Quả sấu thải độc, giải rượu, tăng cường tiêu hoá

Ngọc Minh |

Sấu là loại quả không hề xa lạ với người Việt. Người dân thường dùng sấu trong nấu ăn, làm ô mai, ăn trực tiếp…

Trong Đông y, sấu là dược liệu quý có vị chua thanh, thơm nhẹ thường được sử dụng để giải nhiệt, chữa phong độc, nổi mẩn mụn cóc…

Nhà khoa học Lương y Đa khoa Bùi Đắc Sáng, Hội Đông y Hà Nội cho biết, sấu có nhiều tên gọi khác nhau như: Nhân diện tử, Sấu trắng, Sấu tía, Mak củ (cách gọi của người Thái), Mak chủ (cách gọi của người Tày). Sấu thuộc loại cây to, có thể cao tới 30m, thường xanh tốt quanh năm. Cây thường được trồng nhiều trên các tuyến phố để lấy bóng mát và lấy quả ăn. Quả xanh dùng nấu canh chua, quả chín dùng ăn hoặc làm mứt sấu. Gỗ cây chắc, tốt, dùng để xây dựng.

Y học hiện đã phân tích trong quả sấu chín có chứa nước, axit hữu cơ, Protid, Calcium, Phosphor, Vitamin C và sắt.

Quả sấu thải độc, giải rượu, tăng cường tiêu hoá - Ảnh 1.

Quả sấu (ảnh ST).

Trong y học cổ truyền lá, vỏ và quả sấu được ứng dụng để làm dược liệu điều trị bệnh. Trong đó, quả sấu được dùng phổ biến nhất. Quả Sấu xanh có vị chua hơi chát. Khi chín quả sấu có vị ngọt, chua, tính mát.

Quả sấu thường được sử dụng để thêm vào các món ăn với mục đích giúp tiêu thực (tiêu hoá thức ăn), giải khát, kiện vị sinh tân, giải say rượu, phong độc. Chủ trị nôn mửa ở phụ nữ có thai và tiêu hóa kém.

Bài thuốc từ quả sấu

- Giúp ăn ngon miệng, tăng cường tiêu hóa, giải rượu, phong độc dùng sấu nấu canh chua, lượng tuỳ dùng.

- Trị nôn nghén ở phụ nữ: quả sấu, cá diếp, thịt vịt lượng tuỳ dùng để nấu canh chua ăn.

- Chữa bệnh ho: Dùng 400g cùi sấu trộn với muối, dùng ngậm. Hoặc sắc nước sấu rồi cho thêm đường vừa đủ ngọt, dùng uống 2 – 3 lần trong ngày.

- Tăng cường tiêu hóa với sấu: Dùng sấu hấp với đường phèn để làm nước giải khát uống trong ngày. Sử dụng quả sấu để nấu canh chua ăn ngay trong ngày.

- Giải rượu: Sử dụng 4 – 6g cùi quả sấu khô sắc lấy nước hoặc hãm với nước sôi uống như trà.

- Chữa nhiệt miệng, ngứa cổ, đau họng, khát nước: Sử dụng quả sấu chín dầm nát trộn với đường hoặc muối, dùng ăn ngay trong ngày.

- Chữa lở ngứa, nhiều mụn nhọt: Lấy một nắm lá sấu tươi mang đi đun thành nước tắm hoặc dùng rửa, thoa vùng da bị tổn thương có thể giảm đau và giúp làm lành da.

- Trị bỏng bằng sấu: Sử dụng vỏ sấu hoặc vỏ sấu rửa sạch, giã nát bôi lên vết bỏng có thể làm mát da và hỗ trợ làm lành da.

Lưu ý khi dùng sấu

Nhà khoa học Bùi Đắc Sáng cho biết sấu là loại quả lành tính tuy nhiên cần phải biết sử dụng đúng để không gây ảnh hưởng tới sức khoẻ:

- Người mắc bệnh các bệnh lý dạ dày tá tràng nên tránh dùng quả sấu tươi để tránh tình trạng bệnh lý trở nặng.

- Người có bệnh lý nền như: đái tháo đường, béo phì, tim mạch... nên hạn chế dùng sấu ngâm đường do chứa lượng đường cao.

- Trẻ dưới 12 tháng tuổi không dùng sấu để tránh gây kích thích cho dạ dày.

- Không nên ăn sấu khi đói vì sẽ làm tăng tiết dịch axit, gây cồn cào, hại dạ dày.

Sấu là vị thuốc được sử dụng rộng rãi trong y học cổ truyền để điều trị nhiều bệnh lý. Tuy nhiên, sử dụng sấu quá thường xuyên, đặc biệt với người có bệnh lý dạ dày, phụ nữ có thai, trẻ nhỏ có thể gây ra những tác dụng không mong muốn. Do vậy, khi sử dụng sấu chữa bệnh, người dân cần tham vấn y kiến của người có chuyên môn.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại