Vụ bệnh nhân 254 khiến cả BV Thận Hà Nội phải cách ly: PGĐ BV Bạch Mai cảnh báo

Ngọc Anh |

Theo TS Dương Đức Hùng, bệnh nhân chay thận có đặc thù sống cộng đồng có thể ở khu trọ đông người, làm các nghề khác kiếm sống và khi có 1 người mắc sẽ vô cùng nguy hiểm.


Theo thông tin Bộ Y tế công bố, trong tổng số 255 bệnh nhân nhiễm Covid-19 thì trường hợp bệnh nhân 254 là bệnh nhân bị suy thận mãn tính phải lọc máu chu kỳ tại Bệnh viện Thận Hà Nội.

Bệnh nhân 254 là bệnh nhân tiếp xúc gần với bệnh nhân 243. Nam bệnh nhân 254 đã đến Bệnh viện Thận Hà Nội chạy thận lúc sáng 9/4, chiều cùng ngày Bộ Y tế công bố bệnh nhân này dương tính với Sars-CoV-2. Người đàn ông 51 tuổi này trú ở thôn Hạ Lôi, huyện Mê Linh, Hà Nội.

Mặc dù Sở Y tế Hà Nội đã rà soát và cách ly toàn bộ Bệnh viện Thận Hà Nội. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Hà Nội đã có lấy mẫu nhân viên y tế, bệnh nhân người có tiếp xúc với bệnh nhân số 254.

Đến sáng 10/4, tất cả 158 mẫu xét nghiệm các trường hợp liên quan bệnh nhân 254 chạy thận tại Bệnh viện Thận Hà Nội gồm 45 trường hợp F1 (28 nhân viên y tế và 17 bệnh nhân) và 113 trường hợp F2 đã cho kết quả âm tính lần 1.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia y tế với những bệnh nhân mắc bệnh thận phải chạy thận mãn tính là những người có nguy cơ mắc Covid-19 rất cao.

TS Dương Đức Hùng – Phó Giám đốc BV Bạch Mai Hà Nội cho biết hiện nay các xóm chạy thận ở Hà Nội cần được bảo vệ và khoanh vùng lại.

Vụ bệnh nhân 254 khiến cả BV Thận Hà Nội phải cách ly: PGĐ BV Bạch Mai cảnh báo - Ảnh 1.

Bệnh viện Thận Hà Nội nơi bệnh nhân 254 đến lọc máu buổi sáng, buổi chiều Bộ Y tế cống bố dương tính với Covid-19

Hầu như bệnh nhân chạy thận thường ở lại Hà Nội chạy chu kỳ. Họ thường sống trong cộng đồng, khi đến bệnh viện chạy thận xong lại về nhà trọ.

Những người có sức khoẻ tốt hơn thì có thể làm các công việc khác để kiếm thêm thu nhập như bảo vệ, xe ôm, bán hàng thuê, bán trà đá…Những bệnh nhân trong xóm chạy thận thường ở cùng nhau và toả đi các bệnh viện. Có bệnh nhân chạy thận ở BV Bạch Mai, có bệnh nhân ra Thanh Nhàn. BV Thận Hà Nội, Bệnh viện Giao thông. 

Đây thực sự là nguồn lây nguy hiểm cho các bệnh viện. Họ sống cộng đồng như nhân viên của công ty Trường Sinh. Khi tiếp xúc với những nguồn lây nhiễm họ không biết và vô tình đưa dịch tới các bệnh viện khác.

TS Hùng cho biết, từ trường hợp bệnh nhân 254, lúc này ngành y tế và Hà Nội cần đặt ra việc làm thế nào để giám sát, quản lý bệnh nhân chạy thận.

PGS Trần Đắc Phu – nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết hiện nay bệnh nhân ngoài cộng đồng như bệnh nhân 243 và 254 là rất nguy hiểm vì tiếp xúc với nhiều người.

Với bệnh nhân suy thận mãn là bệnh có bệnh lý nền khi mắc Covid-19 nữa sẽ rất nguy hiểm, bệnh có thể trở nặng. Thể trạng miễn dịch kém cũng là nguy cơ các bệnh nhân chạy thận nhân tạo dễ mắc hơn nên tiếp xúc với nguồn lây.

Hiện nay, các khu vực có người chạy thận thuê trọ chỉ được xóm chạy thận ở Lê Thanh Nghị đã được BV Bạch Mai quản lý. Các xóm chạy thận khác chưa được thông báo và quản lý. Ông Phu cho rằng ngành y tế Hà Nội vẫn đang rà soát.

PGS Phu cho biết, hiện tại các ca bệnh chủ yếu ngoài cộng đồng và trong thời gian sắp tới cũng sẽ theo xu hướng có ca bệnh ngoài cộng đồng vì Việt Nam đã cách ly những người nhập cảnh và hiện tại những người sống ở nước ngoài cũng không còn về nhiều.

Với trường hợp bệnh nhân 254, ông Phu cho biết theo báo cáo của Hà Nội thì hiện tại đã sàng lọc những người tiếp xúc với bệnh nhân 254 tại BV Thận Hà Nội và các trường hợp tiếp xúc gần khác.

Hiện nay, ổ dịch ở Buddha và công ty Trường Sinh đã tạm ổn, chỉ còn lo ổ dịch ở thôn Hạ Lôi, xã Mê Linh, huyện Mê Linh, Hà Nội. Ông Phu cho rằng tình trạng người dân đang chủ quan ra đường quá nhiều không đảm bảo được cách ly xã hội là rất nguy hiểm.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại