Máy bay chiến đấu thế hệ 5 hiện là loại máy bay chiến đấu tiên tiến nhất trên thế giới. Các đặc điểm tính năng của nó được bao quát bằng “4 chữ S” là: Khả năng bay hành trình với tốc độ siêu âm (Supercruise), tính năng tàng hình cao (Stealth), siêu cơ động (Super-maneuverability) và có hệ thống điện tử hàng không ưu việt (Superior Avionics).
Hiện trên thế giới có 10 (có thể tính là 11) loại máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5 đã được công bố, trong đó có loại đã được đưa vào sử dụng, có loại sắp hoàn thiện, cũng có loại mới chập chững bắt đầu, tương lai còn chưa xác định được.
Cả thế giới đang chạy đua máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5
Hiện nay, Mỹ là nước đang dẫn đầu trong lĩnh vực này với chiếc máy bay chiến đấu tàng hình thế hệ thứ 5 duy nhất đã được vào sử dụng là máy bay chiến đấu tàng hình F-22 Raptor (trên thực tế F-35A của Mỹ cũng đã được đưa vào sử dụng với khoảng trên 100 chiếc).
1. Máy bay chiến đấu F-22 Raptor của Mỹ
F-22 là loại máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5 đầu tiên được chính thức sử dụng trên thế giới, nó được không quân Mỹ đưa vào trong biên chế từ năm 2005. Hiện nay, F-22 được coi là loại máy bay chiến thuật có tính năng toàn diện nhất, công nghệ tiên tiến nhất trong số các máy bay chiến đấu hiện nay. Tính đến khi ngừng sản xuất tháng 12/2011, Mỹ đã chế tạo tổng cộng 195 chiếc F-22 Raptor nhưng do sự cố kỹ thuật, thực tế không quân Mỹ chỉ nhận 187 chiếc.
Là loại máy bay chiến đấu thế hệ 5 duy nhất hiện đang sử dụng trên thế giới hiện nay, đối thủ của F-22 chính là các hệ thống kỹ thuật nội bộ tuy tiên tiến những hết sức phức tạp của nó khiến phi công rất khó để làm chủ hoàn toàn các tính năng siêu việt của “Chim ăn thịt”.
Máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5 đầu tiên trên thế giới F-22 của Mỹ
Tuy nhiên, do giá cả quá đắt (lên đến tầm 350 triệu USD/chiếc) nên hiện quân đội Mỹ đã ngừng sản xuất loại chiến đấu cơ này, biến nó trở thành loại chiến đấu cơ có chu kỳ sản xuất ngắn nhất trong lịch sử phát triển của không quân Mỹ.
2. Máy bay chiến đấu F-35 “Lightning II” của Mỹ
F-35 “Lightning II” là loại máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5 của Mỹ, áp dụng mô hình mang tính kinh tế, kết hợp công nghệ tàng hình kiểu mới, hệ thống xử lý trên máy tính tiên tiến và vũ khí hết sức hiện đại.
Loại máy bay này có 3 phiên bản: Loại cất hạ cánh trên đường băng thông thường F-35A (phiên bản không quân), loại cất cánh trên đường băng ngắn và hạ cánh thẳng đứng (STOL/VTOL) F-35B (phiên bản hải quân đánh bộ) và loại sử dụng trên tàu sân bay F-35C (phiên bản không quân của hải quân).
Máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5 F-35 của Mỹ
F-35 bay thử chuyến đầu tiên vào ngày 15/12/2006. Hiện nay, nó chưa được coi là biên chế chính thức vì 2 phiên bản F-35B và F-35C chưa hoàn thiện, nhưng trên thực tế phiên bản F-35A đã sản xuất hàng loạt được hơn 100 chiếc và trang bị cho một số căn cứ không quân Mỹ. Dự kiến, đến năm 2016, tất cả các phiên bản F-35 sẽ được biên chế chính thức trong lực lượng không quân Hoa Kỳ.
3. Máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5 Sukhoi PAK FA T-50 của Nga
T-50 là loại máy bay chiến đấu tàng hình thế hệ thứ 5 do hãng Sukhoi của Nga nghiên cứu, chế tạo trong kế hoạch phát triển “Máy bay chiến đấu tiền tuyến tương lai” (PAK FA).
Xét một cách toàn diện, T-50 của Nga kém hơn F-22 của Mỹ về tính năng tàng hình, hệ thống chỉ huy, điều khiển và thiết bị thông tin nhưng nó lại trội hơn ở khả năng cơ động. T-50 được các chuyên gia đánh giá là đối thủ số 1 của F-22, nhỉnh hơn F-35 một chút.
T-50 bay thử lần đầu tiên vào ngày 29/1/2010 và ra mắt công khai tại Triển lãm hàng không quốc tế Moscow 2011 (MAKS-2011). Với chương trình chế tạo T-50 đã sắp hoàn thiện, Nga sẽ phá vỡ thế độc tôn của Mỹ về máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5, chiếm vị trí thứ 2 trong “Câu lạc bộ thế hệ 5” trên thế giới.
Đồ họa máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5 Sukhoi PAK FA T-50 của Nga
Hiện nay, chương trình PAK FA được đánh giá là có hiệu quả hơn cả chương trình phát triển F-35 của Mỹ. Dự kiến, T-50 sẽ được sản xuất hàng loạt vào năm 2016. Trước đây, có thông tin đưa là Nga sẽ mua sắm tới 600 máy bay chiến đấu tàng hình loại này để đối chọi với hàng ngàn chiếc F-35 và F-22 Mỹ.
4. Máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5 J-20 của Trung Quốc
J-20 là máy bay chiến đấu tàng hình hạng nặng thế hệ thứ 5 của Trung Quốc do Tập đoàn công nghiệp hàng không Thành Đô phát triển. Tuy tính năng của J-20 chưa hoàn thiện, nhưng sơ bộ đánh giá nó cũng có đầy đủ các tiêu chí của 1 máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5 như: Sở hữu khả năng tàng hình, tốc độ bay tuần siêu âm, tính năng cơ động tốt…
J-20 có kích thước lớn hơn F-22 và T-50. Điều này cho thấy 2 khả năng trái ngược nhau. Một là, thiết kế bố cục bên trong của J-20 không khoa học, kích thước các thiết bị cồng kềnh dẫn đến kích thước máy bay lớn hơn các loại chiến đấu cơ khác; Hai là, nếu thiết kế tối ưu, nó sẽ có không gian nội bộ lớn hơn, đồng nghĩa với mang theo được nhiều bom đạn hơn.
Máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5 J-20 Trung Quốc
J-20 bắt đầu bay thử chuyến đầu tiên vào ngày 11/1/2011, dự kiến đến giai đoạn 2017-2019 nó mới hoàn tất phát triển về tính năng tác chiến, thời gian biên chế chính thức sau năm 2020, có thể trở thành loại máy bay chiến đấu tàng hình thứ 4 trên thế giới đưa đưa vào sử dụng (Sau F-35 của Mỹ và T-50 của Nga)
5. Máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5 J-31 của Trung Quốc
J-31 là máy bay chiến đấu tàng hình thế hệ thứ 5, loại 2 động cơ, 1 chỗ ngồi hạng trung của Trung Quốc. Đây là sản phẩm do Tập đoàn công nghiệp hàng không Thẩm Dương hiện đang nghiên cứu, phát triển, có kích thước nhỏ hơn so với loại máy bay chiến đấu cùng thế hệ của Thành Đô là J-20.
J-31 cũng mang những đặc điểm tàng hình tiêu biểu của một loại máy bay chiến đấu thứ 5 là có khả năng tàng hình, tốc độ hành trình siêu âm, hệ thống điện tử hàng không tiên tiến... Về ngoại hình và kích cỡ, nó tương đương với F-35 nên 1 số người gọi nó là “Anh em song sinh của F-35”.
Một số hình ảnh trên mạng thể hiện, rất có khả năng J-31 sẽ sinh thêm 1 biến thể với chức năng tiêm kích hạm, dùng trong tàu sân bay tương lai của Trung Quốc. Tuy nhiên, J-31 mới bắt đầu bay thử chuyến đầu tiên vào ngày 31/10/2012, thời gian để hoàn thiện các tính năng còn rất dài.
Máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5 J-31 của Trung Quốc
Hiện nay, J-31 vẫn đang trong giai đoạn thử nghiệm mô hình bay nên ngay cả các chuyên gia Trung Quốc cũng không ai dám chắc về khoảng thời gian cụ thể nó sẽ được đưa vào trong biên chế của lực lượng không quân. Tuy nhiên, có thể khẳng định 1 điều chắc chắn là nó sẽ hoàn thiện sau J-20, sớm nhất cũng sau năm 2020 mới được đưa vào sử dụng.
6. Máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5 KF-X của Hàn Quốc
KF-X là máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5 do Hàn Quốc và Indonessia liên hợp sản xuất, trong đó Hàn Quốc chịu trách nhiệm chính, còn Indonesia là đối tác phát triển. Tháng 8 vừa qua, Cơ quan mua sắm quốc phòng Hàn Quốc (DAPA) đã hoàn tất quá trình xây dựng kế hoạch phát triển chung với Indonesia.
KF-X bắt đầu phát triển vào tháng 12 tới. Phụ trách chính sẽ là nhà sản xuất máy bay duy nhất của nước này là Tập đoàn công nghiệp hàng không Hàn Quốc (KAI) với sự tham gia của tập đoàn Lockheed Martin. Sự xuất hiện đột ngột của Tập đoàn chế tạo vũ khí của Mỹ là do theo một điều khoản “đi kèm”, mới được “gài” trong hợp đồng bán 40 chiếc F-35A cho Hàn Quốc.
Mô hình máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5 KF-X của Hàn Quốc
Theo kế hoạch trước đây, loại máy bay chiến đấu tàng hình thế hệ 5 này sẽ bắt đầu sản xuất hàng loạt và triển khai biên chế đủ cho quân đội Hàn Quốc trong giai đoạn từ năm 2020 - 2027. Tuy nhiên, hiện KF-X vẫn còn chưa xây dựng thiết kế nên thời hạn này chắc chắn không thể hoàn tất đúng theo kế hoạch đã định.
Theo dự kiến của các chuyên gia, sớm nhất phải đến năm 2021 KF-X mới bắt đầu bay thử nên tương lai của nó chưa có gì là chắc chắn. Có lẽ sớm nhất cũng phải đến năm 2027, KF-X mới có thể sản xuất hàng loạt, quá trình chuyển giao sử dụng sẽ diễn ra trong khoảng thời gian 7 đến 8 năm sau đó.
7. Máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5 ATD-X Shinshin của Nhật Bản
Shinshin là loại máy bay chiến đấu thế hệ 5 do Nhật Bản tự lực nghiên cứu, sản xuất. Dòng máy bay chiến đấu mới này, được phát triển trong Chương trình ATD-X trở thành máy bay chiến đấu F-3, để thay thế các máy bay chiến đấu Mitsubishi F-2 của không quân Nhật Bản vốn được biên chế hoạt động từ năm 2000.
ATD-X Shinshin là máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5 do Viện Nghiên cứu và Phát triển kỹ thuật quốc phòng Nhật Bản hợp tác với tập đoàn Mitsubishi phát triển. Nguyên mẫu mô hình của nó lần đầu tiên được công khai vào năm 2005, nguyên mẫu thử nghiệm được hoàn tất năm 2010.
Mô hình máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5 ATD-X Shinshin của Nhật đã có nguyên mẫu thử nghiệm
Sự tiến bộ thần tốc trong chương trình phát triển chiến đấu cơ của Nhật khiến nhiều người kinh ngạc khi tháng 6 vừa qua, một số diễn đàn mạng của Trung Quốc đã công bố hình ảnh về một chiến đấu cơ thực thụ được cho là ATD-X Shinshin. Các chuyên gia quân sự dự kiến, với tốc độ này ATD-X Shinshin có thể sẽ đuổi kịp tiến độ của J-20 Trung Quốc.
8. Máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5 AMCA của Ấn Độ
Máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5 (hay còn gọi là “máy bay chiến đấu tiên tiến hạng trung”) AMCA do Ấn Độ tự lực nghiên cứu, phát triển, nhằm mục đích nghiên cứu, chế tạo một loại máy bay chiến đấu tàng hình đa năng thế hệ thứ 5 với 2 động cơ và 1 chỗ ngồi. Một mô hình thử nghiệm trong hầm gió của loại máy bay chiến đấu hạng trung này đã được ra mắt vào năm 2009, tại triển lãm hàng không Bangalore.
Mô hình máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5 AMCA của Ấn Độ
Tại triển lãm hàng không quốc tế Bangalore tổ chức vào tháng 2/2013, Tổ chức nghiên cứu và phát triển quốc phòng Ấn Độ (DRDO) đã tiếp tục trưng bày mô hình mới của AMCA. So với mô hình được công khai trước đó vào năm 2011, rõ ràng là người Ấn Độ đã có sự điều chỉnh về thiết kế ngoại hình khí động học.
Loại máy bay chiến đấu hạng trung thế hệ thứ 5 AMCA có trọng lượng cất cánh khoảng 19-20 tấn. Theo kế hoạch, nó sẽ tiến hành bay thử vào năm 2019 và đến năm 2025 sẽ được đưa vào trong biên chế của không quân Ấn Độ, kế hoạch sản xuất của AMCA dự kiến sẽ kéo dài trong khoảng thời gian 15 năm.
9. Máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5 TFX của Thổ Nhĩ Kỳ
TFX là loại máy bay chiến đấu tàng hình thế hệ thứ 5 do Thổ Nhĩ Kỳ nghiên cứu, chế tạo. Dự án được Hãng Turkish Aerospace Industries (TAI) của Thổ Nhĩ Kỳ phát triển, với sự hỗ trợ công nghệ từ hãng chế tạo hàng không Saab AB của Thụy Điển.
Mô hình máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5 TFX của Thổ Nhĩ Kỳ
Không quân Thổ Nhĩ Kỳ dự định sẽ đặt mua hơn 250 chiếc TFX vào năm 2020 và đưa chúng vào cấu trúc mạng trung tâm không quân gồm F-35, F16 Block 50+. Như vậy không quân nước này có một kế hoạch đầy tham vọng để sở hữu tới 2 loại chiến đấu cơ tàng hình thế hệ thứ 5.
Kế hoạch ban đầu là loại máy bay này sẽ được đưa vào sử dụng sau năm 2020, nhưng hiện nay chương trình chế tạo đang phát triển rất chậm, có rất ít thông tin về tiến độ phát triển của dự án. Hơn nữa, nhà thầu liên danh Saab của Thụy Điển chưa có kinh nghiệm chế tạo chiến đấu cơ thế hệ 5, có thể dự đoán Thổ Nhĩ Kỳ sẽ gặp rất nhiều khó khăn.
10. Máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5 Sukhoi/HAL FGFA
Sukhoi/HAL FGFA là máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5 do Nga và Ấn Độ hợp tác phát triển, trong đó Nga chịu trách nhiệm về phát triển công nghệ, còn Ấn Độ đầu tư kinh phí. Đây là phiên bản xuất khẩu được Nga chế tạo riêng cho không quân Ấn Độ dựa trên nguyên mẫu của Sukhoi PAK FA T-50.
Theo kế hoạch ban đầu, vào đầu năm 2014, loại máy bay chiến đấu thế hệ 5 thứ 2 của Ấn Độ sẽ chính thức bay thử chuyến đầu tiên. Tuy nhiên do những trục trặc trong chương trình “mẹ” của Nga nên hiện chưa thấy thông tin gì về kế hoạch thử nghiệm của FGFA.
Máy bay chiến đấu thế hệ thứ FGFA sẽ được chế tạo trên cơ sở T-50 của Nga
Tuy nhiên, với tiềm lực tài chính hùng hậu của New Dehli và nền tảng công nghệ vững chắc của người Nga, dự đoán khi T-50 được đưa vào sử dụng vào năm 2016, FGFA cũng sẽ hoàn tất trong thời gian ngắn sau đó. Có thể nhận định, sau Mỹ, Nga, Trung Quốc và Nhật Bản, chương trình chế tạo 2 máy bay chiến đấu thế hệ 5 của Ấn Độ là khả quan nhất.
11. Máy bay chiến đấu thế hệ 5 Qaher-313 của Iran
Tuy không được phương Tây công nhận nhưng trên thực tế còn phải tính đến loại máy bay chiến đấu tàng hình thế hệ 5 thứ 11, do Iran nghiên cứu, chế tạo là Qaher-313 (F-313) vì chính xác là Iran đang nỗ lực phát triển loại máy bay này, còn thời điểm thành công và đưa vào biên chế chính thức thì chưa thể xác định được.
Ngày 2/2/2013, Iran tuyên bố đã nghiên cứu, chế tạo thành công máy bay chiến đấu tàng hình thế hệ mới nhất “Kẻ chinh phục-313” (tên gọi: Qaher-313, ký hiệu máy bay là F-313) gây chấn động thế giới. Các quan chức quân sự Iran cho biết, đây là loại máy bay hoàn toàn do các chuyên gia hàng không vũ trụ Iran nghiên cứu chế tạo, hoàn toàn tự chủ về công nghệ.
Máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5 Qaher-313 của Iran đã xuất hiện mô hình thật
"Qaher-313" được xếp vào loại máy bay chiến đấu thế hệ 5, thuộc loại tiêm kích đa năng cỡ nhỏ giống như F-35 của Mỹ. Nó là loại máy bay chiến đấu tàng hình một chỗ ngồi, có khả năng “làm mù” mọi loại radar, đồng thời có khả năng tấn công đối không và đối đất rất mạnh, có thể vừa đối đầu với các máy bay chiến đấu của đối phương, vừa tấn công các mục tiêu mặt đất rất hiệu quả.
Ngay lập tức, một số chuyên gia chuyên gia quân sự phương Tây cho rằng, "Qaher-313" có thiết kế rất thô, tỷ lệ kết cấu không cân đối, buống lái trông đơn giản như máy bay “đồ chơi” nên hoàn toàn có thể chỉ là một mô hình giả được phóng đại, hơn nữa Iran cũng không hề có kinh nghiệm chế tạo máy bay tàng hình.
Tuy nhiên, đến tháng 11/2013 nó bất ngờ xuất hiện trên một chủ đề về vũ khí, trang bị của Iran trên diễn đàn quốc phòng Pakistan (Pakistan Defence). Hình ảnh cho thấy một nguyên mẫu rất thật của Qaher-313 đang được vận chuyển trên xe vận tải chuyên dụng, có thể nó đang được chuyên chở đến địa điểm thử nghiệm mặt đất.
Với sự xuất hiện lần thứ 2 trên thực địa, có thể nhận định là việc Iran nghiên cứu, chế tạo máy bay chiến đấu tàng hình "Qaher-313" hoàn toàn không phải là “tin vịt”, hơn nữa nó đã đạt đến giai đoạn nguyên mẫu thử nghiệm mặt đất. Với những thành tựu to lớn về công nghệ vệ tinh, tên lửa và chỉ huy điều khiển, có thể nhận định Iran hoàn toàn đủ khả năng chế tạo được tiêm kích tàng hình thế hệ 5.
Sukhoi T-50 bay biểu diễn tại MAKS 2011
Xem toàn bộ VIDEO HOT trên SOHA