Báo Trung Quốc 'so' binh lực, thế cờ Biển Đông

Tại Biển Đông, yếu tố địa lý rất có lợi cho các nước Đông Nam Á. Brunei, Indonesia, Malaysia, Philippines và Việt Nam đều cách vùng biển chủ quyền khá gần, còn Trung Quốc lại cách tương đối xa.

Bài viết này được đăng trên tạp chí Tinh hoa Lãnh đạo của Trung Quốc. Sau đây là phần lược thuật: Có rất nhiều nhân tố ảnh hưởng đến sức mạnh quân sự, đối với hoạt động tác chiến trên biển Đông, yếu tố địa lý và kỹ thuật có vai trò quan trọng nhất.

Tại khu vực biển Đông, yếu tố địa lý rất có lợi cho các nước Đông Nam Á có chủ quyền ở biển Đông. Brunei, Indonesia, Malaysia, Philippines và Việt Nam đều cách vùng biển chủ quyền khá gần, còn Trung Quốc lại cách tương đối xa. Ngoài ra, Malaysia, Philippines và Việt Nam đều đã xây dựng sân bay trên quần đảo Trường Sa, sân bay cách đảo Borneo (Indonesia gọi là đảo Kalimantan, hòn đảo lớn thứ 3 thế giới, thuộc chủ quyền của 3 nước Indonesia, Malaysia và Brunei) và đảo Palawan (nằm ở phía Tây Nam Philippines và ngăn cách biển Đông với biển Sulu) khá gần.

Đầu thập kỷ 1990, dựa vào ưu thế địa lý này, các nước Đông Nam Á đã bù đắp được những hạn chế về mặt kỹ thuật. Tuy nhiên, từ giữa thập kỷ 1990 trở lại đây, nhiều tàu chiến có khả năng phòng không khá mạnh của Trung Quốc đã có mặt ở biển Đông. Những tàu chiến này đều được trang bị hệ thống vũ khí tầm gần dựa trên pháo bắn nhanh Type 730. Hệ thống được sử dụng chủ yếu để phòng thủ chống tên lửa đối hạm và các tên lửa chính xác khác, nhưng cũng có thể được sử dụng để chống máy bay cánh quay và cánh cố định, tàu mặt nước và xuồng nhỏ, các mục tiêu trên bờ.

Tàu chiến Trung Quốc diễu võ giương oai hồi tháng 3/2013
Tàu chiến Trung Quốc diễu võ giương oai hồi tháng 3/2013.

Bán kính tác chiến bằng không quân của hạm đội Nam Hải của Trung Quốc đủ để bao phủ biển Đông. Tuy nhiên, do khoảng cách quá xa và hạn chế trong vấn đề tiếp dầu cho phi cơ chiến đấu vẫn là điểm yếu của Trung Quốc. Việc đảm bảo hậu cần cho hạm đội này cũng tồn tại nhiều vấn đề chết người. Đương nhiên, sau khi tàu sân bay mới và máy bay chiến đấu triển khai trên tàu sân bay J-15 được đưa vào sử dụng, vấn đề này có thể sẽ được giải quyết.

Do số lượng và tầm bắn của hệ thống đánh chặn vũ khí của Trung Quốc, đội tàu chiến mặt nước của các nước Đông Nam Á hoàn toàn rơi vào thế yếu. Tên lửa chống hạm Exocet MM 40 của Malaysia tầm bắn chỉ đạt 70km. Mặc dù tàu hộ tống hạng nhẹ lớp Kedah được trang bị không gian cho hệ thống phòng thủ tên lửa và vũ khí phòng không, nhưng ngân sách vẫn chưa được rót xuống.

Duy các chiến hạm tàng hình Gepard và tàu hộ tống tên lửa tốc độ cao Project 1241 RE được đặt biệt danh là “nhện độc” với hệ thống tên lửa chống hạm Kh-35 hoặc tên lửa chống hạm siêu âm P-270 Moskit, có tầm bắn 130 km có thể tạo mối đe dọa lớn đối với lực lượng tàu chiến mặt nước của hải quân Trung Quốc. Nhưng khả năng phòng không của các tàu chiến này có hạn. Chỉ có tàu hộ tống Gepard được trang bị hệ thống pháo – tên lửa phòng không hạm tàu tự động hóa phòng thủ tầm gần tiên tiến.

Rõ ràng là lực lượng tàu chiến mặt nước của các nước Đông Nam Á buộc phải suy nghĩ nghiêm túc vấn đề làm thế nào sử dụng một cách tốt nhất hệ thống tên lửa đối hạm, hệ thống gây nhiễu và công nghệ định vị mục tiêu để đe dọa tàu hải quân Trung Quốc.

Đánh giá tương quan không quân

Quyền kiểm soát khu vực biển Đông cũng là một căn cứ quan trọng cần nghiên cứu. Nếu Hạm đội Nam Hải của Trung Quốc buộc phải dựa vào máy bay chiến đấu Su-30MK2 để yểm hộ trên không thì trước khi giao chiến, các sĩ quan chỉ huy của các nước Đông Nam Á cần cố gắng dụ cho máy bay chiến đấu của Trung Quốc bay về phía Nam nhằm gia tăng độ khó cho công tác tiếp viện hậu cần của hạm đội này.

Trong thời gian này, máy bay chiến đấu F/A-18, Su-30MKM hoặc máy bay chiến đấu Su-30MKV của các nước Đông Nam Á cần nhanh chóng tập kết là có thể giành được quyền kiểm soát cục bộ. Sau đó sẽ tìm cách tiêu diệt máy bay cảnh báo sớm cung cấp số liệu giám sát mặt nước và hệ thống máy bay không người lái của hạm đội Nam Hải. Điều này giúp tàu chiến của các nước Đông Nam Á tiếp cận tàu chiến Trung Quốc và phát động tấn công. Tuy nhiên, nếu Trung Quốc đưa tàu sân bay tham chiến, nếu các nước Đông Nam Á muốn đánh bại máy bay trên hạm J-15 với số lượng tương đương và đang mang theo lượng nhiên liệu dồi dào sẽ phải đối mặt với thách thức lớn. Trong tình huống này chiến thắng được hay không sẽ phụ thuộc vào khả năng phối hợp của lực lượng không quân các nước Đông Nam Á.

Máy bay J-15 trên tàu sân bay Liêu Ninh. Ảnh: People’s Daily..

Trong cuộc xung đột quân sự trên quy mô lớn này, căn cứ quân sự vịnh Á Long trên đảo Hải Nam chắc chắn sẽ gánh vác trách nhiệm chi viện hậu cần cho hạm đội Nam Hải. Như một số chuyên gia đã kiến nghị, hải quân Trung Quốc nắm quyền chủ động nếu xuất kích từ vịnh Á Long, chỉ cần máy bay oanh tạc H-6G chi viện là có thể giành được đảo tranh chấp.

Tuy nhiên, khi vấp phải sự chống cự quyết liệt, nếu muốn giành được chiến thắng, Trung Quốc buộc phải giám sát liên tục trên biển để phát hiện và phát hiện mục tiêu kẻ địch từ vùng biển gần tiếp cận mình. Mặc dù hải quân Trung Quốc có hệ thống trinh sát, radar tầm xa ngoại biên và máy cảm ứng gắn trên tàu chiến, nhưng làm thế nào để phối hợp các hệ thống này tạo ra hiệu ứng cảm ứng phối hợp lại là một thách thức lớn mà Trung Quốc buộc phải đối mặt.

Có thể mạnh dạn đưa ra giả thiết: trường hợp xung đột trên vùng biển Đông tiếp tục leo thang và bùng nổ chiến sự. Trong thời điểm đó, tình hình trực chiến và khả năng phản ứng của quân đội Trung Quốc và các nước Đông Nam Á sẽ có vai trò vô cùng quan trọng đối với sự thắng bại của cả hai bên trong giai đoạn đầu.

Do khoảng cách giữa vịnh Á Long và cực bắc của quần đảo Trường Sa, nếu hạm đội Nam Hải xuất phát từ cảng này, hành trình sẽ phải mất 30 tiếng đồng hồ mới đến được địa điểm đã định. Chính vì thế quân đội các nước Đông Nam Á, đặc biệt là quân đội Malaysia và Việt Nam, nếu giữ được trạng thái sẵn sàng chiến đấu cao là có thể chiếm được ưu thế nhờ nhanh chóng bố trí đủ lực lượng và bổ khuyết cho phương diện kỹ thuật.

Cục diện biển Đông nhìn từ Việt Nam

Kể từ năm 2009 quân sự triển khai hiện đại hóa, không quân Việt Nam đặt mua máy bay chiến đấu Su-30MKV kiểu mới hiện đại. Do Trung Quốc có thế mạnh rõ nét trong phương diện tác chiến mặt nước, hải quân Việt Nam không mua quá nhiều tàu chiến mặt nước mà chi ngân sách mua tàu ngầm lớp Kilo và xây dựng căn cứ phục vụ cho hạm đội tàu ngầm. Khi 6 tàu ngầm này thực hiện nhiệm vụ trực chiến, ít nhất có 2 chiếc có thể xuất kích tác chiến bất kỳ lúc nào, tạo sự uy hiếp thường trực ở Biển Đông.

Máy bay Su-30MK2 của không quân Việt Nam bay tuần phòng bảo vệ Trường Sa
Máy bay Su-30MK2 của không quân Việt Nam bay tuần phòng bảo vệ Trường Sa.

Do đã có sự chuẩn bị tốt và xây dựng chiến lược tác chiến hiệu quả, tháng 8-2011, Việt Nam đã mua của Nga nhiều hệ thống tên lửa phòng thủ bờ biển K-300P Bastion trang bị tên lửa đối hạm siêu thanh P-800 Yakhont (phiên bản xuất khẩu của P-800 Onyx) có tầm bắn trên 300km, bay ở độ cao 5-15m so với mặt biển, với vận tốc siêu thanh 750m/giây (tương đương Mach2) với đa chế độ dẫn bắn.

Hệ thống tên lửa cơ động được đánh giá vào hàng hiện đại nhất thế giới này được đặt ở khu vực duyên hải Việt Nam. Mặc dù tầm bắn không thể phủ khắp được quần đảo Trường Sa, nhưng rõ ràng đây là mối nguy hiểm lớn ngăn cản tàu chiến Trung Quốc tiếp cận vùng biển gần của quốc gia này.

Tàu Kilo trực chiến sẽ tạo sự uy hiếp thường trực với kẻ xâm phạm chủ quyền của Việt Nam
Tàu Kilo trực chiến sẽ tạo sự uy hiếp thường trực với kẻ xâm phạm chủ quyền của Việt Nam.

Tuy nhiên, thách thức lớn nhất mà Việt Nam đang phải đối mặt là kinh phí. Năm 2009 và 2010, Việt Nam đặt mua tàu ngầm lớp Kilo, tàu hộ vệ Gerpard và 20 tàu chiến Su-30MKV, tổng giá trị lên tới 3,6 tỉ USD. Tuy nhiên tổng ngân sách chi cho quốc phòng năm 2010 của Việt Nam chỉ có 2,4 tỉ USD.

Xét về lâu dài cơ chế nhập khẩu vũ khí này còn bất ổn, mỗi năm chi phí vận hành cho 1 chiếc tàu ngầm lên tới vài tỉ USD. Nếu kinh tế suy thoái, chắc chắn chương trình mua sắm vũ khí của Việt Nam sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn.

Philippines 'lực bất tòng tâm'

Hầu hết các đảo ở quần đảo Trường Sa/Kalayaan chỉ cách Philippines vài trăm km. Xét về yếu tố địa lợi là có lợi nhất cho Philippines bảo vệ chủ quyền lãnh thổ. Tuy nhiên, mặc dù rất muốn nhưng Phillipines lại không đủ lực. Trải qua mấy chục năm nội chiến hao người tốn của, trong vấn đề phòng thủ ngoại bộ, Philippines lệ thuộc lớn vào điều ước phòng thủ chung giữa Mỹ và Philippines, khiến cho lực lượng hải quân, không quân nước này ngày càng suy yếu.

Cuối năm 2005, lô máy bay chiến đấu F-5A cuối cùng của Phillipines bị thải khỏi quân đội, khiến nước này rơi vào hoàn cảnh không có máy bay chiến đấu phản lực. Có thể nói, tại biển Đông, lực lượng không quân Philippines rất khó có thể áp dụng biện pháp cứng rắn chống lại Trung Quốc.

Trong 5 năm tới, Manila sẽ thực hiện cam kết nhập khẩu quân sự, lực lượng hải quân, không quân nước này sẽ có một diện mạo hoàn toàn mới. Về kế hoạch này, ngoài việc xuất phát từ nhu cầu tác chiến hải quân, không quân, Philippines còn phải tìm hiểu vấn đề “dưỡng binh”, biết cách làm thế nào để có thể “nuôi” được lâu dài lực lượng thường quy với giá rất đắt này. Một lựa chọn khả thi nhất là phát huy tối đa thế mạnh địa lý trên quần đảo Trường Sa/Kalayaan, bằng phương thức phi đối xứng, áp dụng chiến lược phòng thủ gần bờ để đối phó với những thách thức ở biển Đông, không cần phải đối đầu trực diện với hải quân Trung Quốc.

Cục diện biển Đông nhìn từ các quốc gia khác

Indonesia, Brunei và Malaysia đều tham gia vào cuộc tranh chấp chủ quyền trên quần đảo Trường Sa dù ở mức độ khác nhau. Trong các nước này, mức độ hiện đại hóa của hải quân, không quân Malaysia là cao nhất, nhưng số lượng hệ thống tác chiến lại có hạn, chính vì vậy, quốc gia này buộc phải nâng cao tối đa khả năng tác chiến cho tất cả các hệ thống tác chiến.

Điều này đồng nghĩa với việc, hải quân Malaysia sẽ phải cải tạo hệ thống đẩy khí động lực học cho các tàu ngầm Scorpene nhằm tăng cường khả năng hoạt động dưới mặt nước. Giống như Việt Nam, Malaysia cũng cần tập trung nâng cao trình độ tác chiến cho lực lượng hải quân và không quân.

Một điều may mắn là, các căn cứ hải quân, không quân của Malaysia đều gần Kota Kinabalu – thủ phủ của bang Sabah và Labuan – hòn đảo nằm ở phía Tây Nam bang Sabah, thuận tiện cho quân đội Malaysia nhanh chóng bố trí lực lượng ra biển Đông. Ngoài ra, tàu hậu cần lớp Sri Indera Sakti cũng có thể tiếp viện hậu cần cho tàu chiến của hải quân Malaysia tác chiến ở đảo Borne.

Tại căn cứ hải quân vịnh Sepanggar ở bang Sabah, lực lượng hải quân, không quân Malaysia sẽ tổ chức tập trận trên quy mô lớn vào năm nay để đối phó với các sự vụ thường xuyên diễn ra trên biển Đông. Nếu quân đội Malaysia muốn phá hủy thế mạnh của Trung Quốc, thì các cuộc tập trận với cường độ cao này buộc phải tổ chức thường xuyên nhằm nâng cao trình độ tác chiến cho quân đội.

Tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc được nhiều chuyên gia nước ngoài đánh giá là sẽ trở thành mồi ngon nếu tham chiến ở Biển Đông
Tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc được nhiều chuyên gia nước ngoài đánh giá là sẽ trở thành mồi ngon nếu tham chiến ở Biển Đông.

Hơn 10 năm nay, Indonesia luôn rơi vào tình trạng bạo loạn trong nước, quân đội không thể hiện đại hóa. Trang bị vũ khí của lực lượng không quân Indonesia bao gồm 10 chiếc F-16A/B, 5 chiếc Su-27SK và 5 chiếc Su-30MK máy bay chiến đấu. Việc các máy bay chiến đấu này có được sử dụng bình thường hay không là điều đáng nghi ngờ. Cùng với đó, tàu hộ vệ và tàu tuần tra của lực lượng hải quân Indonesia cũng đã quá cũ, phạm vi thăm dò radar cũng rất có hạn.

Năm 2009, sau khi hải quân Indonesia tiếp nhận lô tàu hộ vệ hạng nhẹ gồm 4 chiếc lớp Sigma, năng lực tác chiến mặt nước của quốc gia này đã khá hơn một chút so với trước đó. Ngoài ra, sức mạnh quân sự của Bruinei ở biển Đông gần như là con số không.

Một bên là quân đội Trung Quốc ngày càng tăng cường sức ép trên biển Đông, một bên là các nước Đông Nam Á kêu gọi sở hữu chủ quyền nhưng chưa thể phát triển lực lượng quân sự đủ mạnh trong một sớm một chiều, trong tương lai, cục diện trên biển Đông sẽ như thế nào? Chắc chắn Trung Quốc sẽ tiếp tục kiềm chế, sẽ không dùng quân đội để phát động cuộc tấn công toàn diện trên biển Đông.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại