Ngân sách quốc phòng hạn hẹp khiến Ấn Độ khó đấu với Trung Quốc?

Minh Thu |

Với mức tăng chi tiêu quốc phòng chỉ 1%, Ấn Độ được cho không đủ khả năng để đối phó với sức mạnh quân sự của Trung Quốc.

Quân đội Ấn Độ diễn tập. (Ảnh: Bloomberg)

Quân đội Ấn Độ diễn tập. (Ảnh: Bloomberg)

Chi tiêu quốc phòng của Ấn Độ chỉ tăng 1%. Điều này khiến tham vọng hiện đại hóa quân đội của Ấn Độ bị nghi ngờ khó thành hiện thực, giữa lúc tranh chấp chủ quyền biên giới Trung - Ấn trên dãy Himalaya vẫn chưa thể giải quyết.

Theo Bloomberg, ngân sách quốc phòng của Ấn Độ tăng lên thành 3,47 ngàn tỉ rupee (47,4 tỉ USD). Trước đó 1 năm, chi tiêu quân sự của Ấn Độ là 3,43 ngàn tỉ rupee.

Tuy nhiên, chi tiêu quốc phòng của Ấn Độ chỉ bằng 1/4 so với Trung Quốc. Bởi theo thông báo hồi tháng 5/2020 từ Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược, ngân sách quốc phòng hàng năm của Trung Quốc là 178,6 tỉ USD.

Trước đó, theo ông Laxman Behera, Phó Giáo sư tại Trung tâm Nghiên cứu An ninh Quốc gia thuộc Đại học Jawaharlal Nehru ở New Delhi, nhiều khả năng Ấn Độ sẽ cho “tăng mạnh” chi tiêu quốc phòng nhất là sau vụ đụng độ với binh sĩ Trung Quốc ở phía đông bang Ladakh.

“Đây có thể là dấu hiệu cho thấy, chính phủ Ấn Độ vẫn tiết kiệm tiền cho lĩnh vực chủ quyền và an ninh quốc gia. Điều này cũng có nghĩa Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ sẽ phải làm việc trong điều kiện thiếu nguồn tiền trong những năm tới”, ông Behera nói.

Cả Trung Quốc và Ấn Độ đã điều động hàng ngàn binh sĩ, xe tăng và pháo binh tới biên giới tranh chấp sau vụ đụng độ ở thung lũng Galwan ở bang Ladakh hồi tháng 6/2020. Vụ đụng độ này khiến 20 lính Ấn Độ thiệt mạng. Trong khi đó, Trung Quốc vẫn giấu thông tin về số binh sĩ thương vong sau vụ việc. Đây được xem là cuộc xung đột biên giới nghiêm trọng nhất kể từ sau vụ tranh chấp kéo dài 70 ngày tại cao nguyên Doklam hồi năm 2017.

Các cuộc xung đột giữa quân đội Trung - Ấn ở dọc Đường kiểm soát thực tế (LAC) dài 3.488 km xảy ra giữa lúc Trung Quốc cho tăng cường sự hiện diện ở khu vực, còn Ấn Độ đang gồng mình đối phó với đại dịch Covid-19 và khủng hoảng kinh tế do dịch bệnh.

Trong năm 2020, binh sĩ Trung - Ấn còn ít nhất 2 lần va chạm và cáo buộc nhau là thủ phạm bắn chỉ thiên, phá vỡ thỏa thuận không sử dụng súng trong bán kính 2 km tại LAC, biên giới không chính thức của hai nước trên dãy Himalaya.

Cho tới nay, các tướng chỉ huy quân sự Trung - Ấn đã tiến hành tới vòng đàm phán thứ 9 vào ngày 24/1 song căng thẳng ở biên giới hai nước vẫn chưa có hướng giải quyết.

Trước đây, Ấn Độ từng thông báo về kế hoạch chi 250 tỉ USD trong vòng 10 năm cho tới năm 2025 để phục vụ chương trình hiện đại hóa quân sự bao gồm nâng cấp phi đội chiến đấu cơ, tàu ngầm, xe tăng và xe bọc thép đã lỗi thời.

Nhưng khoản chi này đã bị giới hạn và Ấn Độ chuyển hướng tập trung vào sử dụng các sản phẩm vũ khí được sản xuất trong nước. Điều này khiến hạn chót hoàn thành kế hoạch hiện đại quân sự vào năm 2025 của Ấn Độ bị nghi ngờ khó có thể đạt được.

Dù Ấn Độ nằm trong Top 5 quốc gia có mức chi tiêu quân sự cao nhất thế giới, song phần lớn ngân sách được dùng để trả lương cho khoảng 1,3 triệu binh sĩ tại ngũ, lương hưu, phát triển và sửa chữa cơ sở hạ tầng.

Nhiều chuyên gia nghi ngờ với nguồn ngân sách hạn hẹp như vậy, liệu có đủ để Ấn Độ đáp ứng tất cả những mục tiêu đã đề ra.

“Chi tiêu quốc phòng phản ánh những hạn chế về nguồn tài chính mà chính phủ Ấn Độ đang phải đối mặt cùng với mức chi tiêu y tế và cơ sở hạ tầng nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế”, ông Amit Cowshish, cựu cố vấn tài chính cho Bộ Quốc phòng Ấn Độ nhấn mạnh.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại