Bác sĩ tim mạch Mỹ: Dấu hiệu cảnh báo lượng cholesterol tăng cao, có một cũng cần đi khám ngay

Mây |

Cholesterol cao có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe tim mạch nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời. Dưới đây, bác sĩ tim mạch của Mỹ chỉ ra 3 dấu hiệu trên cơ thể cảnh báo lượng cholesterol trong máu tăng cao cần đi khám ngay.

Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC), Hoa Kỳ, ước tính có khoảng 94 triệu người trưởng thành ở Mỹ có hàm lượng cholesterol trong máu cao.

Còn tại Việt Nam, cứ 10 người trưởng thành thì có 3 người cholesterol cao (chiếm tỷ lệ 39%), ở thành thị tỷ lệ này là 44,3%. Hơn 50% phụ nữ trung niên trong độ tuổi 50 - 65 tuổi đang trong tình trạng thừa cholesterol, PGS.TS Nguyễn Quang Dũng - Phó trưởng bộ môn dinh dưỡng và an toàn thực phẩm, Đại học Y Hà Nội cho biết trong buổi Hội thảo khoa học: "Báo động thực trạng thừa cholesterol: Hệ lụy và giải pháp".

Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, hàm lượng cholesterol tăng cao có thể gây ra nhiều biến chứng nghiêm trọng như tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch hoặc đột quỵ,... Vậy, khi nào cần đi khám. Dưới đây, bác sĩ Y khoa Raed Bargout, tại Khoa tim mạch, Bệnh viện Glendale Memorial, Mỹ sẽ chỉ ra một số dấu hiệu bất thường, có thể cảnh báo lượng cholesterol tăng cao, nếu có mọi người cần đi khám để điều trị kịp thời.

Hiểm hoạ của cholesterol cao

Bác sĩ Bargout cho biết: "Cholesterol là một chất béo giống sáp có trong thực phẩm hoặc do gan tự tạo ra. Xét nghiệm cholesterol trong máu sẽ đưa ra các chỉ số của cholesterol toàn phần, cholesterol ‘tốt’ HDL, triglyceride và cholesterol ‘xấu’ LDL. Các trường hợp có lượng cholesterol ‘xấu’ LDL cao và lượng cholesterol ‘tốt’ HDL thấp thường có nguy cơ cao mắc các vấn đề sức khỏe. Lượng cholesterol cao có liên quan chặt chẽ tới bệnh tim mạch, làm tăng nguy cơ đau tim và đột quỵ".

Bác sĩ tim mạch Mỹ: Dấu hiệu cảnh báo lượng cholesterol tăng cao, có một cũng cần đi khám ngay - Ảnh 1.

Ảnh minh hoạ: Lượng cholesterol cao có liên quan chặt chẽ tới bệnh tim mạch, làm tăng nguy cơ đau tim và đột quỵ

Khi nào cần kiểm tra hàm lượng cholesterol trong máu?

1. Xuất hiện các nốt ban vàng dưới da

Bác sĩ Bargout cho biết: "Các nốt ban vàng trên da là dấu hiệu cho thấy sự tích tụ cục bộ của các cụm lipid (chất béo) dưới da. Các nốt ban vàng thường xuất hiện ở xung quanh mắt hoặc xuất hiện trên mí mắt. Các nốt ban vàng trên da thường liên quan đến mức cholesterol trong máu cao, làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch. Do đó, khi cơ thể xuất hiện các nốt ban vàng dưới da, mọi người nên đến bệnh viện kiểm tra mức cholesterol trong máu để phát hiện và điều trị kịp thời nếu cần".

2. Béo bụng

Bác sĩ Bargout cho biết: “Kể từ năm 1967, béo bụng đã được công nhận là một trong những dấu hiệu có liên quan đến bệnh tiểu đường và lượng cholesterol trong máu cao”.

Chất béo tích tụ trong bụng được gọi là mỡ nội tạng, chúng có thể bao quanh các cơ quan nội tạng và phá vỡ chức năng của chúng. PGS. TS y khoa Paula Johnson, tại Trường Y Harvard, Mỹ giải thích: “Chất béo xung quanh vùng bụng có thể tạo ra một số yếu tố gây viêm, làm tăng lượng cholesterol trong máu, từ đó làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch”.

3. Khó thở

Bác sĩ Bargout giải thích rằng khó thở có thể là dấu hiệu cho thấy hàm lượng cholesterol trong máu tăng cao, gây tắc nghẽn động mạch vành. Ngoài ra, khó thở thường đi kèm với các triệu chứng như đau thắt ngực. Các cơn đau có thể xảy ra trong thời gian ngắn, người bệnh sẽ có cảm giác như vùng ngực bị bóp nghẹt trong vài phút. Tình trạng này thường xảy ra phổ biến hơn ở phụ nữ hoặc người cao tuổi. Khi cơ thể xuất hiện các dấu hiệu trên, có lẽ đây là lúc bạn cần đến bệnh viện để thăm khám và điều trị kịp thời, tránh gây ra các biến chứng tim mạch nguy hiểm.

Bác sĩ tim mạch Mỹ: Dấu hiệu cảnh báo lượng cholesterol tăng cao, có một cũng cần đi khám ngay - Ảnh 2.

Ảnh minh hoạ: Khó thở thường đi kèm với các triệu chứng như đau thắt ngực có thể là dấu hiệu cảnh báo lượng cholesterol trong máu tăng cao.

Giảm lượng cholesterol thế nào?

Bác sĩ Bargout cho biết: "Để giảm mức cholesterol, mọi người cần có một chế độ ăn uống lành mạnh và tăng cường tham gia các hoạt động thể chất. Khi bạn bắt đầu ăn uống lành mạnh và tập thể dục hợp lý, lượng cholesterol trong máu sẽ bắt đầu giảm xuống trong vòng vài tuần.

Về chế độ ăn uống: Bạn cần hạn chế sử dụng các thực phẩm chiên rán nhiều dầu mỡ, chế biến sẵn bởi loại thực phẩm này chứa nhiều chất béo bão hòa, nếu sử dụng quá thường xuyên sẽ không tốt cho sức khỏe. Đồng thời hãy tăng cường bổ sung các thực phẩm giàu chất xơ như các loại rau, củ, quả. Bởi chất xơ có thể giúp làm giảm sự hấp thụ cholesterol vào máu của bạn.

Về chế độ tập luyện: Tập thể dục có thể cải thiện cholesterol trong máu. Hoạt động thể chất vừa phải có thể giúp tăng cholesterol HDL trong cơ thể. Hãy tập thể dục với cường độ vừa phải ít nhất 30 phút mỗi ngày hoặc hoạt động thể chất với cường độ mạnh 20 phút mỗi ngày.

Ngoài ra, việc tham gia các hoạt động thể chất như đi bộ sau khi ăn trưa, hoặc đạp xe đi làm trong khoảng thời gian ngắn trong ngày cũng có thể giúp bạn cải thiện lượng cholesterol trong máu.

Bác sĩ tim mạch Mỹ: Dấu hiệu cảnh báo lượng cholesterol tăng cao, có một cũng cần đi khám ngay - Ảnh 4.

Ảnh minh hoạ: các hoạt động thể chất như đi bộ sau khi ăn trưa, hoặc đạp xe đi làm,... cũng có thể giúp bạn cải thiện lượng cholesterol trong máu.

Kết

Các chuyên gia khuyến nghị mọi người nên duy trì chế độ ăn uống lành mạnh, thường xuyên tập thể dục để giảm thiểu tình trạng thừa cholesterol trong máu. Ngoài ra, các chuyên gia y tế khuyến nghị thêm rằng, mọi người cần đi khám sức khỏe định kỳ hàng năm để kiểm tra sức khoẻ tổng thể và làm các xét nghiệm máu đơn giản để kiểm tra mức cholesterol trong máu, giúp phát hiện và điều trị kịp thời.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại