Gần đây, một loạt hình ảnh thử nghiệm mới nhất của các máy bay chiến đấu tàng hình thế hệ thứ 5 F-35 đã gây chú ý của đông đảo chuyên gia quân sự trên thế giới. Trong không phận của căn cứ không quân Edwards ở California, một chiếc máy bay chiến đấu F-35A gắn 10 tên lửa đã thực hiện cuộc thử nghiệm bay, mang theo đầy tải vũ khí.
Trong khi đó, phiên bản trang bị cho hàng không mẫu hạm F-35C đã hạ cánh thành công trong điều kiện mang theo đầy đủ vũ khí, trang bị. F-35 trở lại trước công chúng, đã xua tan đi lớp sương mù bao phủ những sai sót trước đây, “siêu chiến đấu cơ” lại trở thành tâm điểm chú ý.
Lịch sử phát triển gian khó của máy bay chiến đấu tàng hình thế hệ thứ 5, không chỉ kèm theo các mối hoài nghi của mọi người về tính năng của “chiến đấu cơ đắt đỏ nhất lịch sử”, mà còn khiến những người đi sau muốn chen chân vào “đại gia đình” chiến đấu cơ thế hệ thứ 5 cảm thấy nản lòng.
Vậy lý do gì khiến chiến đấu cơ thế hệ thứ 5 được cả thế giới tôn sùng lại có vận mệnh gian truân như vậy? Về vấn đề này, chuyên gia bay thử nghiệm không quân Trung Quốc - Đại tá Từ Dũng Lăng diễn giải về vấn đề này như sau:
Ý tưởng vượt thời đại, phát triển để tồn tại
Vào thập niên 70 của thế kỷ trước, sau khi 2 loại máy bay chiến đấu thế hệ thứ 3 của người Mỹ được đưa vào sử dụng, tiếp nối những chiến đấu cơ thế hệ thứ 4 ra đời vào thập niên 80, rất nhiều chuyên gia quân sự hàng không cho rằng, nó có thể sẽ là kết quả cuối cùng của công nghệ trang thiết bị không quân nhân loại.
Từ trên xuống dưới là 3 loại chiến đấu cơ thế hệ 5 của Trung Quốc (J-20), Nga (T-50) và Mỹ (F-22)
Tưởng rằng, máy bay chiến đấu thế hệ sau không còn cơ hội để ra đời nhưng sự phát triển vũ khí hàng không của nhân loại có một quy luật là cứ sau khoảng 20 năm, trong lĩnh vực công nghệ chiến đấu cơ lại có thể sẽ có một bước nhảy vọt lớn về công nghệ.
Từ những chiếc máy bay 3 cánh, 2 cánh thời kỳ đầu, cho đến máy bay đơn cánh vỏ kim loại, động cơ piston của Chiến tranh thế giới thứ hai, từ máy bay phản lực thế hệ đầu tiên đến máy bay chiến đấu tốc độ lớn, trần bay cao, chu kỳ thay đổi thế hệ mới thường là 20 năm.
Với tiêu chí là cất hạ cánh trên đường băng ngắn, tấn công ngoài vùng nhìn thấy, góc tấn công cơ động và tính năng tác chiến tầm xa, máy bay thế hệ thứ 4 đã bỏ qua sự cạnh tranh mù quáng về độ cao, tốc độ, mở ra một lối đi mới về mặt tính cơ động và công nghệ tấn công chính xác, đạt đỉnh cao của máy bay chiến đấu thế giới.
Nhưng “người có mâu thì ta có thuẫn”, chiến đấu cơ thế hệ thứ 4 có khả năng tấn công chính xác, vậy thì phải đối phó với công nghệ này như thế nào đây? Người Mỹ đã đi trước nhân loại khi nghĩ đến công nghệ tàng hình và âm thầm khởi động kế hoạch cho chiến đấu cơ thế hệ thứ 5.
Mặc dù công nghệ tàng hình được đưa ra đầu tiên là người Nga, nhưng do những hạn chế về phát triển khoa học kỹ thuật, nên việc phát triển công nghệ tàng hình chỉ ở giai đoạn tìm tòi ý tưởng. Duy chỉ có người Mỹ là kiên trì với công nghệ này, và xây dựng một kế hoạch phát triển chiến đấu cơ tàng hình có tên là “Have Blue”.
Máy bay chiến đấu tàng hình sơ khai F-117 Nighthawk của Mỹ
Đỉnh cao của kế hoạch này chính là máy bay chiến đấu tàng hình sơ khai đầu tiên được sử dụng sau này là F-117 Nighthawk. Trong chiến tranh vùng Vịnh năm 1991, thành tích xuất sắc của F-117 càng củng cố quyết tâm phát triển chiến đấu cơ thế hệ thứ 4 của người Mỹ. Sáu năm sau, F-22 đã lần đầu bay thử thành công.
Trải qua qua trình phát triển, thử nghiệm khá dài, cuối cùng F-22 đã được đưa vào phục vụ tại căn cứ không quân Langley - nơi đặt trụ sở Bộ tư lệnh không quân chiến đấu (Air Combat Command) của Mỹ. Rất nhiều chuyên gia quân sự đã quan tâm đặc biệt và đi sâu mổ xẻ các tính năng của F-22, sau khi nó được đưa vào phục vụ.
Với 4 ưu thế lớn là siêu cơ động, tàng hình, tốc độ hành trình siêu âm, thông tin tiên tiến, máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5 F-22 Raptor đã tạo thành khái niệm tiêu chuẩn công nghệ “4S” siêu việt chưa từng có trước đây, khiến cho nhân loại được “mở rộng tầm mắt”.
Trong lúc đó, máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5 của Nga vẫn chỉ là một bản vẽ, những nội hàm của lý luận “4S” của Sukhoi T-50 PAK FA hay Mikoyan MiG 1.44 Flatpack có cái vẫn còn chưa hình thành, có cái vẫn còn nhiều nút thắt về công nghệ chưa giải quyết được.
Cuộc cạnh tranh giằng co về công nghệ vũ khí hàng không bắt đầu từ năm 1940 giữa Mỹ và Liên Xô, trải qua những thập niên 1950, 1960 không phân cao thấp, thì đến chiến đấu cơ thế hệ thứ 4 khoảng thập niên 80 đã dần có khoảng cách.
Máy bay chiến đấu thế hệ 5 của Nga PAK FA Sukhoi T-50
Đến thập niên 90 của thế kỷ trước, với thành công của F-22, Mỹ đã chính thức bỏ lại người Liên Xô và tiếp theo là Nga ở phía sau với chiến đấu cơ thế hệ 5 đầu tiên được đưa vào sử dụng F-22 Raptor.
Tiêu chuẩn 4S: con đường phát triển gian khó
Cho dù lí luận “4S” có đi trước thời đại đến đâu, thì trước khi trải qua kiểm nghiệm trên chiến trường, chúng ta vẫn khó có thể đưa ra đánh giá về hiệu quả thực sự của nó, vì trong lịch sử không quân thế giới, không thiếu trường hợp những chiến đấu cơ danh tiếng hiển hách, nhưng biểu hiện lại quá đỗi tầm thường, thậm chí có nhiều trường hợp trở thành thảm họa trong không chiến.
Đến nay đã 10 năm trôi qua, người Mỹ đã tham gia vào rất nhiều cuộc chiến tranh, nhưng thực tế siêu chiến đấu cơ F-22 chưa hề tham chiến, lại thường xuyên gặp phải những sự cố đáng quan ngại như trục trặc hệ thống cung cấp dưỡng khí cho phi công, nứt vỡ các lá thép của động cơ...
Là chiến đấu cơ thế hệ thứ 5 đầu tiên trên thế giới được đưa vào phục vụ, F-22 đại diện cho trình độ công nghệ cao nhất của các máy bay chiến đấu trên thế giới, nhưng trong quá trình phục vụ lại phát sinh hàng loạt các sự cố.
Cho đến nay, chỉ tính trên nguyên mẫu thử nghiệm YF-22, loạt máy bay này đã bị rơi ít nhất 8 chiếc trong khi thử nghiệm và huấn luyện, đây là hiện tượng cực kỳ hiếm thấy trong lịch sử phát triển chiến đấu cơ của Mỹ.
Tháng 3/2009, một chiếc F-22 của quân đội Mỹ bị rơi ở miền Nam California, khiến một phi công đã phục vụ trong không quân Mỹ 21 năm thiệt mạng.
Máy bay chiến đấu thế hệ 5 đầu tiên trên thế giới được đưa vào biên chế là F-22 Raptor của Mỹ
Kết luận cuối cùng về nguyên nhân của vụ tai nạn được chỉ ra là do tính cơ động của F-22 đã vượt qua giới hạn chịu đựng sinh lý, làm cho phi công bị hôn mê khi phải thực hiện quá nhiều động tác trong tình trạng máy bay chịu quá tải cao và bỏ lỡ cơ hội nhảy dù tốt nhất.
Một năm sau đó, một chiếc F-22 khác của căn cứ không quân liên hợp Elmendorf Richardson của không quân Mỹ bị rơi ở Alaska. Đây đã là chiếc F-22 thứ 3 của Mỹ bị tổn thất kể từ khi được đưa vào sử dụng năm 2003.
Báo cáo điều tra cho thấy, khi bay với động tác lật nghiêng, F-22 bị nghi ngờ lâm vài tình trạng thiếu dưỡng khí, trước khi sự cố xảy ra rất có khả năng phi công đã bị thiếu oxy nghiêm trọng và bị rơi vào trạng thái hôn mê.
Mặc dù ngay sau đó không lâu, không quân Hoa Kỳ đã trao cho công ty Lockheed Martin hợp đồng hơn 30 triệu USD, để lắp đặt hệ thống tự động khôi phục dưỡng khí (ABOS), nhưng cho đến nay, F-22 vẫn gặp rất nhiều vấn đề.
Nay thế giới lại nhìn thấy hình bóng của F-22 trong máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5 “đàn em” là F-35, cũng vì những thiếu sót của công nghệ chủ chốt, đã dẫn đến thời gian được trang bị chính thức đã kéo dài hết lần này đến lần khác.
Với thiết kế kết hợp để đồng thời thích ứng với 3 loại hình máy bay chiến đấu là phiên bản không quân (cất cánh trên đường băng thông thường), hải quân đánh bộ (cất cánh trên đường băng ngắn/hạ cánh thẳng đứng) và phiên bản hải quân (cất cánh trên tàu sân bay), F-35 đã được trao cho quá nhiều khái niệm và tính năng.
Máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5 F-35 Lightning II và chiến đấu cơ thế hệ 4 F/A-18F Super Hornet
Bước đầu phát triển dự án, do mâu thuẫn giữa tính năng và thiết kế tổng thể máy bay, xuất hiện những vấn đề lớn trong thiết kế khiến F-35 bị thừa trọng lượng tới hơn 600 kg. Tuy hàng loạt vấn đề rắc rối về hệ thống do kết cấu phức tạp của máy bay gây ra, khiến cho đội ngũ thiết kế luôn đau đầu, nhưng tích hợp mới là vấn đề lớn nhất mà F-35 phải đối mặt.
Chương trình nghiên cứu, phát triển F-35 đã tiêu phí rất nhiều tiền của đã khiến nó được mệnh danh là “chiến đấu cơ đắt nhất trong lịch sử”. Thế nhưng, do kiên trì với ý tưởng về một loại chiến đấu cơ hàng đầu thế giới, hội tụ đầy đủ chỉ tiêu 4S nên nó đã gặp phải hàng loạt sự cố trên toàn bộ kết cấu của máy bay.
Trải qua hàng chục năm nghiên cứu, chế tạo đến nay F-35 vẫn chưa chính thức được trang bị. 9 khúc quanh và 12 nốt trầm (9 lần đình chỉ bay và 12 sự cố) đã cho thấy con đường phát triển của dự án đắt giá nhất trong lịch sử không quân thế giới gặp phải quá nhiều chông gai, thậm chí nhiều lúc tưởng như sắp bị khai tử.
Trong lĩnh vực thiết kế trang bị hàng không, việc có quá nhiều ý tưởng thiết kế đa phần là sẽ gặp những vấn đề khó khăn khi phải tích hợp, cuối cùng không thể hình thành một thể thống nhất, có thể sẽ “chết yểu” trong bảo tàng không quân. Những trường hợp này trong lịch sử phát triển máy bay chiến đấu của Mỹ nhiều không kể xiết.
Xem tiêm kích F-22 thao diễn tuyệt đẹp
Xem toàn bộ VIDEO HOT trên SOHA