Không phải dùng kháng sinh khi trẻ bị viêm mũi: BS mách cha mẹ 1 cách đơn giản mà hiệu quả

Ngọc Anh |

Viêm mũi là bệnh phổ biến ở trẻ nhỏ và cũng là nguyên nhân khiến trẻ phải dùng kháng sinh nhiều nhất.

Xử trí trẻ viêm mũi

Theo PGS Nguyễn Thị Hoài An – Giám đốc Bệnh viện Đa khoa An Việt, viêm mũi là bệnh thường gặp ở trẻ từ 6 tháng tuổi. Bệnh nếu không được điều trị dứt điểm sẽ tái phát nhiều lần dễ dẫn đến các biến chứng như viêm phổi, viêm tai, viêm tai giữa cấp, viêm xoang cấp...

Hiện nay, thời tiết giao mùa thất thường, chênh lệch nhiệt độ giữa ban ngày và ban đêm cao là nguyên nhân trẻ nhỏ dễ mắc bệnh viêm mũi. Bệnh thường tái phát nhiều lần, trẻ dưới 3 tuổi có thể viêm mũi 4 - 6 lần trong một năm, tần số có thể tăng lên trong thời kỳ bé đi nhà trẻ, mẫu giáo. Vì vậy, chúng ta cần theo dõi xử trí khi trẻ bị bệnh, đề phòng biến chứng nguy hiểm.

PGS An cho biết, viêm mũi là bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ từ khoảng 6 tháng tuổi đến 7 - 8 tuổi. Đây là tình trạng viêm niêm mạc của hốc mũi, vì khả năng miễn dịch ở trẻ còn kém nên rất dễ bị bệnh. 

Khi trẻ hít thở, không khí đi từ ngoài vào đến phổi, cung cấp oxy cho cơ thể đồng thời những tác nhân gây bệnh cũng vào theo. Nếu không được điều trị dứt điểm, bệnh tái phát nhiều lần sẽ dẫn đến những biến chứng như viêm phổi, viêm tai, viêm tai giữa cấp...

Khi trẻ bị viêm mũi, trong trường hợp dịch mũi đặc, có rỉ mũi thì nên nhỏ 2 – 3 giọt nước muối sinh lý vào mỗi bên mũi, đợi 1 lúc cho nước muối ngấm, làm mềm rỉ mũi rồi nhẹ nhàng dùng tay day day mũi bé để rỉ mũi mềm và bong ra.

Dịch mũi quá nhiều và đặc có thể dùng dụng cụ hút mũi để hút cho trẻ. Tuy nhiên, không nên lạm dụng hút mũi vì cách này có thể tạo áp lực gây tổn thương niêm mạc mũi. Tuyệt đối không dùng miệng của người lớn trực tiếp hút mũi dãi cho trẻ - PGS An khuyến cáo.

Không phải dùng kháng sinh khi trẻ bị viêm mũi: BS mách cha mẹ 1 cách đơn giản mà hiệu quả - Ảnh 1.

PGS An nội soi cho bệnh nhi.

Bình thường, khi trẻ bị ngạt mũi, chảy mũi hoặc viêm mũi mà không ảnh hưởng tới việc ăn uống và sinh hoạt thì không cần dùng đến kháng sinh. 

PGS An cho rằng việc lạm dụng kháng sinh quá nhiều như hiện nay sẽ gây ra tình trạng kháng thuốc kháng sinh. Tình trạng này rất nguy hiểm vì nếu trẻ mắc các bệnh nhiễm trùng nặng sẽ không còn đáp ứng với thuốc kháng sinh để điều trị nữa.

Theo đánh giá của Tổ chức Y tế thế giới, Việt Nam hiện là nước có tỷ lệ kháng thuốc kháng sinh thuộc top cao nhất thế giới. Ở bệnh nhân kháng thuốc kháng sinh, nguy cơ tử vong thường cao hơn từ 30 – 90% so với những người bệnh bình thường.

Nên vệ sinh mũi hàng ngày  

Cách tốt nhất để không phải dùng kháng sinh khi trẻ bị viêm mũi họng đó là vệ sinh mũi, họng hàng ngày – Giải pháp phòng tránh bệnh lý tai mũi họng hiệu quả.

Chỉ có một tỷ lệ nhỏ nguyên nhân gây bệnh đường hô hấp là do vi khuẩn mới cần sử dụng kháng sinh. Còn lại phần lớn trường hợp triệu chứng bệnh do virus gây ra thì kháng sinh không có hiệu quả điều trị.

Do vậy, nếu trẻ chỉ viêm mũi, chảy mũi, nghẹt mũi thông thường thì phụ huynh nên áp dụng phương pháp đơn giản là vệ sinh tai mũi họng hàng ngày bằng nước muối sinh lý là đủ.

Mũi là nơi không khí tiếp xúc đầu tiên trước khi vào phổi, nếu thực hiện rửa mũi sẽ giúp trẻ loại bỏ các vi khuẩn, vi trùng và bụi bẩn. Rửa mũi có nhiều lợi ích đối với cả trẻ con và người lớn. 

Khi bị viêm đường hô hấp, cách này sẽ giúp loại bỏ chất nhầy trong mũi, giảm nghẹt mũi, hạn chế các loại thuốc hỗ trợ khác, giảm triệu chứng viêm mũi xoang. Để đảm bảo hiệu quả, phụ huynh nên vệ sinh mũi họng cho trẻ vào buổi sáng và trước khi đi ngủ buổi tối.

Theo PGS An, việc vệ sinh mũi giúp loại bỏ gỉ mũi, chất nhầy, giúp ngăn ngừa và góp phần tránh các bệnh viêm nhiễm hô hấp như: viêm mũi, nghẹt mũi, hắt xì và viêm xoang. Khi thấy viêm mũi kéo dài trên 7 ngày hoặc có triệu chứng nặng hơn như đau tai, khàn tiếng, khó thở phải kịp thời đưa trẻ đến cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị kịp thời. 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại