Tính đánh vào dạ dày đối phương ở Syria, hóa ra Israel đã vô tình "nối giáo cho giặc"?

Hoài Giang |

Dù đã thực hiện hơn 300 cuộc không kích trong 9 năm, nhưng nỗ lực nói trên của Israel có thể sẽ "công cốc" khi Tehran vẫn không ngừng sản xuất vũ khí để đưa tới Syria.

Ngày 19/5/2020, trang The Alt World xuất bản bài viết "Israel strikes Syria to keep the USA in the Levant. 20 years after the unconditional Israeli withdrawal from Lebanon, what has been achieved?" (tạm dịch Israel không kích Syria để giữ người Mỹ ở lại vùng Levantine. Israel được gì sau 20 năm rút quân khỏi Lebanon?) của nhà phân tích Elijah Magnier.

Nhằm cung cấp cho độc giả một cái nhìn dưới lăng kính độc đáo, kết nối chuỗi sự kiện vẫn đang tiếp diễn liên quan tới xung đột giữa Israel và lực lượng Hezbollah, chiến sự Syria, căng thẳng giữa Mỹ - Israel và Iran, chúng tôi xin được lược dịch bài viết.

Ngậm đắng nuốt cay ở Lebanon, Israel tìm cách "đánh vào dạ dày đối phương" ở Syria

Kể từ sau khi cuộc cách mạng năm 1979 thành công tới nay, Tehran vẫn kiên định với quyết tâm không chịu khuất phục trước các áp lực của Mỹ và duy trì sự ủng hộ đối với các đồng minh ở Trung Đông, đặc biệt là chính phủ Syria và nhóm vũ trang Hezbollah ở Lebanon.

Ngược lại, Israel luôn tìm cách tiêu diệt Hezbollah, đồng minh mạnh nhất của Iran trong khu vực vì nhóm vũ trang này là trở ngại cho các kế hoạch bành trướng của Israel vào lãnh thổ Lebanon, buộc nhà cầm quyền ở Beirut phải ký một thỏa thuận đầu hàng vô điều kiện.

Cuộc chiến tranh Lebanon lần 2 vào năm 2006 đã chứng minh rằng, mặc dù vẫn tiếp tục là một trong những lực lượng quân sự hàng đầu Trung Đông, Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) cũng đã phải nếm trải "trái đắng" khi đánh giá thấp đối thủ.

Armin Rosen, nhà phân tích quốc phòng của tờ Business Insider đã nhận xét rằng cuộc chiến này "được biết đến một cách rộng rãi như là một trong những thất bại tồi tệ nhất trong lịch sử quân sự Israel".

Tính đánh vào dạ dày đối phương ở Syria, hóa ra Israel đã vô tình nối giáo cho giặc? - Ảnh 1.

Binh lính IDF trong Cuộc chiến tranh Lebanon lần 2 vào năm 2006.

Giới lãnh đạo của IDF cũng đã nhận ra rằng cách duy nhất để ngăn chặn đà lớn mạnh của Hezbollah không phải là một chiến dịch quân sự ở Lebanon mà là ngăn đường tiếp tế của Iran thông qua lãnh thổ Iraq và Syria.

Dĩ nhiên, điều đó chỉ có thể đạt được khi Tổng thống Syria Bashar al-Assad không còn tại vị, nhưng thực tế chiến sự Syria sau khi Nga quyết định bắt tay với Iran và can thiệp vào năm 2015 cho thấy hi vọng này của Israel cùng với Mỹ, EU, Thổ, Arab Saudi, Qatar, UAE đã sụp đổ.

Thất bại trong việc lật đổ chính phủ Syria và bao vây Hezbollah của Israel và Mỹ đã khiến nhóm vũ trang này có được vị thế mạnh mẽ hơn bao giờ hết.

Vào năm 2019, Bộ trưởng Quốc phòng Israel Naftali Bennet đưa ra bình luận: "Với mỗi đoàn xe bị chúng ta (IDF) tiêu diệt, chúng ta cũng đồng thời bỏ lỡ 5 đoàn xe. Hezbollah đang dần tích lũy khối lượng tên lửa khổng lồ uy hiếp chính chúng ta".

Khi cuộc chiến đã gần tàn, Tel Aviv phải cố duy trì cuộc xung đột ở Syria vì lo ngại rằng người Mỹ sẽ "buông tay". Quan điểm này giải thích tại sao các tiêm kích Israel vẫn tiếp tục không kích vào hàng trăm mục tiêu không có nhiều giá trị chiến lược của Iran ở Syria.

Tính đánh vào dạ dày đối phương ở Syria, hóa ra Israel đã vô tình nối giáo cho giặc? - Ảnh 2.

Bản đồ cho thấy các căn cứ của Iran ở Syria và các vị trí Israel đã xác nhận tiến hành không kích (Nguồn Statista).

Một nguồn tin trong lực lượng dân quân do Iran hậu thuẫn ở Syria cho biết rằng chỉ một ngày sau khi máy bay Israel tuyên bố phá hủy một mục tiêu ở Damascus, người Iran đã khôi phục hoạt động của nó.

Các cuộc không kích được đánh giá là một nỗ lực không mệt mỏi, nhưng không tạo ra bất kỳ khác biệt nào trong năng lực quân sự của đối phương

Bằng hơn 300 cuộc không kích trong 9 năm, Israel mới phá hủy được một phần các "kho vũ khí Iran" ở Syria, nhưng Tehran vẫn tiếp tục sản xuất và xuất khẩu số vũ khí không giới hạn tới Iraq, Syria và Lebanon.

Trước các cuộc không kích của Israel, Tổng thống Syria Bashar al-Assad chưa bao giờ nhắc tới việc Hezbollah phải rời khỏi Syria, ngược lại ông đã từng tuyên bố "Syria nợ Hezbollah. Bất cứ điều gì Hezbollah muốn, đó cũng sẽ là mong muốn của Syria".

Bằng cuộc chiến Syria, Mỹ và Israel đã tạo ra một liên minh không thể phá vỡ giữa Syria, Iran và Hezbollah.

Một đoạn phim tuyên truyền của IDF mô tả các mối đe dọa của Iran và đồng minh.

Mỹ & Israel vô tình "nối giáo cho giặc"?

Cuộc chiến ở Syria bắt đầu ngay sau vụ khủng bố 11/9/2001 khi Tướng Mỹ Wesley Clark tiết lộ kế hoạch tấn công Iraq, Syria, Lebanon, Libya, Somalia, Sudan và cuối cùng là Iran của Washington.

Cuộc xâm lược Iraq năm 2003 và quãng thời gian Mỹ chiếm đóng quốc gia này là một "bài học" cho chính Tổng thống Syria Bashar al-Assad, người lúc này còn chưa "ấm chỗ" và vẫn còn do dự khi chưa biết tương lai Syria sẽ "đi về đâu".

Hậu quả của việc gây bất ổn ở Syria chỉ có tác động duy nhất đó là cơ hội cho các nhóm cực đoan nở rộ và sự ra đời của các nhóm khủng bố nguy hiểm như tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) ở Syria.

Bên cạnh Nga-Iran, các tay súng Hezbollah đã "vai kề vai" với những người lính Syria trung thành với chính phủ Damascus để chống lại một liên minh khổng lồ các nước trong và ngoài khu vực.

Nhìn từ quan điểm của Hezbollah, cuộc chiến Syria không những không loại bỏ tuyến tiếp vận từ Iran mà còn cung cấp kinh nghiệm thực chiến cho nhóm vũ trang và tạo ra một "trục kháng chiến" từ Tehran - Baghdad - Damascus tới Beirut và Gaza, điều mà họ chưa bao giờ mơ tới.

Tính đánh vào dạ dày đối phương ở Syria, hóa ra Israel đã vô tình nối giáo cho giặc? - Ảnh 4.

Lực lượng chính phủ Syria, Lebanon và nhóm vũ trang Hezbollah trong một hoạt động quân sự chung nhằm vào các nhóm khủng bố ở biên giới hai nước năm 2017.

Vô hình chung, Israel đã "giúp" Hezbollah thu được kinh nghiệm xương máu trong cuộc chiến năm 2006 và khiến họ phải điều chỉnh chiến thuật trong 9 năm chiến tranh ở Syria.

Ở chiến trường Syria, Hezbollah có thể hoạt động trong một khu vực rộng gấp 10 lần lãnh thổ Lebanon và với nhiều điều kiện địa hình - khí hậu khác nhau, điều mà nhiều quân đội trên thế giới có muốn cũng không làm được.

Nói cách khác, IDF đã "dạy" cho kẻ thù cách đẩy lùi và triệt hạ mục tiêu của đối phương trong chiến tranh. Từ những kinh nghiệm thu được, Hezbollah đã tiến hành giảng dạy lại chúng một cách bài bản tại các trường huấn luyện quân sự của họ và các đồng minh.

Cựu Tổng tham mưu trưởng IDF Benny Gantz cay đắng nhận xét tại Hội nghị Herzliya vào năm 2014:

"Hezbollah đã trở thành một trong những đội quân phi chính quy mạnh nhất ở Trung Đông, và có khả năng áp đặt các quy tắc tham chiến và "trả đũa ngang bằng" với quân đội mạnh nhất Trung Đông (chỉ IDF).

Hiện chỉ 4 hoặc 5 quốc gia có hỏa lực mạnh hơn Hezbollah, đó là Mỹ, Nga, Trung Quốc, Pháp, Anh và Israel".

Tính đánh vào dạ dày đối phương ở Syria, hóa ra Israel đã vô tình nối giáo cho giặc? - Ảnh 6.

Không còn bị giới hạn trong khả năng tấn công bất kỳ mục tiêu nào trong lãnh thổ Israel, tên lửa của Hezbollah đã vươn tới hầu hết các mục tiêu ở Bán đảo Sinai Ai Cập, miền nam Thổ Nhĩ Kỳ và miền bắc Arab Saudi.

Các quan chức quân sự cao cấp của Israel đã đúng khi cho rằng Hezbollah đã thoát khỏi mô hình của một nhóm du kích thường đụng độ hoặc phục kích binh lính IDF và trở thành một lực lượng mạnh hơn quân đội của một số nước Trung Đông.

Ở chiến trường Syria và Iraq, Hezbollah đã tiếp cận với vũ khí, trang thiết bị và chiến thuật quân sự hiện đại và sẽ trở thành mối đe dọa ở cấp chiến lược với Israel nếu IDF quyết định tiến hành chiến tranh ở Lebanon và Syria.

Chiến thắng của Hezbollah ở Syria đã phải trả một giá khá đắt với hàng nghìn tay súng thiệt mạng và hàng nghìn người khác bị thương.

Tuy nhiên, những gì thu được "rất phong phú" và mang tính chiến lược đến nỗi người Shia hiện được hưởng nhiều quyền lực ở Levantine (khu vực bao gồm Iraq, Syria, Jordan và Lebanon) hơn cả trước khi Imam Ali bin Abi Talib bị ám sát*.

*Việc Imam Ali bin Abi Talib, một lãnh đạo được tôn trọng của cả người Sunni và người Shia bị ám sát vào năm 661 đã đánh dấu sự phân rã của Hồi giáo và dẫn tới những xung đột cho tới hiện đại giữa hai giáo phái.

Lực lượng đặc biệt của Hezbollah Lebanon (Iran hậu thuẫn) trong một cuộc phục kích thành viên IS tại Syria năm 2018.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại