Trung Quốc đang thúc đẩy các mặt trận ở biển Đông, Mỹ tuyên bố theo sát mọi động thái

Anh Minh |

Đối mặt với những nỗ lực mà theo mô tả của tạp chí Foreign Policy là “ngày càng trơ trẽn” của Trung Quốc trong việc kiểm soát toàn bộ biển Đông, quân đội Mỹ đang sử dụng nhiều tàu sân bay tại đây để các đồng minh thấy rằng Mỹ sẽ không quay lưng lại với khu vực đang nóng bỏng này.

Cuối tuần qua, tàu USS Ronald Reagan và USS Nimitz đã vào biển Đông, thách thức các yêu sách biển của Trung Quốc vốn đã bị các đồng minh của Mỹ thách thức.

Các cựu quan chức và quan chức quốc phòng Mỹ hiện tại lo ngại rằng Trung Quốc đã nhân có đại dịch coronavirus để tăng cường nỗ lực quân sự hóa cái gọi là đường chín đoạn, tuyên bố chủ quyền một cách phi lý đối với phần lớn biển Đông, một tuyến đường biển với số hàng hóa trị giá hàng nghìn tỷ đô la mỗi, có tiềm năng về hải sản, dầu và khí đốt tự nhiên.

Từ đầu năm nay, trong khi Mỹ và các quốc gia khác đang vật lộn với sự lan rộng của đại dịch, Trung Quốc đã tăng cường một cách có hệ thống các nỗ lực biến Biển Đông “thành một hồ nước của riêng Trung Quốc”, lắp đặt các hệ thống giám sát nổi và trên các đảo nhân tạo, đe dọa, quấy rối hoạt động thăm dò dầu khí của các nước láng giềng như Việt Nam và Malaysia, đối đầu, hăm dọa tàu chiến Philippines.

Trung Quốc cũng đã tăng cường nỗ lực quản lý hành chính ở biển Đông, mà theo Foreign Policy, điều này có thể giúp Bắc Kinh tạo cớ biến đảo san hô và đảo nhỏ thành “đại lục mở rộng”.

Sự gây hấn của Trung Quốc trên biển Đông đã tăng lên khi nền kinh tế nước này vấp phải những khó khăn do từ đại dịch coronavirus. Bắc Kinh có nhiều động lực thúc đẩy chủ nghĩa dân tộc thông qua chính sách đối ngoại gây hấn.

"Có vẻ như chủ nghĩa phiêu lưu trong chính sách đối ngoại của họ đã không bị tác động kể từ khi xuất hiện dịch coronavirus", Randall Schriver, cựu thứ trưởng Quốc phòng Mỹ phụ trách các vấn đề an ninh khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương cho đến tháng 12/2019. “Đổ dầu vào ngọn lửa dân tộc chủ nghĩa có lợi khi họ đang phải vật lộn trong nước vì các khó khăn”, ông Schriver nói.

Ông Schriver, hiện là chủ tịch của Viện Dự án 2049, một nhóm chuyên gia cố vấn có trụ sở tại Washington, cho biết: "Tôi nghĩ rằng có một số câu hỏi sau khi tàu sân bay Roosevelt ngừng hoạt động (vì bùng phát dịch coronavirus-PV), rằng có phải năng lực của Mỹ đã suy giảm”.

Trung Quốc đang thúc đẩy các mặt trận ở biển Đông, Mỹ tuyên bố theo sát mọi động thái - Ảnh 2.

Một máy bay chiến đấu F / A-18 Hornet của Mỹ chuẩn bị hạ cánh trong khi các máy bay chiến đấu khác bay phía sau trong một buổi huấn luyện thường lệ trên tàu sân bay Mỹ Theodore Roosevelt ở Biển Đông.

Việc triển khai của Mỹ được thúc đẩy một phần bởi các yêu cầu của các đồng minh trong khu vực nhằm đẩy lùi các hành vi của Trung Quốc. Ông Schriver cho biết hải quân đồng minh đã báo cáo về sự đe dọa từ hải quân và hải cảnh Trung Quốc. Các tàu Trung Quốc thường xuyên theo dõi và đe dọa các tàu đi ngang qua biển Đông.

Philippines, một đồng minh của Mỹ, dưới thời Tổng thống Rodrigo Duterte ngày càng trở nên ấm áp với Trung Quốc, thậm chí bãi bỏ một thỏa thuận quân sự với Washington vào tháng 2 vừa qua. Nhưng mối đe dọa ngày càng tăng từ Trung Quốc đã khiến Manila phải suy nghĩ lại về việc chấm dứt Hiệp định Lực lượng thăm viếng trong khi họ muốn nhờ sức mạnh của Mỹ để chống lại Bắc Kinh.

"Trung Quốc đang thúc đẩy tất cả các mặt trận", một cựu quan chức quốc phòng Mỹ giấu tên nói với Foreign Policy. "Tôi lo lắng một lúc nào đó con đập sẽ vỡ. Việc này sẽ vượt khỏi tầm kiểm soát”.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại