Tên lửa "mini Pantsir-S1 made in Vietnam" ra lò - Phòng không Việt Nam tiến bước

Bình Nguyên |

Hai chiến trường khốc liệt Syria và Libya cho thấy sự quan trọng đặc biệt của các tổ hợp phòng không tầm thấp. Việt Nam đã tính đến việc này từ lâu, và đang có bước tiến thần tốc.

Rút kinh nghiệm các cuộc xung đột trên thế giới

Trong những cuộc xung đột gần đây tại Syria, Libya và thậm chí cả ở Yemen-Saudi Arabia, việc sử dụng ồ ạt tên lửa hành trình và UAV bay thấp đột kích đã trở thành một chiến thuật mới, chứng minh hiệu quả rõ rệt. Bên phòng thủ luôn gặp rất nhiều khó khăn để đối phó với "bầy UAV" mà Thổ Nhĩ Kỳ hay lực lượng Houthi sử dụng.

Cụ thể, Thổ Nhĩ Kỳ đã tiên phong trong việc tung "bầy UAV" áp đảo phòng không Syria cũng như lực lượng Quân đội Quốc gia Libya (LNA) do tướng Haftar chỉ huy.

Với chiến thuật đỉnh cao, Thổ Nhĩ Kỳ đã gây nhiều tổn thất nặng nề cho đối phương không chỉ lực lượng lục quân (xe tăng, pháo binh) mà còn biến các tổ hợp phòng không hiện đại như Pantsir-S1 do Nga chế tạo vốn được mệnh danh là "sát thủ của UAV" từ kẻ đi săn trở thành con mồi.

Với kinh nghiệm hết sức phong phú khi đối đầu với Không quân Mỹ, siêu cường số 1 thế giới cũng như theo dõi cập nhật liên tục, học hỏi nghệ thuật tác chiến phòng không qua các cuộc xung đột gần đây, phòng không Việt Nam rất coi trọng xây dựng lưới lửa phòng không gồm nhiều tầng, nhiều lớp, vừa hỗ trợ vừa bảo vệ lẫn nhau.

Trong bối cảnh khả năng ngân sách hạn hẹp, vừa phải đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế vừa tăng cường năng lực phòng thủ trong điều kiện cho phép, Việt Nam đã có những bước đi phù hợp, trong đó có việc tăng cường mua sắm vũ khí phòng không hiện đại, bắt kịp xu hướng phát triển của khu vực và thế giới.

Trong những năm gần đây, với định hướng tiến thẳng lên hiện đại, Quân chủng Phòng không - Không quân đã được ưu tiên mua sắm một số loại vũ khí mới, tiên tiến từ các quốc gia có nền khoa học kỹ thuật quân sự hàng đầu thế giới như Nga, Israel, Ukraine,...

Tên lửa mini Pantsir-S1 made in Vietnam ra lò - Phòng không Việt Nam tiến bước - Ảnh 2.

UAV do Thổ Nhĩ Kỳ chế tạo bị tổ hợp pháo - tên lửa phòng không Pantsir-S1 tiêu diệt ở Libya..

Vũ khí "Made in Vietnam" đóng vai trò hết sức quan trọng

Theo Báo QĐND, hiện Quân chủng PK-KQ có trong tay một số vũ khí khá hiện đại như tiêm kích Su-30MK2, tên lửa phòng không S-300, tên lửa SPYDER; các loại radar 36D6M, RV-02, Kasta-2E2, ELM-2288ER,...

Tuy vậy, so với yêu cầu nhiệm vụ hết sức nặng nề là "bảo vệ bầu trời, không để Tổ quốc bị bất ngờ với các tình huống trên không", lực lượng phòng không Việt Nam còn cần phải được tiếp tục bổ sung nhiều loại vũ khí mới, trong đó các loại vũ khí phòng không tầm thấp tự chế tạo bởi công nghiệp quốc phòng (CNQP) Việt Nam đóng vai trò quan trọng. Nhằm:

Thứ nhất, duy trì và nâng cao sức chiến đấu của lực lượng phòng không ba thứ quân.

Khác với nhiều quốc gia từ lâu đã thẳng tay loại bỏ pháo phòng không thì Việt Nam vẫn duy trì lực lượng cao xạ nhiều tầng, nhiều lớp từ súng máy 12,7 - 14,5mm cho tới pháo phòng không 23 - 37 và 57mm được nâng cấp khí tài ngắm bắn điều khiển tự động, có khả năng tác chiến bất kể ngay hay đêm.

Tên lửa mini Pantsir-S1 made in Vietnam ra lò - Phòng không Việt Nam tiến bước - Ảnh 3.

Pháo phòng không ZSU-23-2 đặt lên xe cơ động do Viện cơ giới kỹ thuật quân sự nghiên cứu chế tạo. Ảnh: QPVN.

Tên lửa mini Pantsir-S1 made in Vietnam ra lò - Phòng không Việt Nam tiến bước - Ảnh 4.

Súng máy cao xạ 4 nòng ZPU-4 lên khung gầm xe tải Ural 6x6 để nâng cao tính cơ động. Ảnh: QĐND.

Nhờ vậy, ở bất cứ đâu, tại bất cứ thời điểm nào, lưới lửa phòng không tầm thấp của Việt Nam đều phát huy sức mạnh tổng hợp, vừa bảo vệ địa bàn được giao, vừa hỗ trợ, bảo vệ các đơn vị bạn, nhất là tên lửa và không quân.

Các nghiên cứu khoa học cho thấy, dù pháo cao xạ có những hạn chế nhất định nhưng nếu biết sử dụng hợp lý, chúng vẫn phát huy hiệu quả chiến đấu, đặc biệt là đánh các mục tiêu bay thấp, tốc độ chậm như tên lửa hành trình, UAV các loại, thậm chí cả máy bay chiến đấu phản lực siêu âm.

Tất nhiên, để các loại pháo phòng không phát huy hiệu quả thì mạng lưới radar cảnh giới đầu tư mạnh, nhất là các loại radar bắt thấp chuyên nhiệm.

Bên cạnh đó, các trạm quan sát cũng mắt phải được duy trì và bổ sung khí tài trinh sát thế hệ mới, có như vậy thì mới đủ sức phát hiện sớm, từ xa mọi loại mục tiêu, cung cấp tham số cho các đơn vị hỏa lực chuyển cấp sẵn sàng chiến đấu kịp thời, khai hỏa đúng lúc, không bị lỡ thời cơ.

Trong kháng chiến chống Mỹ, phòng không tầm thấp Việt Nam đã nhiều lần hạ đo ván máy bay chiến đấu của Không quân và Không quân Hải quân. Ngay như máy bay ném bom F-111 "cánh cụp cánh xòe" mà Mỹ vẫn luôn tự hào, có khả năng bay siêu thấp, bám địa hình, thuộc loại hiện đại nhất thế giới lúc bấy giờ cũng nhiều lần phải "ôm hận".

Thứ hai, nghiên cứu chế tạo nhiều loại vũ khí phòng không tầm thấp thế hệ mới, đáp ứng yêu cầu tác chiến hiện đại.

Khoa học kỹ thuật quân sự thế giới, đặc biệt trong lĩnh vực chế tạo máy bay, tên lửa và UAV, kể cả UAV siêu nhỏ (drone), đã có những bước phát triển như vũ bão, khi ta chưa đủ tiềm lực cũng như ngân sách để mua sắm, nhập khẩu các loại pháo - tên lửa phòng không hiện đại thì việc phát huy nội lực là hết sức quan trọng.

Các dự án nâng cấp pháo phòng không 23mm trên xe cơ giới, pháo 37mm đánh đêm tự động đã là những bước thay đổi căn bản, không những hồi sinh mà còn tạo ra sức mạnh mới cho những loại vũ khí tưởng như đã lỗi thời, biến chúng thành đối thủ đáng gờm trong chiến tranh hiện đại.

Đặc biệt hơn nữa, công nghiệp quốc phòng nước ta đã được đầu tư chiều sâu để chế tạo những loại vũ khí trang bị tương đối hiện đại, từng bước làm chủ công nghệ mới.

Tên lửa mini Pantsir-S1 made in Vietnam ra lò - Phòng không Việt Nam tiến bước - Ảnh 6.

Tổ hợp tên lửa phòng không tầm thấp cơ động do Việt Nam chế tạo. Ảnh: QPVN.

Gần đây Kênh QPVN đã đưa tin về một trong những thành tựu mới nhất và đáng tự hào đó là CNQP Việt Nam đã ứng dụng những thành tựu khoa học công nghệ mới để chế tạo thành công tổ hợp tên lửa phòng không tầm thấp A-72 cơ động nhanh, đáp ứng yêu cầu của tác chiến hiện đại.

Tên lửa mini Pantsir-S1 made in Vietnam ra lò - Phòng không Việt Nam tiến bước - Ảnh 7.

Trung tâm chỉ huy điều khiển của tổ hợp. Ảnh: QPVN.

Dự án do Quân chủng PK-KQ cùng Viện KHCN Quân sự phối hợp triển khai đáp ứng các yêu cầu về tự động hóa, đảm bảo hiệu suất hỏa lực cao, hợp nhất thông tin mục tiêu từ đầu tự dẫn tên lửa và khí tài quang điện tử cho phép bắn mục tiêu kích thước nhỏ bay thấp bám địa hình một cách chính xác tương tự như nhiệm vụ của tổ hợp Pantsir-S1 do Nga chế tạo.

Về tính năng của tên lửa A-72 (hoặc tới đây là tên lửa Igla-S tiên tiến hơn) không có gì thay đổi so với thiết kế nguyên bản, vẫn có thể vác vai phóng bình thường, tuy nhiên khi đưa ra xe thì chỉ cần thay đổi phần chuẩn bị phóng.

Tổ hợp có thể phóng được liên tiếp 4 quả với giãn cách phóng là nhỏ hơn 15 giây, tăng khả năng chống tập kích đường không ồ ạt.

Có thể nói để đạt được độ tinh xảo, chính xác và hiệu suất như sản phẩm chính hãng do Nga chế tạo thì các nhà khoa học Việt Nam sẽ còn phải phấn đấu nỗ lực và cần thêm nhiều thời gian nữa nhưng tổ hợp "mini Pantsir-S1 made in Vietnam" đã đặt nền móng quan trọng cho những bước phát triển thần tốc sau này.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại