Đấu thầu ngành Y và những chuyện cười ra nước mắt

Phạm Trang/VOV2 |

Ngành Y với mục tiêu đem lại kết quả tốt nhất khi chữa trị cho người bệnh nên những trang thiết bị, vật tư…sử dụng cần phải đạt được những tiêu chuẩn tối thiểu. Vì thế không thể để “giá cả” là thứ tự ưu tiên hàng đầu để lựa chọn sản phẩm.

“Trưởng khoa Ngoại bức xúc gặp tôi hỏi tại sao ông mua dao mổ giá rẻ? Trước đây, chúng ta dùng dao giá tốt chỉ cần rạch 1 đường, hiện trúng thầu dao giá rẻ, chúng tôi phải rạch đến 3 lần da mới đứt”- Phát ngôn của Giám đốc Bệnh viện chợ Rẫy Nguyễn Tri Thức đã gây bão dư luận. Không ít người đặt câu hỏi: Vậy trách nhiệm của người đứng đầu ở đâu khi để bác sĩ phải sử dụng dao mổ không đảm bảo yêu cầu như vậy?

Đấu thầu ngành Y và những chuyện cười ra nước mắt - Ảnh 1.

Ảnh minh họa.

Một số người khác thì cho rằng: “nếu rạch 2 lần không đứt thì rạch 3 lần, 4 lần”, bác sĩ có thể chỉ cần tốn thêm một ít thời gian nhưng tiết kiệm được một số tiền đáng kể với gói thầu “rẻ nhất”. Nhưng thực sự thì điều này không đơn giản như vậy!

Dao mổ là một dụng cụ y tế được thiết kế “đủ bén” để giảm thiểu được tối đa tổn thương ở các tế bào vùng bị cắt, điều này sẽ làm giảm phản ứng viêm, sưng sau mổ, giảm hiện tượng xơ hóa, thời gian hồi phục nhanh và sẹo để lại nhỏ. Nghĩa là, việc có con dao mổ không đảm bảo“chất lượng để phẩu thuật” sẽ làm tổn thương mô lan rộng, dẫn đến dễ hình thành vùng viêm, sưng sau khi mổ, thời gian vết thương lành lâu hơn và tăng xác suất bị biến chứng ở vùng mổ sau đó.

Không chỉ con dao mổ, nhiều thứ khác trong lĩnh vực Y tế cũng có chung số phận, như: kim chỉ, thuốc men, dụng cụ hỗ trợ...

"Phải dùng chỉ khâu rẻ tiền, kém chất lượng khi phẫu thuật cho bệnh nhân, tôi luôn lo ngay ngáy, trằn trọc" - chia sẻ của một bác sĩ làm việc ở bệnh viện tuyến cuối phía Bắc.

Tại thành phố Hồ Chí Minh, các y bác sĩ làm việc cho một bệnh viện tuyến cuối, cũng "toát mồ hôi" mỗi lần tháo sonde tiểu cho bệnh nhân sau phẫu thuật. Sonde tiểu được dùng để đặt vào trong bàng quang, giúp dẫn lưu nước tiểu trong quá trình mổ. Sau khi bệnh nhân có thể tự đi tiểu, y bác sĩ làm động tác xả quả bóng để lấy sonde ra. Với sản phẩm của những nhà sản xuất uy tín, việc này thực hiện rất dễ dàng, không tốn nhiều thời gian. Nhưng với hàng kém chất lượng, đây là cả một vấn đề.

Tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị và hiện tượng giảm chất lượng vật tư y tế ở bệnh viện có phải là một trong những hệ quả của cơn bão Việt Á – CDC?

Tại Hội nghị trực tuyến do Bộ Y tế tổ chức trung tuần tháng 8, bác sĩ Nguyễn Tri Thức có nhắc tới một thông tư về đấu thầu mua sắm từ năm 2016 và 2 website về mua sắm công. Thông tư ấy quy định là phải đủ 3 báo giá mới xây dựng kế hoạch mua sắm. Nhưng thực tế thì “có những mặt hàng độc quyền hoặc hãng chỉ có 1-2 đại diện ở 1 quốc gia, không đủ báo giá theo quy định, không mua sắm nổi”.

Còn 2 website đều “chạy chưa ổn”. Có lúc muốn tham khảo, tra cứu phải mở... 18 cửa sổ mới tìm được thông tin, có lúc cả bệnh viện tập trung đấu thầu...

Có nghĩa là tình trạng thiếu và bất cập trong mua sắm xảy ra từ lâu và chỉ bộc phát khi nỗi sợ khiến việc đấu thầu mua sắm đóng băng.

Thêm nữa, trong đấu thầu mua sắm, chúng ta đặt mục tiêu “càng rẻ càng tốt, năm sau phải rẻ hơn năm trước”. Đồng ý rằng tiền của nhà nước và tiền do nhân dân đóng góp cần được chi tiêu hợp lý, tiết kiệm. Nhưng, ngành Y với mục đích cuối cùng là đem lại kết quả tốt nhất khi chữa trị cho người bệnh nên những trang thiết bị, vật tư…. sử dụng trong ngành Y cần phải đạt được những tiêu chuẩn tối thiểu. Vì thế không thể để “giá cả” là thứ tự ưu tiên hàng đầu để lựa chọn một sản phẩm.

Một số quy định trong đấu thầu hiện nay không có nhiều tác dụng trong việc đảm bảo sự minh bạch trong quá trình mua sắm công. Ngược lại, có thể gây tác dụng phụ, và như những gì chúng ta đang chứng kiến, những quy định đó thậm chí còn làm tê liệt hoạt động của ngành y tế.../.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại