Tàu ngầm Trung Quốc có thể tấn công tàu sân bay Mỹ trong chiến tranh?

Anh Minh |

Theo một báo cáo gần đây, câu trả lời là "có."

Theo một bài báo của National Interest, vào năm 1995 và 1996, các chính trị gia Đài Loan đã có những động thái báo hiệu họ ngày càng ủng hộ việc hòn đảo này tuyên bố chính thức độc lập khỏi Trung Quốc. Bắc Kinh lúc đó đã phản ứng nhanh chóng, mạnh mẽ… Trung Quốc đã bắn nhiều tên lửa về phía các đảo nhỏ mà Đài Loan trấn giữ.

Đó là khi Mỹ can thiệp ở quy mô lớn, phải hẳn hai nhóm tác chiến tàu sân bay vào vùng biển xung quanh Đài Loan - và thậm chí điều một tàu sân bay đi qua eo biển Đài Loan.

Quân đội Trung Quốc đã bất lực trước sự phô trương vũ lực này. Bắc Kinh thậm chí không thể theo dõi kỹ càng các tàu chiến của Mỹ và không có lực lượng nào của họ đủ khả năng đe dọa các tàu chiến hùng mạnh của Mỹ.

Nhiều năm sau, tình hình đã thay đổi.

Theo tổ chức tư vấn RAND ở California, nếu các cuộc khủng hoảng tương tự xảy ra ngày hôm nay, tàu ngầm Trung Quốc có thể nhắm mục tiêu vào máy bay Mỹ vài lần trong một chiến dịch kéo dài một tuần. RAND cảnh báo:

“Trung Quốc đã nhanh chóng cải thiện khả năng xác định vị trí một cách đáng tin cậy và có thể tấn công các nhóm tác chiến tàu sân bay của Mỹ ở khoảng cách lên tới 2.000 km tính từ bờ biển của họ.

Khả năng nhắm mục tiêu các tàu sân bay từ dưới biển của Bắc Kinh phụ thuộc vào hai năng lực liên quan. Thứ nhất, Trung Quốc cần những tàu ngầm hiện đại và đáng tin cậy. Thứ hai, các tàu con này cần một số cách để tìm ra vị trí các tàu sân bay.

Đội tàu ngầm Trung Quốc đã đạt được nhiều tiến bộ trong hai thập kỷ kể từ cuộc khủng hoảng năm 1996. RAND giải thích: “Vào năm 1996, Trung Quốc chỉ nhận được hai tàu ngầm tạm gọi là hiện đại. “Phần còn lại của hạm đội bao gồm những chiếc tàu cũ dựa trên công nghệ của những năm 1950, không có thân tàu hình giọt nước và chỉ được trang bị ngư lôi.”

Đến năm 2017, Trung Quốc sở hữu một hạm đội dưới biển nhỏ hơn nhưng có năng lực hơn với 49 tàu ngầm hiện đại. "Các lớp tàu ngầm gần đây của Trung Quốc được trang bị cả tên lửa hành trình và ngư lôi tinh vi, giúp tăng đáng kể phạm vi tấn công của chúng", theo RAND.

“Mặc dù hầu hết các tàu ngầm của Trung Quốc chạy bằng động cơ diesel và không chiếc nào đạt tiêu chuẩn của Mỹ, nhưng chúng vẫn có thể đe dọa các tàu nổi của Mỹ”.

Mức độ mà tàu ngầm của Bắc Kinh có thể tấn công một tàu sân bay của Mỹ trong một chiến dịch kéo dài 7 ngày phụ thuộc vào điều mà RAND gọi là “tín hiệu”.

Nói cách khác, khả năng của vệ tinh Trung Quốc, máy bay không người lái, máy bay do thám, radar trên mặt đất và các hệ thống "tình báo, giám sát và trinh sát" khác, hay ISR, phát hiện tàu sân bay và gửi thông số đến tàu ngầm.

RAND kết luận: “Những cải tiến đối với ISR của Trung Quốc đã cải thiện khả năng các tàu ngầm Trung Quốc nhận được thông tin như vậy.

Vào năm 1996, tàu ngầm Trung Quốc về cơ bản không có cơ hội để bắn vào tàu sân bay của Mỹ, dù có hoặc không có tín hiệu. Đến năm 2010 thì điều đó không còn nữa.

Không có tín hiệu, tàu ngầm của Bắc Kinh vẫn “mù”, nhưng với sự trợ giúp của ISR, các tàu dưới biển sẽ có hai hoặc ba cơ hội tấn công tàu sân bay bằng tên lửa hoặc ngư lôi.

RAND dự đoán rằng, vào năm 2017, tàu ngầm Trung Quốc không có tín hiệu có thể vẫn không thể tấn công tàu sân bay. Nhưng với tín hiệu trong cùng một khung thời gian, các tàu chiến dưới đáy biển có thể có ba, bốn hoặc thậm chí năm cơ hội tấn công.

Tất nhiên, cơ hội tấn công không đảm bảo một cuộc tấn công thành công. Và hải quân Mỹ không thực sự đứng yên khi lực lượng Trung Quốc cải thiện năng lực, RAND chỉ ra.

“Mỹ sẽ tìm cách đối phó với mối đe dọa ngày càng tăng này bằng cách phát triển các cách làm suy giảm khả năng tình báo, giám sát và trinh sát của Trung Quốc và bằng cách cải thiện khả năng chống tên lửa, chống tàu ngầm và phòng thủ của chính mình.”

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại