Trung Quốc nói gì sau khi Mỹ công khai bác bỏ yêu sách ở Biển Đông?

Minh Thu |

Sau khi Mỹ lần đầu tiên công khai bác bỏ những tuyên bố chủ quyền phi lý ở Biển Đông, Trung Quốc đã có lời đáp trả.

Sau khi Mỹ lần đầu tiên công khai bác bỏ những tuyên bố chủ quyền phi lý ở Biển Đông, Trung Quốc đã có lời đáp trả.

Hôm 13/7, Mỹ đã lên tiếng bác bỏ mọi tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông. Sau đó, Trung Quốc đáp trả và chỉ trích tuyên bố của Mỹ chỉ làm khuấy động căng thẳng trong khu vực, cũng như cho thấy mối quan hệ ngày càng xấu đi giữa hai nước.

Reuters đưa tin, trong tuyên bố, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo nhấn mạnh Trung Quốc đã đưa ra những cơ sở pháp lý không rõ ràng để minh chứng cho tham vọng ở Biển Đông và trong nhiều năm dùng chứng cứ này để bắt nạt các nước Đông Nam Á.

“Chúng tôi muốn nhấn mạnh rõ ràng rằng, những tuyên bố của Trung Quốc đối với các nguồn tài nguyên ngoài khơi trên phần lớn Biển Đông là hoàn toàn phi pháp, bởi đây là chiến dịch bắt nạt để kiểm soát khu vực”, Reuters dẫn lời Ngoại trưởng Pompeo.

Mỹ từng nhiều lần lên tiếng chỉ trích những tuyên bố bành trướng của Trung Quốc ở Biển Đông, đồng thời thường xuyên điều động tàu chiến di chuyển qua vùng biển chiến lược nhằm thể hiện quyền tự do hàng hải ở khu vực. Song tuyên bố hôm 13/7 của ông Pompeo được xem là thể hiện thái độ cứng rắn hơn của Mỹ đối với Trung Quốc.

“Thế giới sẽ không để Bắc Kinh hành xử trên Biển Đông với tư cách là một đế chế hàng hải”, ông Pompeo nhấn mạnh.

Còn trong tuyên bố vào hôm nay (14/7), đại sứ quán Trung Quốc ở Mỹ cho rằng những lời cáo buộc của Washington là “hoàn toàn phi lý”.

“Dưới chiêu bài duy trì sự ổn định, Mỹ đang phô trương sức mạnh, khuấy động căng thẳng và kích động đối đầu trong khu vực”, tuyên bố từ đại sứ quán Trung Quốc ở Mỹ viết.

Nhiều thành viên đảng Dân chủ và Cộng hòa thuộc Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ và Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ cũng đã lên tiếng ủng hộ tuyên bố mới nhất của chính quyền Tổng thống Donald Trump trước hành động bành trướng của Trung Quốc ở Biển Đông.

“Việc tiếp tục sự mập mờ theo chính sách của Mỹ về những tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông không còn phục vụ lợi ích chung của khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương, mà còn khiến Trung Quốc có những hành động hung hăng và không tuân thủ quy định của luật pháp quốc tế”, hai Thượng nghị sĩ Jim Risch và Bob Menendez cùng hai thành viên Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ Eliot Engel và Michael McCaul phát biểu trong một tuyên bố chung.

Chính sách của Mỹ đối với các tuyên bố hàng hải của Trung Quốc ở Biển Đông trước đây khá mập mờ khi luôn hối thúc các bên liên quan giải quyết tranh chấp thông qua các biện pháp hòa bình, đối thoại ngoại giao và tuân thủ luật pháp quốc tế, chứ Washington chưa từng đưa ra quan điểm thẳng thắn về tính pháp lý đối với những tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông.

Các nhà phân tích nhận định, nhiều khả năng các quốc gia khác cũng sẽ ủng hộ quan điểm của Mỹ và nếu có thể, Washington sẽ làm gì để củng cố quan điểm cũng như ngăn chặn Bắc Kinh khỏi việc tạo ra “những sự thật trên biển” để hiện thực hóa các tuyên bố chủ quyền đơn phương.

Trong 6 tháng qua, mối quan hệ Mỹ - Trung ngày càng trở nên căng thẳng liên quan tới loạt tranh cãi về cách Bắc Kinh xử lý dịch Covid-19, cho tới vấn đề Hong Kong và các cuộc trấn áp cộng đồng người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ.

Lâu nay, Trung Quốc đơn phương tuyên bố chủ quyền trên phần lớn diện tích Biển Đông thông qua cái gọi là bản đồ “đường chín đoạn”. Thậm chí, trong những năm gần đây, Trung Quốc không ngừng cải tạo, xây dựng các hòn đảo nhân tạo và tiến hành quân sự hóa trái phép trên các thực thể này để bảo vệ những tuyên bố chủ quyền phi lý ở Biển Đông.

“Đây là lần đầu tiên chúng ta gọi những tuyên bố này là phi pháp. Đúng là cần đưa ra tuyên bố như vậy, nhưng các ngài sẽ làm gì tiếp theo”, nhà phân tích Chris Johnson tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế chia sẻ.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại