Philippines ủng hộ Mỹ lập trật tự ở biển Đông

Phạm Nghĩa |

Bộ Quốc phòng Philippines hôm 14-7 tuyên bố nước này đồng ý với Mỹ rằng nên thiết lập một trật tự ở biển Đông dựa trên các quy tắc được quốc tế chấp nhận.

Báo Manila Bulletin của Philippines dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng Delfin Lorenzana cho biết để đạt được mục tiêu nói trên, Trung Quốc cần phải tuân thủ phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) năm 2016, trong đó bác bỏ các yêu sách hàng hải phi pháp của Bắc Kinh ở biển Đông.

Ông Lorenzana cũng khuyến khích Trung Quốc tuân thủ Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS) mà nước này là bên ký kết.

"Chúng tôi đồng ý với lập trường của cộng đồng quốc tế rằng cần phải có một trật tự dựa trên các quy tắc ở biển Đông. Đây là điều tốt nhất cho sự ổn định của khu vực. Trung Quốc nên làm theo yêu cầu của những quốc gia liên quan, đó là tuân thủ luật pháp quốc tế và tôn trọng các thỏa thuận quốc tế hiện có" - ông Lorenzana nhấn mạnh.

Bộ trưởng quốc phòng Philippines hy vọng Bộ quy tắc ứng xử ở biển Đông (CoC) sẽ sớm được hoàn thiện để giải quyết tranh chấp và ngăn chặn sự leo thang căng thẳng trong khu vực.

Tuyên bố của ông Lorenzana được đưa ra sau khi Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo bày tỏ sự ủng hộ đối với Philippines và chính thức bác bỏ các yêu sách của Trung Quốc ở biển Đông. Ông Pompeo nói rõ rằng việc Bắc Kinh tuyên bố các nguồn tài nguyên ngoài khơi biển Đông thuộc về mình là hoàn toàn bất hợp pháp.

"Mỹ luôn tìm cách bảo vệ hòa bình và ổn định, duy trì tự do hàng hải theo luật pháp quốc tế, duy trì dòng chảy thương mại không bị cản trở và phản đối mọi nỗ lực cưỡng chế hoặc ép buộc để giải quyết tranh chấp ở biển Đông. Chúng tôi chia sẻ những lợi ích sâu sắc và lâu dài này với nhiều đồng minh và đối tác của chúng tôi. Họ từ lâu đã tán thành một trật tự quốc tế dựa trên các quy tắc" – ông Pompeo lưu ý.

Căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc gần đây leo thang sau khi Washington gửi tàu chiến đến biển Đông nhằm phô trương thanh thế và gửi lời cảnh báo tới Bắc Kinh. Đáp lại, Trung Quốc đề nghị Mỹ tôn trọng cam kết về vấn đề chủ quyền lãnh thổ vì "không phải là quốc gia liên quan trực tiếp đến tranh chấp ở biển Đông".

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại