Lộ lý do Su-30SM Armenia "nằm đất" giữa xung đột Karabakh - Lỗi của nhà sản xuất Nga?

Hoài Giang |

Mặc dù Quân đội Armenia đã nhận và đưa vào trang bị 4 chiếc Su-30SM vào cuối năm 2019, tuy nhiên lý do tiêm kích đa năng này không tham chiến ở Nagorno-Karabakh mới đây mới được tiết lộ.

Quân đội Armenia đã được đưa vào trang bị 4 tiêm kích đa năng hạng nặng Su-30SM vào cuối năm 2019. Nước này cũng có kế hoạch mua thêm 8 chiếc từ Nga.

Trong cuộc xung đột vừa qua ở Nagorno-Karabakh, câu hỏi tại sao phía Armenia không sử dụng tiêm kích Su-30SM (chỉ tung cường kích Su-25 xung trận để yểm trợ đường không) đã nhiều lần được đặt ra trong giới chính trị gia, công chúng cũng như giới truyền thông nước này.

Đáp lại, Bộ Quốc phòng Armenia ghi nhận các tiêm kích này đang giải quyết các nhiệm vụ được giao, nhưng không tiết lộ lý do chúng không trực tiếp tham chiến.

Hôm 18/11, hãng tin Nga Sputnik dẫn nguồn tin Quốc hội Armenia cho biết tại một trong những cuộc họp của ủy ban quốc phòng và an ninh trước thời điểm nổ ra cuộc chiến ở Nagorno-Karabakh, họ đã thảo luận về năng lực chiến đấu của tiêm kích Su-30SM.

Lộ lý do Su-30SM Armenia nằm đất giữa xung đột Karabakh - Lỗi của nhà sản xuất Nga? - Ảnh 1.

Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan và một chiếc tiêm kích Su-30SM được bàn giao vào ngày 27/12/2019 (Nguồn: Văn phòng báo chí của Chính phủ Armenia).

Theo các nghị sĩ Gevork Gorgisyan và Gevorg Gorgisyan, trong cuộc họp nói trên họ đã đặt câu hỏi tại sao các nhà chức trách quân sự không mua vũ khí cho những chiếc máy bay này và nhận được câu trả lời như sau:

"Theo Thứ trưởng (Bộ Quốc phòng Armenia) và các đại diện của quân đội có mặt tại cuộc họp, họ đảm bảo rằng tất cả những vấn đề này sẽ được giải quyết.

Việc mua tên lửa cho máy bay đã nằm trong kế hoạch và 'mọi thứ sẽ được thực hiện đúng thời hạn'".

Như vậy là trái với các giả thuyết được các nhà phân tích của tờ Svpressa Nga đưa ra gần đây (như Armenia sợ phía Azerbaijan và Thổ Nhĩ Kỳ tung F-16 tham chiến hoặc mở rộng xung đột hay sợ mất phi công), hóa ra lý do tiêm kích Su-30SM "đắp chiếu" là do chưa nhận được vũ khí tương thích.

Cần nhấn mạnh rằng đây có thể không phải lỗi của các nhà cung cấp Nga. Armenia đã đặt hàng 4 chiếc Su-30SM vào tháng 2/2019 và dự kiến ​​sẽ bắt đầu giao hàng vào năm 2020. Tuy vậy phía Nga đã nhanh chóng bàn giao trước thời hạn 4 chiếc vào ngày 27/12/2019.

Như vậy là có 2 giả thuyết về việc "chậm trễ bàn giao" vũ khí. Đầu tiên là có thể phía Armenia không đặt hàng vũ khí không đối không từ đầu và sau đó phải đặt hàng bổ sung.

Thứ hai là việc bàn giao vũ khí có thể được lên kế hoạch trong năm 2020 như tuyên bố của BQP Armenia - tuy nhiên xung đột Nagorno-Karabakh đã bùng phát trước thời điểm đó.

Su-30SM là biến thể tiên tiến nhất của dòng Su-30, được trang bị radar N011M Bars cung cấp khả năng phát hiện mục tiêu trong tầm hoạt động lên đến 400km, có khả năng bắt bám, dẫn bắn mục tiêu tàng hình, ví dụ các tiêm kích tàng hình của đối phương.

Hệ thống điện tử hàng không của máy bay rất hiện đại, bao gồm màn hình hiển thị HUD, hệ thống tác chiến điện tử tiên tiến.

Su-30SM sở hữu năng lực tấn công xâm nhập tầm xa, cho phép nó tấn công mục tiêu nằm sâu trong lãnh thổ đối phương từ nhiều độ cao với 8 tấn vũ khí dẫn đường tiên tiến trên 12 mấu cứng cho mỗi chiếc máy bay.

Su-30SM còn có năng lực chiếm ưu thế trên không với khả năng cơ động cực tốt. Máy bay có thể mang theo các loại tên lửa không đối không tầm trung R-27 với các biến thể R/ER/T/ET/P hay RVV-AE (R-77) và tên lửa tầm ngắn Vympel R-73E.

Với các cảm biến mạnh mẽ phát hiện đối phương cả trong và ngoài tầm nhìn, Su-30SM được cho là hoàn toàn có thể đối đầu với mọi máy bay tiêm kích đang hoạt động của phương Tây, chứ chưa nói tới những chiếc máy bay không người lái (UAV) kém cơ động.

Hai tiêm kích Su-30SM của Không quân Armenia trong một chuyến bay huấn luyện tháng 7/2020 - 2 tháng trước xung đột Nagorno-Karabakh.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại