Nguy kịch vì uống 16 viên hạ sốt trong 4 ngày: BS khuyến cáo cách dùng đúng tránh ngộ độc

Ngọc Anh |

Thuốc Paracetamol là loại thuốc có trong tủ thuốc gia đình, tuy nhiên việc sử dụng thuốc hạ sốt cũng được quy định nghiêm ngặt, không phải sử dụng như thế nào cũng được.

Ngộ độc vì hạ sốt

Bệnh viện Nhi trung ương từng tiếp nhận một bệnh nhi T.V.D. (2 tuổi, ở thị trấn Thanh Sơn, huyện Thanh Sơn, Phú Thọ) có dấu hiệu ngộ độc Paracetamol do sử dụng quá liều.

Gia đình thấy cháu D. bị sốt cao, khò khè nên đã lấy viên thuốc có Paracetamol 500mg cho cháu uống. Điều nguy hiểm là gia đình cho bé uống với liều lượng 4 viên/ngày trong 4 ngày liên tiếp. Khi thấy bé lơ mơ, mệt lả, sốt cao, khó thở, tim nhanh gia đình mới đưa bé vào bệnh viện cấp cứu.

Khi vào viện, cháu bé đã bị khó thở, phổi thông khí, gan to. Các bác sĩ chẩn đoán bé bị suy hô hấp toan chuyển hoá nặng, viêm phổi, ngộ độc .

Sau khi được bác sĩ sơ cấp cứu ban đầu, bệnh nhi được chuyển lên khoa hồi sức tích cực - chống độc; tại đây, bệnh nhi được đặt ống nội khí quản, thở máy, rửa dạ dày, bù kiềm.

Nguy kịch vì uống 16 viên hạ sốt trong 4 ngày: BS khuyến cáo cách dùng đúng tránh ngộ độc - Ảnh 1.

Paracetamol có thể gây ngộ độc

Dù bác sĩ nỗ lực cấp cứu nhưng chỉ 2h sau bệnh nhi lại rơi vào hôn mê sâu, đồng tử 2 bên co nhỏ, phản xạ ánh sáng kém, tim nhịp nhanh, huyết áp tụt, triệu chứng suy gan cấp, rối loạn đông máu nặng, men gan tăng cao, bilirubin tăng cao.

Tiên lượng rất nặng và bệnh nhi phải ghép gan. Bệnh nhi sau đó đã được đưa xuống BV Nhi trung ương tiếp tục cấp cứu tích cực và chờ ngày ghép gan.

Trường hợp bệnh nhân T.M.Y. (34 tuổi) ở TP.Hạ Long, Quảng Ninh được gia đình đưa vào Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh cấp cứu trong tình trạng ý thức lơ mơ, tiếp xúc chậm, hành vi bất thường, mất định hướng, da, củng mạc mắt vàng đậm.

Trước đó chị Y. bị cảm cúm, tự mua và uống thuốc Paracetamol sau đó xuất hiện tình trạng trên. Bác sĩ đã chẩn đoán chị Y. bị suy gan cấp do ngộ độc Paracetamol, tình trạng rất nguy kịch, có thể tử vong bất cứ lúc nào.

Dùng paracetamol như thế nào?

Theo bác sĩ Trần Thị Kim Ngọc – Bệnh viện Medlatec, Paracetamol là thuốc có tác dụng hạ sốt, giảm đau, giảm nhức mỏi cơ,…Tùy theo từng trường hợp sử dụng Paracetamol với liều lượng khác nhau. Thời gian sử dụng mỗi lần cách nhau 4h.

Nếu dùng paracetamol không làm thuyên giảm triệu chứng hoặc xuất hiện những triệu chứng khác thì ngưng dùng, cần tới cơ sở y tế khám và điều trị.

Nguy kịch vì uống 16 viên hạ sốt trong 4 ngày: BS khuyến cáo cách dùng đúng tránh ngộ độc - Ảnh 2.

Bệnh nhân suy gan cấp vì sử dụng thuốc hạ sốt chữa Paracetamol

Cụ thể, bác sĩ Ngọc cho biết liều dùng Paracetamol, cụ thể tính theo cân nặng. Liều thông thường là 60mg/kg mỗi ngày, chia uống từ 4 - 6 lần, mỗi lần cách nhau 4 - 6 giờ (nghĩa là khoảng 10 - 15mg/kg mỗi lần uống). Liều tối đa sử dụng không quá 3g.

Hiện nay, các thuốc có chứa Pracetamol được chia theo các hàm lượng như sau:

Paracetamol 500mg

Có thể dạng viên nén, viên sủi bọt 500mg có thể dùng cho người lớn và trẻ em từ 12 tuổi trở lên.

Trẻ em 12 - 18 tuổi: Pha uống 1 viên sủi bọt 500mg Paracetamol vào cốc 100 - 200ml nước, uống mỗi 4 - 6 giờ để giảm triệu chứng sốt, đau. Tối đa mỗi ngày 6 viên sủi bọt.

Người lớn trên 18 tuổi: Pha uống 1 - 2 viên Paracetamol 500mg vào cốc nước 100 - 200ml nước mỗi 4 - 6 giờ để giảm triệu chứng sốt, đau. Tối đa mỗi ngày 8 viên loại Paracetamol 500mg.

Paracetamol 150 mg

Đây là thành phần dành cho trẻ em từ 6 tháng tuổi đến 2 tuổi (trọng lượng từ 8 - 12kg). Liều dùng khuyến cáo tính theo kg thể trọng, 10 - 15 mg/kg cách mỗi 4 - 6 giờ.

Như vậy, nếu con bạn nặng 10 kg, thì liều dùng Paracetamol 150 mg như sau:

10 kg x 15mg/kg = 150 mg (nghĩa là đặt 1 viên hậu môn Paracetamol 150mg mỗi lần, cách nhau 6 giờ).

Lưu ý không sử dụng Paracetamol 150mg đối với viên đặt hậu môn hãy đến bác sĩ để khám và được kê toa nhé.

Paracetamol 80 mg

Paracetamol 80 mg là thuốc dùng cho trẻ em từ 1 - 4 tháng tuổi (cân nặng từ 4 - 6kg). Liều khuyên dùng cũng tính theo kg thể trọng, 10 - 15 mg/kg cách mỗi 4 - 6 giờ.

Như vậy, nếu bé nặng 5kg, thì liều dùng tính như sau: 5kg x 15mg/kg = 75 mg (nghĩa là uống gói Efferalgan 80mg mỗi lần cách nhau 4 - 6 giờ).

Paracetamol 80mg cũng không được sử dụng trong trường hợp trẻ bị tiêu chảy đối với trường hợp dùng viên đặt hậu môn.

Liều lượng dùng cần tham khảo ý kiến bác sĩ với người bị suy gan, suy thận.

Ngoài ra, thuốc Paracetamol còn có một số dạng khác ít phổ biến hơn như: bột/viên sủi 250mg, bột/viên sủi 1000mg, viên đặt hậu môn (80mg, 150mg, 300mg),… Tùy từng loại bệnh cũng như đối tượng sử dụng, bác sĩ sẽ kê toa phù hợp, nhưng đều tính theo hàm lượng trên mỗi kg thể trọng.

Một số tác dụng phụ hay gặp khi sử dụng Paracetamol đó là bệnh nhân có dấu hiệu tăng tiết mồ hôi, chán ăn, tiêu chảy, nôn, buồn nôn, sưng, đau vùng bụng trên, đau dạ dày.

Bác sĩ Ngọc cho biết việc sử dụng Paracetamol liều cao có thể gây ngộ độc, với triệu chứng xuất hiện trong 24 giờ sau khi dùng như: nôn, buồn nôn, da tái, đổ mồ hôi, chán ăn, khó chịu.

Cần lưu ý khi sử dụng Paracetamol tránh dùng kết hợp các loại thuốc có chứa Paracetamol khác. Khi nghi ngờ ngộ độc do quá liều, cần mang theo Paracetamol và các loại thuốc đã dùng để bác sĩ kiểm tra.

Do thuốc có nguy cơ gây viêm gan cấp khi dùng quá liều, và có thể không đạt hiệu quả giảm triệu chứng khi liều thuốc chưa đúng. Do đó bạn cần tuân thủ liều thuốc của bác sĩ và thời gian khoảng cách dùng thuốc hoặc xem kỹ thông tin hướng dẫn dùng thuốc của nhà sản xuất ghi trên bao bì.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại