Quân đội Trung Quốc: Đối thủ "đáng gờm nhất" của Lầu Năm Góc sau năm 2028?

Trịnh Ngọc Tiến |

Theo tướng McConnville, Trung Quốc đang nhanh chóng gia tăng sức mạnh quân sự và sẽ trở thành đối thủ chính và đáng gờm nhất của Mỹ trong khoảng thời gian sau năm 2028.

Lo ngại có cơ sở của Tư lệnh Lục quân Mỹ

Tướng James McConnville, Tư lệnh Lục quân Mỹ đã đưa ra đề xuất chuyển phần lớn tiềm lực quân sự của Mỹ từ khu vực châu Âu sang châu Á-Thái Bình Dương do lo sợ Trung Quốc là trở ngại chính cho việc thiết lập lợi ích trên toàn cầu của Mỹ.

Theo phân tích của tướng McConnville, Trung Quốc đang nhanh chóng gia tăng sức mạnh quân sự và sẽ trở thành đối thủ chính và đáng gờm nhất của Mỹ trong khoảng thời gian sau năm 2028.

Lo ngại về một cuộc chiến tổng lực với Trung Quốc, McConnville đề xuất tăng quân số cũng như vũ khí hiện đại ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Bên cạnh đó, ông cũng kiến nghị kết nối tất cả các lực lượng quân đội Mỹ và đồng minh tại khu vực này thành một hệ thống, dưới sự chỉ huy của Mỹ, đưa các công nghệ mới nhất về trí tuệ nhân tạo (IA), mạng tốc độ cao, vũ khí laser…để sẵn sàng một cuộc chiến tổng lực với Trung Quốc.

Tuy nhiên, ngay cả khi không có đề xuất của Tướng McConnville thì Lầu Năm Góc vẫn luôn đặt sự quan tâm đúng mức tới Trung Quốc. Một vấn đề không cần tranh cãi đó là Trung Quốc sẽ có quân đội hùng mạnh vào cuối thập kỷ tới, thay thế vị trí siêu cường quân sự của Nga hiện nay.

Quân đội Trung Quốc: Đối thủ đáng gờm nhất của Lầu Năm Góc sau năm 2028? - Ảnh 1.

Tướng James McConnville, Tư lệnh Lục quân Mỹ

Những con số biết nói

Về hải quân

Ngay trong thời điểm hiện tại, thực tiễn đã chứng minh sự phát triển nhanh chóng của quân đội Trung Quốc như thế nào, và hải quân Trung Quốc là một minh chứng sống động nhất.

Hãy bắt đầu với tàu sân bay, đây là lĩnh vực không phải quốc gia nào muốn là được. Trung Quốc bắt đầu xây dựng lực lượng tàu sân bay từ con số 0 theo đúng nghĩa nhưng chỉ qua hơn một thập niên, họ đã có 3 chiếc (Liêu Ninh dùng huấn luyện (và có thể chiến đấu), Type 001A đang tiến hành thử nghiệm trên biển và Type 002A đang đóng, chuẩn bị hạ thủy).

Đến giữa thập kỷ tới, Trung Quốc có ý định đóng thêm từ 3 -4 tàu sân bay và trong số đó có những tàu không kém tàu sân bay Mỹ về khả năng chiến đấu.

Hiện nay, hải quân Trung Quốc có 40 tàu khu trục, trong số này có 16 chiếc là những con tàu hiện đại được thiết kế và chế tạo trong thập niên 2010. Hơn nữa, tốc độ đóng tàu chiến của Trung Quốc quá nhanh, vượt qua kỷ lục của bất cứ quốc gia nào trên thế giới. Trung bình 6 tháng hải quân Trung Quốc đưa vào biên chế một tàu khu trục loại 052D.

Quân đội Trung Quốc: Đối thủ đáng gờm nhất của Lầu Năm Góc sau năm 2028? - Ảnh 2.

Tàu khu trục mang tên lửa Type 052D mới nhất của Trung Quốc

Bốn tàu tuần dương mới nhất thuộc lớp Type 055, được hạ thủy từ tháng 7 năm 2017 đến tháng 6 năm 2018. Việc đưa vào trang bị lớp tàu Type 055 đã tạo ra một bước tiến lớn cho Hải quân Trung Quốc. Đây là lớp tàu chiến đa năng lớn thứ 2 và cũng mạnh thứ 2 thế giới chỉ sau tàu khu trục lớp Zumwalt của hải quân Mỹ.

Type 055 có lượng giãn nước 12 nghìn tấn, chiều dài 183 mét. Vũ khí trên tàu gồm 128 ống phóng tên lửa thẳng đứng, có thể phóng các loại tên lửa chống hạm, hành trình, phòng không và chống ngầm. Ngoài ra, tàu còn có hải pháo 130 mm nòng đôi, hệ thống phòng thủ tầm cực gần và các loại ngư lôi.

Dự kiến đến năm 2028, 16 tàu khu trục lớp Type 055 sẽ được đưa vào biên chế và như vậy hải quân Trung Quốc đến năm 2028 sẽ có tổng cộng 68 tàu tuần dương mang tên lửa dẫn đường, tương đương với hải quân Mỹ.

Hiện nay, Trung Quốc có 42 tàu hộ vệ, trang bị tên lửa dẫn đường. Đến năm 2028 hải quân Trung Quốc có khoảng 75 tàu loại này, tổng lượng giãn nước của số tàu này lên tới 4.000 tấn.

Ngoài số tàu chiến đấu hùng hậu, hải quân Trung Quốc hiện có 6 tàu đổ bộ đa năng, 1/2 trong số đó là tàu đổ bộ trực thăng, cho khả năng đổ bộ lực lượng lớn.

Đồng thời, Trung Quốc cũng đã làm chủ công nghệ chế tạo động cơ hạt nhân cho tàu ngầm. Hiện hải quân Trung Quốc có 5 tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân được trang bị tên lửa chiến lược và 9 tàu ngầm hạt nhân đa năng.

Các kỹ sư Trung Quốc không chỉ là bậc thầy về việc sao chép các thiết bị quân sự, mà còn tự tạo ra vũ khí độc đáo, ví dụ như tên lửa đạn đạo chống hạm duy nhất trên thế giới DF-21D (mặc dù chưa được kiểm chứng).

Vũ khí này sẽ là phương tiện chủ yếu, ngăn chặn từ xa đường tiếp cận của tàu sân bay Mỹ đến bờ biển Trung Quốc thông qua chiến lược chống tiếp cận/chống xâm nhập (A2/AD). Vì vậy, chỉ huy hải quân Mỹ cũng phải đau đầu tìm phương cách ứng phó với chiến lược này.

Quân đội Trung Quốc: Đối thủ đáng gờm nhất của Lầu Năm Góc sau năm 2028? - Ảnh 4.

Tàu hộ tống mang tên lửa Type 056

Lực lượng không quân

Mặc dù không quân Trung Quốc ở thời điểm hiện tại không phải là lực lượng quá ấn tượng, hầu hết các phi đội máy bay chiến đấu là bản sao được cấp phép của máy bay chiến đấu thế hệ thứ 3, 4 của Liên Xô (trước kia) và Nga (hiện nay) nhưng bù lại, họ có số lượng máy bay vượt trội, trong đó có một số máy bay hiện đại như Su-35S nhập khẩu từ Nga.

Để bắt kịp Mỹ, Trung Quốc đã mạnh tay đầu tư phát triển máy bay chiến đấu thế hệ 5. Hiện nay, Trung Quốc và Mỹ là một trong hai quốc gia duy nhất trên thế giới cùng một lúc phát triển hai loại máy bay chiến đấu tàng hình: J-20 và J-31.

Trong đó, J-20 là máy bay chiến đấu hạng nặng 2 động cơ, dùng chiếm ưu thế trên không (tương tự như F-22 của không quân Mỹ) hiện đã đưa vào thử nghiệm và huấn luyện còn J-31 là máy bay chiến đấu đa nhiệm 1 động cơ (tương tự như máy bay F-35), tương lai trang bị cho cả hải quân và không quân Trung Quốc.

Quân đội Trung Quốc: Đối thủ đáng gờm nhất của Lầu Năm Góc sau năm 2028? - Ảnh 6.

Máy bay chiến đấu tàng hình 2 động cơ J-20

Lực lượng lục quân

Lục quân Trung Quốc là lực lượng có tổ chức thuộc loại lớn nhất thế giới. Thực hiện chiến lược cải cách quân đội của Chủ tịch Tập Cận Bình, Lục quân quân đội Trung Quốc đã thực hiện tinh gọn lại nhưng sức mạnh chiến đấu không hề suy giảm mà được tăng lên, đáp ứng yêu cầu chiến tranh hiện đại.

Lục quân Trung Quốc luôn thực hiện phương châm "đi tắt, đón đầu" trong phát triển các loại vũ khí cũng bằng cách "học hỏi" các quốc gia phát triển khác. Hiện tại Lục quân Trung Quốc là lực lượng thứ 3 trên thế giới (sau quân đội Mỹ và Israel) sở hữu hệ thống tên lửa chống tăng thế hệ thứ ba.

Tên lửa chống tăng HJ-12 của Trung Quốc có thiết bị tìm kiếm hồng ngoại và có khả năng tiến công các phương tiện bọc thép vào phần nóc xe, nơi được bọc giáp mỏng nhất nhưng đồng thời, độ xuyên giáp cao hơn đáng kể, đến 1.100 mm giáp đồng nhất (RHA).

Kết luận

Hiện nay quân đội Trung Quốc đang sở hữu khá nhiều vũ khí khá hiện đại, cùng với đó là nguồn ngân sách quốc phòng dồi dào, cho phép nước này đầu tư nghiên cứu và sản xuất những vũ khí mới với tốc độ kỷ lục và với khối lượng lớn.

Một thức tế không thể phủ nhận đó là việc cải tổ quân đội mạnh mẽ, cùng với việc tăng mạnh ngân sách quốc phòng, trong vòng 10 năm tới, Trung Quốc sẽ có một đội quân hùng mạnh.

Rất có thể, sau gần 40 năm sau khi Liên Xô sụp đổ, sau năm 2028, quân đội Mỹ lại đụng phải một siêu cường quân sự như Liên Xô trước kia, đó chính là Trung Quốc và đây không còn là lời cảnh báo./.

Video quân đội Trung Quốc thử nghiệm hệ thống phòng không S-400 (Nguồn: World News 24h)

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại