Châu Âu ứng phó ra sao với đợt bùng phát Covid

Quang Dũng/ VOV-Paris |

Giới khoa học châu Âu đang theo dõi sát các diễn biến của làn sóng dịch Covid-19 hiện nay, đặc biệt là sự lây lan của các biến thể BA.4 và BA.5.

Mức độ nguy hiểm của đợt bùng phát biến chủng BA.4 và BA.5

Theo các đánh giá ban đầu, nhận định chung của đa số giới chuyên gia y tế tại châu Âu là các biến thể này có tốc độ lây nhiễm cao hơn biến thể Omicron vì có những đột biến giúp virus SARS-CoV-2 lẩn tránh tốt hơn hệ miễn dịch cũng như vaccine.

Hầu hết những người nhiễm các biến thể BA.4 hay BA.5 đều có những triệu chứng điển hình như khi mắc biến thể Omicron trước kia như mệt mỏi, ho, sốt nhẹ, đau đầu. Tuy nhiên, một số triệu chứng khi mắc phải biến thể BA.4 hay BA.5 có thể kéo dài hơn, với cường độ cao hơn như tiêu chảy, buồn nôn và thời gian tồn tại các triệu chứng này cũng lâu hơn. Theo báo cáo của Cơ quan Y tế công Pháp, người nhiễm biến thể BA.5 có các triệu chứng trung bình khoảng 7 ngày, so với khoảng 4 ngày như khi nhiễm biến thể Omicron.

Nhìn chung, hiện giới khoa học tại châu Âu đánh giá biến thể BA.4 và BA.5 dễ lây lan hơn, gây ra các triệu chứng kéo dài hơn nhưng mức độ biến chứng nặng thì không cao hơn biến thể Omicron. Ngoài ra, các thống kê ban đầu cho thấy, tỷ lệ tử vong khi nhiễm biến thể BA.4 hay BA.5 cũng không cao hơn khi nhiễm biến thể Omicron. Theo dõi các diễn biến tại Bồ Đào Nha vài tuần qua, nơi biến thể BA.4 và BA.5 gây nên đợt bùng phát số ca mắc Covid-19 mới, giới chuyên gia y tế cũng nhận xét, làn sóng này vẫn chưa gây ra sự quá tải của hệ thống y tế. Số người nhập viện có tăng lên do nhiều người nhiễm nhưng vẫn trong tầm kiểm soát. Do đó, đối với làn sóng Covid-19 do biến thể mới, giới y tế châu Âu cho rằng không nên quá lo lắng nhưng cần phải chú ý và thận trọng.

Biện pháp ứng phó của châu Âu

Từ hơn 1 tháng qua, số ca mắc Covid-19 tại Pháp và nhiều nước châu Âu đã gia tăng liên tục, như tại Pháp là đã vượt qua cột mốc 200.000 ca/ngày, tại Đức số ca tăng khoảng 60% sau mỗi tuần. Tuy nhiên, tại thời điểm này tất cả các chính phủ châu Âu đều không coi việc kiểm soát dịch là ưu tiên quan trọng nhất. Chính phủ các nước có đưa ra một số khuyến cáo người dân nên thận trọng, tự bảo vệ mình bằng các biện pháp phòng ngừa như đeo khẩu trang khi đi phương tiện công cộng hay đối với những người cao tuổi thì được kêu gọi đi tiêm mũi vaccine thứ 4, nhưng tuyệt đối không có nước nào áp đặt trở lại các biện pháp kiểm soát bắt buộc như trước kia.

Có thể trong thời gian tới, dự kiến là từ cuối tháng 07/2022, khi số ca nhiễm bùng nổ ở mức vài trăm ngàn ca/ngày, chính phủ các nước có thể sẽ đẩy mạnh hoạt động truyền thông, gia tăng khuyến cáo với người dân, khuyến khích người dân đi tiêm vaccine ngừa Covid-19 mũi mới còn hiện tại, hầu hết đều không quá quan tâm đến việc ngăn chặn dịch.

Nguyên nhân là do đại đa số người dân châu Âu đã tiêm vaccine ngừa Covid-19, với tỷ lệ khoảng 80-90% và số người đã mắc Covid-19 cũng đã ở mức rất cao, có thể lên tới 60-70% tại một số nước. Do đó, người dân châu Âu không còn quá lo ngại Covid-19 như trước kia, hoặc cũng đã quá chán nản, không muốn để tâm đến vấn đề Covid-19 trong khi đang phải đối mặt với hàng loạt các vấn đề lớn khác về dân sinh như lạm phát tăng cao, chi phí sinh hoạt ngày càng đắt đỏ. Đối với các chính phủ châu Âu, các chỉ số quan trọng nhất để chống dịch là tỷ lệ bệnh nhân nhập viện, tỷ lệ tử vong thì hiện vẫn ở mức thấp, trong tầm kiểm soát. Vì thế, châu Âu hiện đang gần như không có biện pháp gì nổi bật để ứng phó với làn sóng Covid-19 thứ 7 lây lan. Nhiều người cho rằng làn sóng này rồi cũng sẽ sớm trôi qua mà không để lại hậu quả quá nghiêm trọng.

Ảnh hưởng của việc áp đặt lại hạn chế

Trong tuần trước, chính phủ Đức đã giao cho một nhóm chuyên gia tiến hành một nghiên cứu và kết quả cho thấy là hiện tại gần như không thể đánh giá mức độ hiệu quả của các biện pháp chống dịch đã áp dụng trong quá khứ nếu đem ra áp dụng lại với làn sóng dịch hiện nay. Nguyên nhân là do đã có quá nhiều thay đổi, từ tỷ lệ tiêm vaccine ngừa Covid-19 trong dân chúng, tỷ lệ người đã nhiễm Covid-19 không chỉ 1 mà còn nhiều lần, cũng như mức độ tự nguyện chấp hành các biện pháp chống dịch của dân chúng hiện nay đã khác xa so với năm 2020 hay 2021. Do đó, chính phủ Đức cũng không áp đặt các hạn chế chống dịch nào mà chỉ dự định sẽ hạ độ tuổi tiêm mũi vaccine tăng cường đối với người cao tuổi là từ 70 tuổi xuống 60 tuổi.

Tình hình ở Đức cũng giống như ở nhiều nước châu Âu khác, đó là hiện tại sau khi toàn bộ các hạn chế chống dịch đã bị gỡ bỏ, cuộc sống tại châu Âu đã hoàn toàn quay trở lại bình thường như trước đại dịch, đa số người dân cũng không còn lo ngại hay có ý muốn quay trở lại với quãng thời gian phải sống trong phong toả hay bị hạn chế như trước kia. Việc đưa ra các biện pháp chống dịch Covid-19 mang tính áp đặt hiện nay tại châu Âu là hết sức khó khăn và các chính phủ cũng không có ý định đó.

Hầu hết đều chỉ dừng ở mức khuyến cáo, trừ khi làn sóng dịch hiện nay có những thay đổi quá lớn, đe doạ nghiêm trọng đến sức khoẻ người dân hay hệ thống y tế. Trong bối cảnh kinh tế khó khăn hiện nay tại châu Âu, khi lạm phát cao nhất trong vài thập kỷ, nguy cơ suy thoái kinh tế cận kề, càng khó có khả năng chính phủ các nước dám áp đặt trở lại các biện pháp kiểm soát dịch nghiêm ngặt. Thách thức lớn nhất với hầu hết các nước châu Âu hiện nay là sức mua, là lạm phát, là nỗi lo về xung đột Nga-Ukraine chứ không còn là Covid-19./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại