Mỹ ngày càng thẳng thắn hơn với yêu sách phi lý của Trung Quốc ở Biển Đông

Hùng Cường |

Trung Quốc tập trận ở Biển Đông, hai nhóm tàu sân bay của Mỹ cũng có hoạt động diễn tập ở vùng biển này. Điều gì đang thực sự diễn ra ở đây?

Tờ Global Times trong một bài đăng trên Twitter viết rằng “bất kỳ hoạt động của tàu sân bay Mỹ trong khu vực là niềm vui cho PLA [Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc – ND]”.

Đáp lại, Hải quân Mỹ tweet rằng: “Chúng tôi vẫn ở đó, 2 tàu sân bay Mỹ vẫn rẽ sóng trên vùng biển quốc tế ở Biển Đông”.

Trung Quốc tuyên bố chủ quyền với gần như toàn bộ diện tích Biển Đông – một trong những tuyến giao thương hàng hải bận rộn và quan trọng bậc nhất trên thế giới. Yêu sách phi lý của Trung Quốc đã bị phán quyết hồi năm 2016 của Tòa trọng tài Quốc tế bác bỏ. Trong khi đó, Mỹ vẫn luôn khẳng định yêu cầu của Washington đối với quyền tự do hàng hải ở những vùng biển chiến lược quan trọng là không thay đổi.

Trung Quốc đã ngang nhiên bồi đắp các đá ở quần đảo Trường Sa [thuộc chủ quyền của Việt Nam – ND] thành các đảo nhân tạo, không ngừng quân sự hóa các tiền đồn ở Hoàng Sa và Trường Sa và thường xuyên tổ chức các cuộc tập trận hải quân quy mô lớn ở đó. Mới đây nhất, hồi đầu tháng này, Trung Quốc đã khởi động một cuộc tập trận ở Hoàng Sa .

Mỹ củng cố căn cứ trên Thái Bình Dương

Mỹ vừa qua đã cử hai nhóm tác chiến tàu sân bay đến Biển Đông. Các hình ảnh vệ tinh cũng tiết lộ việc Washington bắt đầu mở rộng và củng cố căn cứ trên một hòn đảo ở Thái Bình Dương.

Hình ảnh chụp từ vệ tinh của Planet Labs cho thấy hoạt động cải thiện cơ sở hạ tầng và nhiều công trình mới được xây trên đảo Wake – hòn đảo nằm giữa đảo Guam và Hawaii tạo thành một chuỗi các căn cứ không quân và hải quân nằm giữa Mỹ và châu Á.

Mỹ ngày càng thẳng thắn hơn với yêu sách phi lý của Trung Quốc ở Biển Đông - Ảnh 1.

Mỹ dường như đang củng cố các cơ sở trên đảo Wake. Ảnh: news.com.au.

Đảo Wake đã chứng kiến những trận chiến khốc liệt giữa Mỹ và Nhật Bản trong Thế chiến II. Nó được xem là một tiền đồn chiến lược – trạm dừng chân, bảo trì, bảo dưỡng và tiếp nhiên liệu giữa đại dương rộng lớn. Tầm quan trọng của nó được “hồi sinh” khi Triều Tiên và Trung Quốc đẩy căng thẳng ở châu Á theo hướng gia tăng đột biến.

Biên tập viên Tyler Rogoway của Drive nhận định, những bức ảnh vệ tinh được chụp vào khoảng tháng trước cho thấy đang có một số cải tạo lớn trên hòn đảo.

“Ngoài chức năng hậu cần, đảo Wake còn đóng vai trò cửa ngõ quan trọng do không còn một hòn đảo nào khác trong phạm vi hàng ngàn km quanh đó. Đảo Wake nằm ngoài tầm bắn của các tên lửa đạn đạo tầm trung của Trung Quốc và Triều Tiên”, ông Rogoway viết.

Trên đảo Wake có một đường băng dài 3km. Nó là điểm dừng chân cho máy bay quân sự và nó cũng chính là một sân bay cho các máy bay gặp sự cố có thể hạ cánh khẩn cấp.

Theo ông Rogoway, trong tình huống nổ ra xung đột lớn và diễn biến nhanh chóng, đảo Wake có thể trở thành điểm lùi quân của Mỹ. Hòn đảo có thể nhanh chóng được củng cố năng lực phòng thủ nhờ hệ thống phòng không tại chỗ hoặc trên chiến hạm gần đó, đồng thời được bảo vệ nhờ hệ thống tên lửa đánh chặn ở căn cứ Fort Greely, Alaska. Quân đội Mỹ cũng có thể biến đảo Wake thành điểm trung chuyển cho hoạt động của lực lượng không quân trong tình huống xung đột ở khu vực Thái Bình Dương.

Thông điệp Mỹ gửi đến Trung Quốc ngày càng rõ ràng hơn

Trong khi hai hàng không mẫu hạm là USS Nimitz và USS Ronald Reagan đang phô diễn công nghệ tiên tiến, kỹ năng và khả năng chiến đấu ở khu vực Biển Đông thì nhóm tác chiến tàu sân bay USS Theodore Roosevelt cũng có mặt ở Tây Thái Bình Dương. Hải quân Mỹ tuyên bố, sự hiện diện của các tàu sân bay này là để hỗ trợ một khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và rộng mở. Tuy nhiên, thông điệp ngầm được gửi đi lại khá rõ ràng.

Chuẩn đô đốc George Wikoff, chỉ huy nhóm tác chiến tàu sân bay số 5, dẫn đầu là tàu sân bay USS Ronald Reagan nói với Wall Street Journal: “Mục đich là thể hiện một thông điệp rõ ràng đến các đối tác và đồng minh của chúng tôi rằng chúng tôi cam kết đảm bảo an ninh và ổn định khu vực ”.

Những nỗ lực này khẳng định các cam kết lâu dài của Mỹ nhằm đứng về phía quyền lợi của tất cả các quốc gia được đi lại tự do trên biển, trên không và hoạt động ở bất kỳ nơi nào mà luật pháp quốc tế cho phép

Tuần trước, Bộ Quốc phòng Mỹ đã ra tuyên bố bày tỏ quan ngại về việc Trung Quốc diễn tập quân sự xung quanh quần đảo Hoàng Sa [thuộc chủ quyền hợp pháp của Việt Nam – ND] ở Biển Đông từ ngày 1/7 tới ngày 5/7.

Tuyên bố cho rằng các cuộc diễn tập quân sự của Trung Quốc là những diễn biến mới nhất trong một chuỗi các hành động của nước này nhằm khẳng định chủ quyền phi pháp trên biển và gây bất lợi cho các nước láng giềng Đông Nam Á ở Biển Đông.

Hành động của Trung Quốc đi ngược lại với lời hứa của nước này không quân sự hóa khu vực Biển Đông cũng như tầm nhìn của Mỹ về một khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương rộng và mở, nơi mọi quốc gia dù lớn và nhỏ đều được đảm bảo chủ quyền của họ, không bị ép buộc và có thể theo đuổi tăng trưởng kinh tế phù hợp với luật pháp và các qui tắc được cộng đồng quốc tế chấp nhận.

Có thể thấy, Mỹ đã ngày càng thẳng thắn hơn trước các yêu sách chủ quyền phi lý của Trung Quốc trong khu vực, nêu bật tính bất hợp pháp của các đảo nhân tạo, lên án việc Bắc Kinh quân sự hóa các đảo nhân tạo này với việc bố trí tên lửa, radar, máy bay trên đó. Nhiều nước đã bày tỏ quan ngại Trung Quốc có thể nhanh chóng triển khai máy bay chiến đấu và tàu từ các tiền đồn này để cản trở hoạt động hàng hải và hàng không của tuyến giao thương huyết mạch – nơi có 5.000 tỷ USD thương mại toàn cầu đi qua./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại