Theo TNI, mặc dù đội ngũ cán bộ kế hoạch hay chỉ huy là một phần thiết yếu của các tổ chức quân sự lớn, nhưng bộ phận này của quân đội Mỹ đã tăng quá nhiều trong 3 thập kỉ qua
Điều đáng nói, sự gia tăng này không hợp lý bởi nó dẫn đến hệ thống quân sự cồng kềnh và tốn kém hơn so với nhu cầu, đồng thời làm suy yếu hệ thống chỉ huy trong quân đội Mỹ.
Sơ đồ cấu trúc Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương của Mỹ.
Lấy sơ đồ tổ chức của Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương làm ví dụ. Chỉ huy (tướng 4 sao) của Bộ Tự lệnh này có cấp dưới trực tiếp là một phó tư lệnh (tướng 3 sao) và một chánh văn phòng (tướng 2 sao).
Dưới đó có 9 bộ phận phụ trách về các vấn đề như nhân sự, tình báo, chính sách và chiến lược, hậu cần, huấn luyện...
Đứng đầu các bộ phận là các tướng 2 sao hoặc các đại tá. Sau đó đến 3 bộ tư lệnh thống nhất cấp dưới (Nhật Bản, Hàn Quốc, và các hoạt động đặc biệt) được chỉ huy tương ứng bởi tướng ba, bốn và hai sao.
Tiếp đến là 4 bộ tư lệnh thành phần trực thuộc, đại diện cho các quân chủng trong quân đội Mỹ. Chỉ huy của Lục quân và Hải quân là tướng bốn sao; Chỉ huy của Không quân và Thủy quân Lục chiến là tướng 3 sao. Ngoài ra còn có một lực lượng đặc nhiệm riêng biệt do một đô đốc chỉ huy.
Trên đây mới chỉ là cấu trúc ở các cấp cao nhất. Thực ra, quân đội Mỹ đã nhận ra vấn đề trên từ nhiều năm qua. Nhiều kế hoạch tinh giảm quân đội đã được đề xuất.
Cách đây 6 năm, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ khi đó là ông Robert Gates đề xuất kế hoạch đóng cửa Bộ Tư lệnh Hoa Kỳ đặc trách Lực lượng hỗn hợp (JFCOM), đồng thời cắt giảm ít nhất 50 vị trí tướng lĩnh, đô đốc và 150 vị trí trong bộ phận Dịch vụ Điều hành Cao cấp trong hai năm tiếp theo.
Đó là kế hoạch đáp ứng với chiến lược "thắt lưng buộc bụng" của Bộ Quốc phòng Mỹ và để tiền "tái đầu tư" vào lực lượng chiến đấu. Kết quả, JFCOM cuối cùng sáp nhập vào Bộ tham mưu Hỗn hợp, còn việc cắt giảm nhân sự đã không được tiến hành.
Người kế nhiệm của ông Gates, ông Chuck Hagel, sau đó cũng ra lệnh cắt giảm 20% nhân viên tại Lầu Năm Góc.
Tướng Martin Dempsey, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân khi đó cũng hứa hẹn sẽ cắt giảm nhân viên dưới quyền mình cũng như các nhân viên trong Bộ tư lệnh Tác chiến. Tuy nhiên, cho đến giờ, các kế hoạch trên vẫn chưa được thực hiện là bao.
Hiện tại, quốc hội Mỹ cũng đang quan tâm đến vấn đề này. Ông John McCain, Chủ tịch Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ đã đặc biệt lên tiếng kêu gọi xem xét lại Đạo luật Goldwater-Nichols, một đạo luật cải cách Bộ Quốc phòng Mỹ ra đời vào tháng 10/1986.
Bộ luận này đã phá bỏ tính cục bộ trong các quân chủng (Lục quân, Hải quân, Không quân và Thủy quân lục chiến) bằng cách nâng cao vai trò của các tư lệnh hay chỉ huy tác chiến. Tuy nhiên, nó dẫn đến kết quả, tướng 4 sao trên toàn lực lượng đã tăng tới 65% trong vòng 30 năm qua.
Ngày 5/4, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter cũng kêu gọi thay đổi Đạo luật Goldwater-Nichols, vốn đã gần 30 năm tuổi. Ông cho rằng mỗi bộ tư lệnh sẽ hoạt động hiệu quả hơn nếu có ít tướng 4 sao làm việc tại tổng hành dinh hơn.
Theo TNI, Đạo luật Ủy nhiệm Quốc phòng năm 2017 của Mỹ cũng sẽ giảm 25% số tướng lĩnh và đô đốc khi số chỉ huy ngày càng mất cân bằng với kích thước đội quân mà họ dẫn dắt.
Theo TNI, chính sách cắt giảm trên dù không cắt giảm được mấy cho chi tiêu quốc phòng nhưng là một bước đi đúng hướng.
Không chỉ về mặt nhân sự, hồi tháng 1/2016, ông John McCain cho rằng quân đội Mỹ đã bị bỏ lại phía sau trong cuộc đua hiện đại hóa trang thiết bị quân sự và cần bổ sung thêm nhiều năng lực mới để đối phó với các mối đe dọa ngày càng tăng.
Ông McCain nhấn mạnh, quân đội Mỹ “vẫn được tổ chức và trang bị như những năm 1980”.