Mất niềm tin, Iran khiến Mỹ “loay hoay” trở lại thỏa thuận hạt nhân

Đình Nam |

Để Mỹ quay trở lại thỏa thuận hạt nhân, Iran quay lại tuân thủ cam kết, các bên hiện vẫn còn khá nhiều việc phải làm.

Ảnh minh họa: Reuters

Ảnh minh họa: Reuters

Những ngày qua, câu chuyện trở lại thỏa thuận hạt nhân Iran năm 2015 của Mỹ đã được đề cập liên tục, từ Tổng thống Mỹ Joe Biden cho đến Ngoại trưởng Antony Blinken, cùng nhiều quan chức cấp cao khác của châu Âu và Iran.

Trước và sau khi nhậm chức, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã thể hiện rõ quan điểm muốn trở lại thỏa thuận hạt nhân năm 2015 mà chính quyền tiền nhiệm Donald Trump đã rút khỏi.

Mới đây, tại hội nghị an ninh Munich, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã tái khẳng định quan điểm này: “Chúng tôi cần sự minh bạch và thông tin rõ ràng để giảm thiểu những sai lầm chiến lược và sự hiểu lầm. Đó là lý do tại sao chúng tôi cho biết chúng tôi đã sẵn sàng tái đàm phán với nhóm P5 + 1 về chương trình hạt nhân của Iran.

Chúng tôi cũng phải giải quyết các hoạt động gây bất ổn của Iran trên khắp Trung Đông. Bên cạnh đó, chúng tôi sẽ hợp tác chặt chẽ với các đối tác châu Âu và các đối tác khác khi chúng tôi thực hiện những điều đó”.

Việc Mỹ sẵn sàng đàm phán với Iran còn được thể hiện rõ hơn bằng việc đã đảo ngược hai biện pháp chống Iran, vốn chỉ mang tính biểu tượng, được thực thi dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump. Đó là Mỹ đã hủy bỏ quyết định khôi phục các lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc đối với Iran cũng như lệnh cấm đi lại nhằm vào giới chức Iran tại New York (Mỹ).

Tuy nhiên, điều đó với Iran là chưa đủ. Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif cho rằng, chỉ khi các lệnh trừng phạt của Mỹ được gỡ bỏ một cách vô điều kiện và có hiệu quả, Iran mới đảo ngược các hành động “trả đũa” liên quan đến chương trình hạt nhân của nước này bởi thực tế, Iran đã mất niềm tin vào Mỹ - điều mà giới chức nước này từng khẳng định nhiều lần.

Dẫu vậy, chính phủ Mỹ đã không nhượng bộ, khẳng định nước này sẽ không có thêm bất kỳ động thái mới nào được đưa ra liên quan đến Iran, trước một cuộc đối thoại, đàm phán (nếu có).

Hiện các nước châu Âu đang tìm kiếm 1 cuộc họp không chính thức giữa tất cả các bên tham gia ký thỏa thuận hạt nhân Iran năm 2015, bao gồm cả Mỹ; để khôi phục thỏa thuận hạt nhân Iran càng sớm, càng tốt. Tuy nhiên, đây mới chỉ là lời mời kêu gọi và chưa có các thủ tục hành chính cho cuộc họp như vậy.

Trong lúc Mỹ và châu Âu vẫn đang loay hoay tìm kiếm đối thoại với Iran, thì quốc gia vùng Vịnh này dự kiến sẽ có thêm các bước đi cắt giảm cam kết liên quan đến thỏa thuận hạt nhân. Cụ thể, 2 ngày nữa (23/2), Iran sẽ ngừng việc cấp phép cho một số hoạt động thanh sát các cơ sở hạt nhân nước này của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế.

Tuy nhiên, để ngăn chặn điều đó cũng như hạ nhiệt căng thẳng, hôm qua (20/2), người đứng đầu Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) Rafael Grossi đã tới thủ đô Tehran của Iran để thảo luận với giới chức nước này về vấn đề này cũng như các hợp tác khác giữa hai bên./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại