Bất ngờ về hiện tại của pháo thủ xe tăng 390 húc cổng Dinh Độc Lập có hỗn danh "Pháo To"

Đại tá Nguyễn Khắc Nguyệt |

Trong các thành viên kíp xe tăng 390, pháo thủ Ngô Sĩ Nguyên là người hay "nổ to" nhất. Chả thế, cánh cựu binh xe tăng đã đặt cho anh cái hỗn danh "Pháo To".

Không biết có phải do ảnh hưởng "bệnh nghề nghiệp" của người phụ trách điều khiển, ngắm bắn khẩu pháo 100 mm hay không mà trong các thành viên kíp xe tăng 390 húc đổ cổng Dinh Độc Lập trưa 30/04/1975, pháo thủ Ngô Sĩ Nguyên, quê Diễn Châu, Nghệ An là người hay "nổ to" nhất. Chả thế, cánh cựu binh xe tăng đã đặt cho anh cái hỗn danh "Pháo To".

Tuy nhiên, anh cũng là một người chồng, người cha hạnh phúc với người vợ đảm đang, với hai đứa con giỏi giang, hiếu thảo; người đồng đội nhiệt tình với anh em, đồng đội - nhất là với các "quê" Lính xe tăng.

Bất ngờ về hiện tại của pháo thủ xe tăng 390 húc cổng Dinh Độc Lập có hỗn danh Pháo To - Ảnh 1.

"Thuận vợ thuận chồng tát biển Đông cũng cạn"

Hình ảnh người ta nhớ nhất về chàng pháo thủ này là người tài xế xe lam lúc nào tay chân cũng lấm lem dầu mỡ, dáng vẻ đầy lam lũ nhưng cũng hết sức xởi lởi, chu đáo với khách hàng. Nhưng thực ra, đó chưa phải là thời gian khó nhất của đời anh.

Những ngày vất vả, cực nhọc nhất đối với Ngô Sĩ Nguyên là những ngày anh mới rời quân ngũ chuyển ngành về Xí nghiệp vận tải đường sông cơ. Lúc đó, cả nước đang gặp khó khăn, nền kinh tế rơi vào khủng hoảng.

Xí nghiệp ít việc, lương thấp, vợ con nheo nhóc. Để đảm bảo cuộc sống, Ngô Sĩ Nguyên đã làm thêm không từ một việc gì, từ bốc vác thuê đến bán trứng vịt lộn... Chắt chiu, tằn tiện đến khi mua được cái xe lam để chạy là đã có một bước tiến dài trong cuộc mưu sinh.

Được cái, phu nhân của Nguyên - cô quân y sĩ Bùi Thị Bé vừa đẹp người lại đẹp nết, vừa giói cả việc đơn vị lại vừa đảm việc nhà... Hai vợ chồng chung tay gánh vác, lèo lái con thuyền gia đình vượt qua mọi khó khăn không một lời than vãn. Đúng là "Thuận vợ thuận chồng tát biển Đông cũng cạn", cuộc đời đã không phụ công họ.

Bất ngờ về hiện tại của pháo thủ xe tăng 390 húc cổng Dinh Độc Lập có hỗn danh Pháo To - Ảnh 2.

Pháo thủ Ngô Sĩ Nguyên - Người chồng, người cha hạnh phúc; người đồng đội tuyệt vời.

Thế rồi, cái thời "bĩ cực" khốn khó cũng qua. "Pháo To" được nhận vào Công ty xe Bus. Sau mấy năm ôm vô- lăng ngang dọc khắp nẻo, anh được chuyển về bộ phận KCS của xưởng.

Trong thời gian này, hai vợ chồng quyết định đổi cái nhà cũ chật chội ở gần Cầu Mới lấy một mảnh đất xa trung tâm hơn nhưng dôi ra được một khoản tiền đủ xây cho mình một ngôi nhà theo ý muốn.

Cho đến nay, cả hai vợ chồng "Pháo To" đều đã nghỉ hưu và ngôi nhà của họ luôn rộng mở đối với anh em, đồng đội, con cháu. Mỗi dịp lễ, tết hay ngày nghỉ cuối tuần, ngôi nhà của họ luôn đầy ắp tiếng cười. Nhược điểm duy nhất của chủ nhà là mỗi khi gặp gỡ thường làm nhiều đồ ăn quá!

Bất ngờ về hiện tại của pháo thủ xe tăng 390 húc cổng Dinh Độc Lập có hỗn danh Pháo To - Ảnh 3.

Xe tăng 390 húc đổ cổng Dinh Độc Lập.

Người cha hạnh phúc

Trong những câu chuyện xung quanh sự kiện "phát hiện" ra xe tăng số 390 có một nhân vật cũng được nhớ tới và gây ấn tượng khá sâu sắc. Đó là cậu học sinh lớp 4 Trường Tiểu học Nguyễn Trãi đã cãi cô giáo mình về một chi tiết trong sách giáo khoa lịch sử: "Bố em bảo xe của bố em mới là xe húc cổng dinh Độc Lập".

Có thể nói, đó cũng là một "mảnh ghép" để tạo nên bức tranh hoàn chỉnh về xe tăng 390.

Cậu bé cãi cô giáo đó chính là Ngô Sĩ Thịnh- con trai của "Pháo To" Ngô Sĩ Nguyên. Vốn thông minh, hiếu động lại chịu khó mày mò, tìm hiểu nên Thịnh có học lực khá và rất tự tin, sẵn sàng đứng lên bảo vệ quan điểm của mình và câu chuyện cãi cô giáo chỉ là một ví dụ.

Năm học cuối cấp phổ thông, tự tin vào học lực của mình nên Thịnh đăng ký thi vào Học viện Quân y- một trường thuộc loại "top" trong các nhà trường Quân đội. Ngay năm đó, Thịnh đã trúng tuyển và trở thành học viên Khoa Dược của Học viện.

Bất ngờ về hiện tại của pháo thủ xe tăng 390 húc cổng Dinh Độc Lập có hỗn danh Pháo To - Ảnh 4.

Thành viên kíp xe tăng 390, pháo thủ Ngô Sĩ Nguyên cùng các đồng đội và bạn bè chụp ảnh lưu niệm trước tư gia.

Trong 6 năm học tập, tu nghiệp tại học viện Thịnh luôn là học viên tiên tiến, có kết quả học tập và rèn luyện tốt và được giao làm lớp phó. Vì vậy, khi ra trường cậu được phong quân hàm trung úy và được phân công công tác về Bệnh viện Y học cổ truyền quân đội- nơi mẹ cậu đã từng công tác.

Tại đây, Thịnh vừa làm tốt nhiệm vụ của mình vừa đăng ký đi học thêm ngoại ngữ và cao học. Sau mấy năm đèn sách, Thịnh giành được bằng thạc sĩ Dược học và chuyển công tác về Bệnh viện Quân y 354 của Bộ Quốc phòng. Hiện nay, Thịnh đang là Thiếu tá, Phó Chủ nhiệm Khoa Dược của bệnh viện và đang tiếp tục làm nghiên cứu sinh tiến sĩ.

Nhưng có lẽ cái mà cậu con trai làm cho vợ chồng "Pháo To" phấn khởi nhất là mặc dù bận bịu công tác, học tập song cậu vẫn không quên xây dựng gia đình và đã kịp hạ sinh cho ông bà hai đứa cháu nội, một trai một gái thông minh, dĩnh ngộ cực kỳ dễ thương.

Người con thứ hai của cặp vợ chồng "Pháo To" là con gái. Cháu tên là Ngô Thị Ngọc Hân, thường được các bác các chú cựu chiến binh lính xe tăng cưng nựng là công chúa Ngọc Hân.

Ngọc Hân xinh xắn, chăm ngoan, học khá nên cháu rất được thày cô và bạn bè yêu quý. Tốt nghiệp phổ thông, cháu thi vào Trường Trung cấp Quân y nối nghiệp của mẹ. Ra trường, cháu cũng được điều về công tác tại Bệnh viện Y học cổ truyền quân đội.

Cô công chúa nhỏ ngày nào ngày càng xinh xắn và nết na đã lọt vào mắt xanh chàng kỹ sư Công nghệ thông tin tài năng Đinh Quang Mạnh và họ đã thành vợ chồng, mấy năm sau sinh cho ông bà ngoại hai đứa cháu trai rất dễ thương.

Năm 2017, chồng cháu được một Trường Đại học ở Sydney nước Úc mời sang làm việc với chế độ đặc biệt - được đưa cả vợ con sang Úc. Vậy là cô công chúa Ngọc Hân của gia đình "Pháo To" cùng hai con nhỏ lên đường xuất ngoại cùng chồng.

Kết quả là chỉ khổ cho vợ chồng "Pháo To" thỉnh thoảng lại phải "chia lìa" để sang trông cháu.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại