Vì sao Tòa án nhân dân tối cao chọn tượng vua Lý Thái Tông làm biểu tượng công lý?

Hoàng Đan |

Theo ông Hùng, đến nay đã có 3 mẫu phác thảo tượng vua Lý Thái Tông - nhân vật lọc sử tiêu biểu trong hoạt động xét xử được lựa chọn để gửi đi tòa án các cấp lấy ý kiến.

82% ý kiến cán bộ, công chức trong ngành Tòa án đã lựa chọn vua Lý Thái Tông

Tòa án nhân dân tối cao đang tổ chức lấy ý kiến của Tòa án nhân các cấp về lựa chọn mẫu phác thảo tượng vua Lý Thái Tông để đặt tại trụ sở TAND Tối cao, trụ sở tòa án quân sự và TAND các cấp.

Trước đó, Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao đã thống nhất tôn vinh hoàng đế Lý Thái Tông là nhân vật biểu tượng của công lý và hoạt động xét xử. Tuy nhiên, đang có nhiều ý kiến khác nhau, thể hiện sự băn khoăn về việc này.

Liên quan đến vấn đề này, trao đổi với PV, ông Ngô Tiến Hùng, Chánh Văn phòng, người phát ngôn của Tòa án nhân dân tối cao cho biết, đã theo dõi các ý kiến khác nhau của dư luận, báo chí và sẽ tổng hợp, nghiên cứu tiếp thu đầy đủ các ý kiến để báo cáo Hội đồng Nghệ thuật xây dựng tượng Vua Lý Thái Tông để xem xét, quyết định.

Vì sao Tòa án nhân dân tối cao chọn tượng vua Lý Thái Tông làm biểu tượng công lý? - Ảnh 1.

Theo ông Hùng, việc lựa chọn nhân vật lịch sử tiêu biểu trong hoạt động xét xử của Việt Nam đã được triển khai thực hiện từ 2 năm trước.

TAND tối cao cũng đã phối hợp với Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học với sự tham dự của các chuyên gia, nhà khoa học đến từ các đơn vị nghiên cứu lịch sử và nhiều nhà khoa học có uy tín.

Tại đây, 75% các chuyên gia, nhà sử học, nhà khoa học lựa chọn Vua Lý Thái Tông là nhân vật lịch sử tiêu biểu trong hoạt động xét xử của Việt Nam.

Trên cơ sở đó, TAND tối cao đã tổ chức lấy ý kiến của cán bộ, công chức, viên chức trong hệ thống TAND đối với các nhân vật lịch sử. Kết quả, 82% ý kiến đã lựa chọn vua Lý Thái Tông là nhân vật lịch sử tiêu biểu trong hoạt động xét xử của Việt Nam.

TAND tối cao đã ban hành văn bản xin ý kiến các cơ quan Ban, ngành Trung ương và đã nhận được ý kiến đồng thuận cao của các cơ quan này.

Do đó, Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao thống nhất đề xuất lựa chọn vua Lý Thái Tông là nhân vật lịch sử tiêu biểu trong hoạt động xét xử. Sau đó Ban Chỉ đạo xây dựng nhân vật lịch sử tiêu biểu đã họp và bỏ phiếu nhất trí lựa chọn vua Lý Thái Tông.

Ông Hùng cũng lý giải, thực tế trên thế giới có gần 100 nước đã lựa chọn biểu tượng công lý, trong đó nhiều nước lựa chọn các vị vua làm biểu tượng công lý.

Việc TAND tối cao lựa chọn nhân vật lịch sử tiêu biểu trong hoạt động xét xử bảo đảm tính khách quan, thận trọng, có ý nghĩa, tác dụng khẳng định truyền thống thượng tôn pháp luật đã có từ lâu đời.

Biểu tượng đồng thời nhằm tôn vinh những cống hiến của bậc tiền nhân là vị vua anh minh đã đóng góp vào trị vì đất nước, đóng góp vào hoạt động lập pháp và xét xử; giáo dục tinh thần thượng tôn pháp luật trong nhân dân, đội ngũ tiến hành tố tụng.

Cũng theo ông Hùng, Hội đồng Nghệ thuật xây dựng tượng vua Lý Thái Tông đã mời nhà điêu khắc phác thảo các mẫu tượng và đến nay đã có 3 mẫu phác thảo được lựa chọn để gửi đi Tòa án các cấp lấy ý kiến.

Kết quả lấy ý kiến sẽ được tổng hợp báo cáo Hội đồng Nghệ thuật xem xét, quyết định trong thời gian tới.

Tượng sẽ được đặt tại trụ sở Tòa tối cao mới

Về ý kiến dư luận cho rằng việc dựng tượng vua Lý Thái Tông trong toàn hệ thống TAND sẽ gây ra sự hạn chế, tốn kém, ông Hùng cho hay, sau khi Hội đồng Nghệ thuật lựa chọn mẫu tượng, bức tượng được đặt tại Quảng trường Công lý - thuộc dự án Trụ sở TAND tối cao mới (số 43 Hai Bà Trưng, TP Hà Nội).

Thiết kế và kinh phí xây dựng tượng nằm trong gói dự án xây dựng trụ sở TAND tối cao đã được các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.

Hiện nay, một số tòa án địa phương có đề xuất xây dựng tượng tại trụ sở nhưng TAND tối cao không có chủ trương.

Ông Hùng nhấn mạnh, việc lựa chọn vua Lý Thái Tông để xây dựng tượng đặt tại trụ sở mới của Tòa án nhân dân tối cao đã bảo đảm các quy định tại Nghị định số 113 của Chính phủ về hoạt động mỹ thuật.

Bên cạnh đó, việc dựng tượng vua Lý Thái Tông tại trụ sở TAND tối cao nằm trong khuôn viên của trụ sở cũ (số 48 Lý Thường Kiệt, Hà Nội) đã được xếp hạng là Di tích Kiến trúc - Nghệ thuật cấp Quốc gia sẽ là công trình không chỉ có ý nghĩa quan trọng về mặt kiến trúc, nghệ thuật, mà còn góp phần thể hiện tầm vóc, sự uy nghiêm của cơ quan tư pháp cao nhất.

Vua Lý Thái Tông tên thật là Lý Phật Mã là vị hoàng thế thứ hai của triều đại Nhà Lý, con trưởng của vua Lý Thải Tổ.

Ông cai trị đất nước trong 26 năm (1028 - 1054), đưa đất nước bước vào thời kỳ hoàng kim, thái bình, thịnh trị và trở thành tấm gương bảo vệ công lý tiêu biểu nhất trong thời đại quân chủ Việt Nam.

GS Sử học Lê Văn Lan cho rằng, đây là vị vua có nhiều công lao đặt nền móng xây dựng hệ thống luật pháp, xét xử công minh, chính trực.

Bộ luật Hình thư năm 1042 được vua Lý Thái Tông ban hành xem là bộ luật đầu tiên trong lịch sử Việt Nam. Việc ban hành bộ luật Hình thư được đánh giá là một cột mốc quan trọng trong lịch sử lập pháp nước ta.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại