội tàu sân bay vô cùng hiện đại của Mỹ (trong đó có cả những tàu sân bay hạt nhân) nhưng điều này cho thấy đã đến lúc Mỹ phải “để mắt kỹ càng hơn” với hải quân Trung Quốc nếu không muốn bị đánh bật khỏi những khu vực trọng yếu.
Hạm đội tàu ngầm
Nằm trong kế hoạch tăng cường năng lực hải quân nên tàu ngầm cũng là một trong những hạng mục được Trung Quốc đặc biệt quan tâm. Qua mỗi năm, đội tàu ngầm của Trung Quốc lại mạnh lên một chút và hiện nay họ đã bắt đầu có tàu ngầm hạt nhân và tàu ngầm diesel hiện đại.
Mặc dù hiện tại, các tàu ngầm của Trung Quốc vẫn nhỏ hơn, độ êm kém hơn và năng lực chiến đấu yếu hơn nhiều so với các tàu ngầm Mỹ nhưng Bắc Kinh đã khẳng định họ sẽ tiếp tục đầu tư mạnh mẽ để “ngang hàng” với Mỹ trong lĩnh vực này trong một ngày không xa.
Lực lượng phòng thủ bờ biển
Trung Quốc có rất nhiều tham vọng ở biển và lực lượng phòng thủ bờ biển với nhiệm vụ tác chiến trong những vùng biển gần cũng được ưu tiên rất nhiều. Trong năm 2012, hải quân Trung Quốc đã cho hạ thủy “ít nhất” 6 chiến hạm Type 056 được trang bị đầy đủ súng ống, tên lửa. Số lượng chiến hạm hiện đại này sẽ được gia tăng lên con số 30, báo cáo của Lầu Năm Góc cho biết, và chúng sẽ cùng với khoảng 60 chiếc chiến hạm Type 022 khác trở thành một “lực lượng phản ứng nhanh” và giúp Trung Quốc tự tin hơn rất nhiều trong các chiến dịch ở những vùng biển gần.