Cả nhà tử vong vì ăn nhầm nấm độc: Chuyên gia giải thích vì sao ngộ độc nấm thường nặng

Ngọc Anh |

Hàng năm, các vụ ngộ độc do ăn phải nấm độc tại các tỉnh miền núi như Cao Bằng, Hà Giang, Thái Nguyên, Hòa Bình, Lai Châu… đều để lại hậu quả rất nặng nề.

Cả gia đình đều tử vong

Mới đây, một gia đình ở huyện Sơn Tây, Quảng Nam bị ngộ độc nấm sau khi hái nấm ở rừng về nấu ăn. Hậu quả là cả 3 người trong cùng 1 gia đình đều tử vong. Hai vợ chồng cùng người con dù chuyển ra BV Đà Nẵng điều trị nhưng người vợ tử vong. Ngày 8/5 đến 10/5 người chồng và người con cũng tử vong.

Ngày 28/3, tại thôn Khâu Mèng thuộc xã Thuận Hòa, huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang, ông Sùng Diêu Hồng (sinh năm 1966) là chủ hộ đã đi hái nấm về nấu ăn sáng cho cả gia đình cùng ăn.

Bữa ăn sáng gồm 4 người: ông Sùng Diêu Hồng, bà Thào Thị Vá (sinh năm 1970) là vợ ông Hồng; chị Ly Thị Pà (sinh năm 1995) là con dâu ông Hồng và anh Sùng Văn Hoàng (sinh năm 1990) là con trai ông Hồng.

Cả nhà tử vong vì ăn nhầm nấm độc: Chuyên gia giải thích vì sao ngộ độc nấm thường nặng - Ảnh 1.

Nạn nhân ngộ độc nấm

Hậu quả khiến cả gia đình bị ngộ độc nấm và nạn nhân duy nhất sống sót là ông Hồng. Cả bốn người trong gia đình ông Hồng ăn phải loại nấm gây ngộ độc chậm. Đây là loại nguy hiểm, thường gây chết người sau khi ăn chỉ một mũ nấm, do viêm gan nhiễm độc phá huỷ tế bào gan, suy gan cấp, dẫn đến hôn mê gan.

Trước đó, tại xã Bản Máy, huyện Hoàng Su Phì, tỉnh Hà Giang cũng xảy ra vụ việc 4 thành viên trong cùng một gia đình bị ngộ độc nấm không may qua đời gồm hai vợ chồng và hai người con. Dù bệnh nhân được đưa xuống Bệnh viện Nhi Trung ương và Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), nhưng do các bệnh nhân bị nhiễm độc quá nặng nên đã không qua khỏi vào ngày 20/4.

Thạc sĩ Nguyễn Trung Nguyên – Phụ trách Trung tâm chống độc Bệnh viện Bạch Mai chia sẻ, từ khi thành lập trung tâm Chống độc Bệnh viện Bạch Mai hầu như năm nào cũng ghi nhận các vụ ngộ độc nấm cả gia đình. Chất độc trong nấm độc nhất là Amatoxin. Đây là chất độc cực cao dẫn đến tình trạng khi ngộ độc có thể gây tử vong cho cả gia đình.

Thạc sĩ Nguyên cho biết, có những gia đình đưa vào cấp cứu thì cả nhà đều tử vong hoặc tử vong 50%. Vì ngộ độc nấm thường do cả nhà cùng ăn nên hậu quả vô cùng đau xót. Dù năm nào cũng tuyên truyền về chống độc nhưng năm nào cũng có các ca ngộ độc nấm xảy ra.

Vì sao ngộ độc nấm thường nặng?

TS Nguyễn Tiến Dũng, chuyên gia nghiên cứu về nấm, công tác tại Trung Tâm Chống độc Bệnh viện Bạch Mai cho biết khi làm các thí nghiệm về ngộ độc nấm trên thỏ từ các mẫu nấm mà nạn nhân ngộ độc nấm đã ăn thì thấy các tiêu bán gan, thận của thỏ bị chất độc tiêu huỷ rất kinh khủng. 

Điều này cũng lý giải vì sao các bệnh nhân bị ngộ độc nấm thường tử vong. Các loại nấm gây chết người chủ yếu là nấm có chứa chất độc Amatoxin.

Nhóm nấm xuất hiện triệu chứng chậm sau ăn khoảng 6 h thì đây là những ca ngộ độc rất nặng nó gây tổn thương gan, rối loạn đông máu, bệnh nhân hôn mê gan và tử vong do suy đa tạng dẫn tới tử vong cả nhà.

Cả nhà tử vong vì ăn nhầm nấm độc: Chuyên gia giải thích vì sao ngộ độc nấm thường nặng - Ảnh 2.

Ngộ độc nấm nguy hiểm thế nào?

Nhóm nấm thứ hai có chứa độc là nấm ô tán trắng phiến xanh. Nấm này ngộ độc nhẹ hơn, thường gây rối loạn tiêu hoá, xuất hiện ngộ độc sớm từ nửa giờ tới 3 tiếng. Những nấm tác dụng ngộ độc nhanh ít nguy hiểm hơn.

Năm 2014, một gia đình ở Thái Nguyên được đưa đến bệnh viện khi đó bệnh nhân tỉnh táo nhưng chỉ mấy ngày sau cả 5 thành viên bị hôn mê gan và tử vong hết cả nhà.

Ngộ độc nấm thường xảy ra theo mùa. Ở miền Bắc thường bị vào mùa xuân người dân hay đi rừng lấy nấm về ăn nhiều người tự tin rằng họ có thể xác định nấm độc hay không độc nhưng thực chất đều không đúng. Vì thế, TS Dũng khuyến cáo mọi người không nên ăn nấm mọc dại, đặc biệt nấm mọc sau mưa.

Theo khuyến cáo của trung tâm chống độc BV Bạch Mai, không nên ăn thử nấm hay cho gia súc, gia cầm ăn nấm sau đó người ăn. Các loại nấm độc kể cả sau khi đun nấu ở nhiệt độ 200 độ C, độc tố vẫn bền vững, không bị phá hủy.

Khi bị ngộ độc nấm, sơ cứu đầu tiên đó là gây nôn (nếu người bệnh không có biểu hiện nôn): Để hạn chế độc tố ngấm vào cơ thể, biện pháp sơ cứu đầu tiên nên làm là kích thích để người bị ngộ độc nôn những thức ăn trong dạ dày.

 Cho nạn nhân uống than hoạt: Liều 1 gram/kg cân nặng người bệnh. Cho uống đủ nước, tốt nhất là dùng oresol. Nhanh chóng đưa người bệnh đến cơ sở y tế gần nhất.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại