Chuyên gia quốc tế: Bác yêu sách, Mỹ đẩy Trung Quốc vào thế kẹt trên biển Đông

Cao Lực |

Chính quyền Tổng thống Donald Trump hôm 13-7 bác bỏ gần như toàn bộ yêu sách hàng hải của Trung Quốc trên biển Đông. Theo giới chuyên gia, động thái này nhiều khả năng khiến căng thẳng 2 nước leo thang và có thể dẫn đến những hành động đáp trả của Bắc Kinh.

"Những tuyên bố của Bắc Kinh đối với các nguồn tài nguyên ngoài khơi của phần lớn biển Đông là hoàn toàn bất hợp pháp. Chiến dịch bắt nạt để kiểm soát các nguồn tài nguyên này của họ cũng vậy" – Ngoại trưởng Mike Pompeo khẳng định.

Theo tuyên bố của Ngoại trưởng Pompeo, Washington bác những yêu sách của Trung Quốc đối với vùng biển ngoài khu vực 12 hải lý từ những hòn đảo mà Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền phi pháp ở quần đảo Trường Sa (của Việt Nam). Bên cạnh đó, Washington còn bác yêu sách của Bắc Kinh đối với bãi cạn James, cách Malaysia khoảng 50 hải lý.

Lập trường của Bộ Ngoại giao Mỹ là "đúng về mặt pháp lý…và được mong đợi từ lâu. Tôi nghĩ trừng phạt mọi công ty làm ăn trong những vùng biển bị Trung Quốc chiếm đóng phi pháp chắc chắn là bước đi tiếp theo của Mỹ" – chuyên gia Julian Ku, Trường ĐH Hofstra (Mỹ), khẳng định.

Chuyên gia quốc tế: Bác yêu sách, Mỹ đẩy Trung Quốc vào thế kẹt trên biển Đông - Ảnh 1.

Ngoại trưởng Mike Pompeo nhấn mạnh không thể để Trung Quốc xem biển Đông là đế chế hàng hải của họ. Ảnh: Reuters

Theo ông Gregory Poling, giám đốc Sáng kiến Minh bạch Hàng hải châu Á tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, tuyên bố của Ngoại trưởng Pompeo là quan trọng nhưng vẫn cần thêm hành động để chống lại chính sách bành trướng của Bắc Kinh.

"Cần xem đây là bước đi đầu tiên trong chiến dịch lâu dài chống lại hành vi phi pháp của Trung Quốc và hỗ trợ đối tác" – ông Poling nói.

Theo hãng tin AP, Mỹ vẫn duy trì lập trường trung lập đối với tuyên bố chủ quyền của các nước trên biển Đông và tuyên bố của Ngoại trưởng Pompeo hôm 13-7 dường như không thay đổi chính sách này. Dù vậy, theo báo USA Today, tuyên bố này đồng nghĩa chính quyền Tổng thống Trump đang đứng về phía Brunei, Indonesia, Malaysia, Philippines và Việt Nam – những quốc gia phản đối yêu sách chủ quyền phi pháp của Trung Quốc đối với vùng biển xung quanh các đảo, rạn san hô và bãi cạn.

"Tuyên bố này đang nói rõ rằng Mỹ có thể trung lập đối với các đảo tranh chấp nhưng không trung lập đối với các vùng biển tranh chấp" – ông Poling nhận định, đồng thời nói rằng nếu lập trường của Mỹ được cộng đồng quốc tế ủng hộ, Trung Quốc có thể bị đẩy vào một trị trí khó khăn.

"Trung Quốc muốn làm một nhà lãnh đạo toàn cầu nhưng bạn không thể làm điều này nếu mọi quốc gia cho rằng bạn đang vi phạm luật pháp quốc tế và bắt nạt những nước láng giềng" – chuyên gia này giải thích.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại