“Phán quyết đó không thể mang ra đàm phán”, Ngoại trưởng Philippines Teodoro Locsin Jnr nói nhân dịp kỷ niệm 4 năm ngày phán quyết được đưa ra bởi Tòa trọng tài thường trực quốc tế tại La Hay, Hà Lan.
Ngoại trưởng Philippines nói rằng phán quyết đó “đưa ra kết luận cuối cùng về các quyền lịch sử và quyền trên biển ở biển Đông” dựa trên Công ước Liên Hợp quốc về Luật Biển (UNLCOS) 1982.
“Tòa trọng tài có thẩm quyền kết luận rằng yêu sách quyền lịch sử của Trung Quốc đối với các tài nguyên trên vùng biển này...không có cơ sở pháp lý”, ông Teodoro Locsin Jnr nói trong một thông cáo.
Cho đến nay, đây là tuyên bố mạnh mẽ nhất mà Philippines từng đưa ra đối với phán quyết của Tòa trọng tài.
Trung Quốc không chịu tham gia vào quá trình tố tụng và không công nhận quyết định này. Cho đến nay, Trung Quốc vẫn phớt lờ phán quyết và tiếp tục những hành động hung hăng ở khu vực tranh chấp cũng như vùng đặc quyền kinh tế của các nước Việt Nam, Philippines và Malaysia.
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte bị các nhóm cánh tả và dân tộc chủ nghĩa chỉ trích vì gác lại phán quyết để theo đuổi các dự án hợp tác với Trung Quốc, trong khi chỉ trích những chính sách an ninh của Mỹ ở khu vực.
Phán quyết công nhận quyền chủ quyền của Philippines đối với một vùng biển được gọi là vùng đặc quyền kinh tế, nơi những yêu sách của Trung Quốc khiến Philippines không thể thực hiện kế hoạch thăm dò và khai thác tài nguyên dầu khí dưới đáy biển.
Ông Locsin noi rằng phán quyết của tòa xác định một số hành động diễn ra trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines là vi phạm quyền chủ quyền của nước này và trái pháp luật. Ông nêu ra những hành động của Trung Quốc đi ngược lại kết luận của tòa, như cải tạo quy mô lớn và xây dựng các đảo nhân tạo, gây tổn hại nghiêm trọng cho môi trường.
“Tuân thủ thiện chí với phán quyết là điều phù hợp với những nghĩa vụ của Philippines và Trung Quốc theo luật quốc tế”, ông Locsin nói.
“Chúng tôi kỷ niệm việc ban hành phán quyết như một cách đề cao pháp quyền, như một phương tiện để giải quyết tranh chấp một cách thân thiện...và đánh dấu rõ ràng ai mới là người sai khi khăng khăng những yêu sách đi ngược lại phán quyết”, ông nói.