Tháng Giêng vừa qua, một cuộc họp rất đáng chú ý đã diễn ra giữa các quan chức Syria và Israel tại căn cứ Không quân Hmeymim của Nga ở gần Latakia phía Tây Syria.
Sự kiện dường như đã được tổ chức trước lo ngại của Israel về những tên lửa và máy bay không người lái tấn chính xác ngày càng tinh vi mà Iran triển khai tại các quốc gia vệ tinh của Tehran. Có vẻ như Israel quyết tâm muốn truyền tải thông điệp tới Tehran rằng Iran sẽ không bao giờ được phép hiện diện quân sự ở Syria.
Thế nhưng, có lẽ điều đáng chú ý hơn cả bản thân cuộc họp là cách thức mà Nga gây áp lực để buộc Damascus phải tham gia, trong đó có việc tạm ngừng cung cấp nhiên liệu cho Syria.
Một số nhà quan sát nhìn nhận những nỗ lực kiên định của Moscow nhằm đưa Israel và Syria xích lại gần nhau hơn là bước dạo đầu cho một thỏa thuận hòa bình, tương tự như những gì đã diễn ra với các quốc gia Ả Rập.
Hình ảnh vụ không kích của Israel vào các mục tiêu của Iran ở Syria ngày 17/11. Ảnh: TOI
Nếu Nga thực sự đứng ra làm trung gian cho một thỏa thuận như vậy thì những yếu tố cốt lõi là rất rõ ràng: Trao trả Cao nguyên Golan, đổi lấy sự rút quân hoàn toàn của Iran ra khỏi lãnh thổ Syria - một thỏa thuận lớn khó nuốt trôi cho cả hai bên nhưng lại đem đến những lợi ích chiến lược.
Nếu Tổng thống Nga Vladimir Putin quyết định “thắt chặt dây thòng lọng” với nhà lãnh đạo Syria Bashar al-Assad, điều này có thể trở thành một đề nghị mà ông Assad không thể từ chối, nhất là khi năm 2015 chính Nga là nước đã can thiệp giúp Damascus xoay chuyển cơ bản cục diện cuộc nội chiến đang tàn phá đất nước và giành lại phần lớn diện tích lãnh thổ.
Chẳng có gì khó hiểu khi nhiều quan chức trong Chính phủ của Tổng thống Assad cảm thấy đang bị lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran coi thường, họ xem Damascus cứ như là “nhà của mình”.
Với Nga cũng như vậy, Iran từ chỗ là một đồng minh cần thiết giờ đây có vẻ như đã trở thành gánh nặng nghĩa vụ của Moscow. Các khoản đầu tư khổng lồ của Nga ở Syria sẽ khó đảm bảo được an toàn nếu các nhóm phiến quân cực đoan do Tehran hậu thuẫn vẫn “làm mưa làm gió” ở đây.
Israel tập kích các vị trí của Quân đội Syria năm 2017
Trong khi đó, mức độ sâu sắc trong cam kết của ông Putin với Israel cũng như “người bạn” Benjamin Netanyahu đã được nhấn mạnh vào tuần trước qua việc Nga đứng ra làm trung gian cho hoạt động trao đổi tù nhân, một động thái có ý nghĩa đặc biệt quan trọng với tương lai chính trị của ông Netanyahu.
Thời gian vừa qua, Nga dường như cũng đã để mở không phận Syria, giúp Israel tiến hành các cuộc không kích phá hủy nhiều mục tiêu của Iran và diễn ra với nhịp độ gần như hàng ngày.
Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov gần đây từng tuyên bố với các lãnh đạo Israel: “Nếu các ông nhận thấy đất nước đang bị đe dọa từ lãnh thổ Syria, hãy cho chúng tôi biết ngay lập tức, chúng tôi sẽ tiến hành mọi biện pháp để vô hiệu hóa chúng”.
Hoạt động ngoại giao của Nga ở Lebanon cũng ngày càng trở nên rõ ràng khi ủng hộ ông Saad Hariri thành lập chính phủ mới sau khi các nỗ lực của phương Tây dường như đã không thành công.
Đây là một lĩnh vực nữa cho thấy Nga có thể kiềm chế ảnh hưởng của Iran, đặc biệt khi việc cương tỏa hoạt động của Iran ở Syria sẽ hạn chế khả năng Tehran có thể vũ trang và ủng hộ Hezbollah.