Sốc với dàn tiêm kích MiG tung hoành ở đơn vị siêu bí mật của Không quân Mỹ

Bình Nguyên |

Căn cứ tuyệt mật của Không quân Mỹ ở vùng sa mạc Nevada từng nhiều năm là đại bản doanh của một phi đội bí mật, nơi huấn luyện các phi công Mỹ để đánh thắng tiêm kích MiG của Nga.

Theo đó, trong bài trả lời phỏng vấn với hãng tin Sputnik (Nga), một cựu chỉ huy Không quân Mỹ đã tiết lộ rằng tại vùng sa mạc Nevada có một căn cứ Không quân Mỹ tuyệt mật là nơi từng nhiều năm là đại bản doanh của một phi đội tiêm kích bí mật có nhiệm vụ huấn luyện các phi công chiến đấu Mỹ nhằm đánh thắng các tiêm kích MiG của Nga.

Cựu Đại tá Không quân Mỹ John Manclark, là chỉ huy đơn vị bí mật này trong giai đoạn từ năm 1985 tới năm 1987 cho biết ông không được quyền tiết lộ về việc họ làm cách nào để "xử lý" các chiến đấu cơ do Liên Xô chế tạo cũng như những gì đã diễn ra tại căn cứ tuyệt mật được biết tới dưới cái tên "Vùng 51".

Ngày 01/04 vừa qua đã đánh dấu 43 năm kể từ khi thành lập Phi đội Đánh giá và thử nghiệm số 4477 mang mật danh "Đại bàng Đỏ", chỉ 2 năm sau khi cuộc Chiến tranh Việt Nam kết thúc.

Đơn vị này đã hoạt động liên tục cho tới ngày 04/03/1988 và huấn luyện cho hàng nghìn phi công Mỹ về kinh nghiệm khi đối đầu với các dòng tiêm kích MiG-17, MiG-21, MiG-23 cùng một số phiên bản của chúng do Trung Quốc sản xuất.

Huyền bí bên trong sự bí ẩn

Chương trình huấn luyện phi công đặc biệt hay còn được biết đến dưới cái tên "Constant Peg", đã được tổ chức tại căn cứ Không quân Tonopah, cách không xa khu vực tuyệt mật Area 51, ở phía Bắc Las Vegas.

"Nhiệm vụ của đơn vị là huấn luyện các phi công tiêm kích để đánh bại những dòng chiến đấu cơ MiG của Nga. Có nghĩa là, khi tôi nói MiG của Nga có nghĩa là tất cả những phi công bay trên MiG, không phải chỉ là mỗi phi công Nga nói riêng", Đại tá Manclark cho biết.

Cho tới tận năm 2006, chương trình này vẫn còn nằm trong danh sách bảo mật. Chỉ một số ít người được phép tiếp cận thông tin, còn phi công từng tham gia chương trình thì bị cấm tuyệt đối, không được nói về nó.

"Tôi không có cấp trên, những người hiểu về công việc chúng tôi đang làm. Tôi chỉ huy 200 người và 17 phi công. Và không ai giúp chúng tôi trong việc liệu các máy bay có bay được hay không hoặc chúng tôi có thể làm gì với chúng. Các máy bay này là của riêng chúng tôi", Đại tá Manclark nói.

Đa số các phi công là những giáo viên bay giàu kinh nghiệm có cấp bậc từ Thiếu tá trở lên. Có 3 người trong số họ đã tốt nghiệp Chương trình Đào tạo giáo viên chiến thuật không chiến của Hải quân mà chúng ta biết tới dưới cái tên hết sức nổi tiếng TOPGUN.

Tất cả các giáo viên bay đều là những người tình nguyện, họ biết rất rõ về những rủi ro phải đối mặt. Đơn vị này đã có chừng 100 tai nạn xảy ra đối với mỗi 100.000 giờ bay, gấp khoảng 25 lần so với mức trung bình của Không quân Mỹ tại thời điểm đó, theo lời vị Đại tá.

Phi đội đã huấn luyện cho khoảng 7.000 phi công Mỹ về cách đối mặt với nhiều loại tiêm kích Liên Xô cùng các biến thể của chúng do Trung Quốc chế tạo.

"Khi tôi công tác tại đó, có tất cả 26 chiếc MiG tất cả, gồm 10 MiG-23 và 16 MiG-21. Cho đến lúc chương trình kết thúc, chúng tôi loại biên một số chiếc MiG-21 cũ nhưng lại nhận được các tiêm kích F-7 Trung Quốc, đó là phiên bản MiG-21 do Trung Quốc chế tạo. Chúng là những máy bay mới cứng, trong tình trạng tốt", ông nói.

Sốc với dàn tiêm kích MiG tung hoành ở đơn vị siêu bí mật của Không quân Mỹ - Ảnh 2.

Tiêm kích F-4 Mỹ đối mặt với MiG-21 Không quân Việt Nam. Ảnh đồ họa.

Phương pháp huấn luyện

Một khóa huấn luyện thường kéo dài trong vòng 7 ngày và bao gồm 5 chiến đấu cơ "quân xanh" với 3 chiếc MiG-21 và 2 chiếc MiG-23.

"Khi bắt đầu buổi học vào thứ Hai, chúng tôi họp với họ, sau đó bắt đầu bay cùng nhau. Và buổi đầu tiên bạn (ý là các giáo viên bay) có thể đánh bại họ, nhưng tới thứ Sáu thì khó đấy, nếu họ tiếp thu được kinh nghiệm". Đại tá Manclark nói.

Ý tưởng ở đây là nếu họ không lắng nghe và để thua trong trận không chiến thì khi bình bay họ phải nói với các giáo viên bay kèm về kinh nghiệm "thực chiến bẽ mặt" của cá nhân mình để đảm bảo rằng lần sau không lặp lại nữa.

"Bạn có thể nói với một đứa trẻ rằng 'Đừng để giảm tốc khi đánh quần với 1 chiếc MiG-21 bởi vì đối phương có thể bắn hạ bạn nếu bạn giảm tốc... Nhưng anh ta cũng thường luôn nghĩ rằng mình là phi công đỉnh nhất thế giới.

Và khi anh ta vào tầm, giảm tốc rồi tăng tốc và bị đánh bại và phải nói với các đồng đội rằng mình đã bị đánh bại như thế nào, điều đó in hằn trong đầu anh ta và sau đó sẽ không bao giờ lặp lại điều đó một lần nữa. Đó chính là phương pháp huấn luyện mà chúng tôi tiến hành ở đó", ông chia sẻ.

"Chúng tôi tin rằng điều đó đáng giá. Sau chiến tranh Việt Nam, chúng tôi đã không mất thêm bất kỳ chiếc máy bay nào trong không chiến. Nhưng chương trình vẫn phải tiến hành bởi vì có nhiều loại tiêm kích thế hệ mới, được trang bị tên lửa tốt hơn và phi công đối phương được đào tạo tốt hơn. Đó là lý do cốt tử", ông nói.

Bài học kinh nghiệm

Đại tá Manclark nói ông đã bay tổng cộng 301 lần chuyến trên tiêm kích MiG-21. Bốn chuyến trong số đó là để làm quen và đánh giá về dòng chiến đấu cơ này, những chuyến còn lại là làm "quân xanh" trong không chiến.

Chúng tôi không có các thiết bị bay mô phỏng (buồng tập) còn tài liệu hướng dẫn bay MiG rất hạn chế. Một phi công phải nghiên cứu nó trên mặt đất trong vòng 2 ngày, trước khi bắt đầu một vòng huấn luyện.

"Điểm mấu chốt là MiG cũng giống như các loại chiến đấu cơ khác. Bạn không biết nhiều về chúng. Bạn có 5 chuyến bay và qua đó để làm quen các tính năng của nó. Nếu bạn là một giáo viên huấn luyện không chiến giàu kinh nghiệm".

Buồng điều khiển của tiêm kích Nga không được dán nhãn, nhưng với phiên bản của Trung Quốc thì có.

"Trên chiếc tiêm kích MiG-21 có 8 công tắc "ngu ngốc" mà tôi buộc phải biết về chúng. Tất cả những công tắc còn lại tôi không hiểu có công dụng gì và tôi không lãng phí thời gian, mặc kệ chúng", Đại tá Manclark thừa nhận.

Ông tiết lộ, đã có vài cuốn sổ tay hướng dẫn mà họ nhận được từ các điệp viên.

"Các điệp viên đã tiếp cận được những cuốn sổ tay hướng dẫn này, chụp ảnh rồi dịch bằng máy tính, điều đó chẳng có ý nghĩa gì".

Rủi ro và thách thức

Buồng điều khiển của một chiếc tiêm kích MiG Liên Xô dường như rất dễ làm chủ, nhưng mỗi phiên bản lại có điểm mạnh và điểm yếu riêng.

"Mỗi máy bay có những vấn đề, cũng giống như các chiến đấu cơ của chúng ta vậy. Tiêm kích MiG-21 có vấn đề lớn là nếu bạn tăng lực thì mất một khoảng thời gian chờ nhất định để động cơ sản sinh lực", Đại tá Manclark nói.

Dòng tiêm kích này phải mất từ 15 tới 20 giây để đạt đủ lực, và trong tình huống diễn biến nhanh, phức tạp có thể khiến phi công trả giá bằng mạng sống.

MiG-21 đã chứng minh được tính ưu việt trong không chiến, vị Đại tá Không quân Mỹ nói khi so sánh kinh nghiệm bay trên MiG-23, rõ ràng dòng tiêm kích "cánh cụp, cánh xòe" đầu tiên của Liên Xô kém hiệu quả hơn.

Sốc với dàn tiêm kích MiG tung hoành ở đơn vị siêu bí mật của Không quân Mỹ - Ảnh 4.

Tiêm kích MiG-23 của Không quân Liên Xô.

"Đó là một chiếc máy bay rất khó giữ thăng bằng. Rất nhanh và nhanh hơn bất cứ dòng máy bay nào mà chúng tôi có, nhưng nó cực kỳ khó ổn định. Nó rất dễ bị mất lái, mất điều khiển và rơi vào trạng thái xoáy ốc. Chẳng ai thích nó. Các phi công không thích bay cùng nó. Họ không muốn bay trên nó. Nhưng cuối cùng thì cũng OK, ý tôi là chúng tôi đã hiểu về nó".

Các động cơ của MiG-23 đòi hỏi rất nhiều thời gian bảo dưỡng.

"Trong một ngày thời tiết tốt, tôi may mắn có thể thực hiện được 4 hoặc 5 chuyến trong tổng số 10 chuyến của ban bay", Đại tá Manclark nói.

Phi đội đã có một số vụ tai nạn chết người. Một chiếc MiG-17 đâm xuống đất năm 1979, giết chết phi công sau khi mất điều khiển. Một chiếc MiG-23 rơi vào năm 1982, giết chết bạn thân của Manclark là Mark Postai.

Ngoài ra cũng có các vụ rơi 1 tiêm kích F-7 Trung Quốc, 1 MiG-23 và tiếp đó là 1 chiếc MiG-23 nữa, nhưng may mắn là các phi công kịp nhảy dù thoát nạn.

Sốc với dàn tiêm kích MiG tung hoành ở đơn vị siêu bí mật của Không quân Mỹ - Ảnh 5.

Tiêm kích F-4 Mỹ bị MiG-21 Không quân Việt Nam bắn hạ. Ảnh đồ họa.

Phụ tùng thay thế

Các thợ kỹ thuật của phi đội luôn đau đầu trong việc tìm kiếm, tích trữ phụ tùng thay thế nhiều nhất có thể. Những chiếc máy bay cần phải có đồng hồ tốc độ, đo cao và hệ thống cấp khí oxy mới. Đặc biệt là tìm phụ tùng chính gốc cho MiG-23 khó gấp bội so với MiG-21.

"Chúng tôi luôn cần phụ tùng, chúng tôi thiếu động cơ MiG-23. Hãng General Electric đã xắn tay vào giúp, họ bảo dưỡng chúng, nói chung là làm tất cả", ông Manclark cho biết.

Vải bọc ghế dù khẩn cấp và liều phóng để đẩy ghế ra khỏi máy bay được thay thế 3 năm 1 lần. Một số phụ tùng được chế tạo ngay tại căn cứ, trong khi nhiều phần khác được đặt làm ngoài".

"Chúng tôi lấy má phanh bị mòn đưa cho nhà sản xuất và ông ta làm ra sản phẩm tương tự", ông Manclark nhớ lại.

Các nỗ lực khác đối với dự trữ động cơ đã thành công hơn.

"Khi tôi công tác ở đó, Cơ quan tình báo Trung ương Mỹ (CIA) đã chuyển cho tôi một cơ cấu phóng mồi bẫy. Họ "lượm" được nó từ Afghanistan. Họ đã mang về cho tôi cùng một số quả mồi bẫy nhiệt. Tôi chuyển tiếp cho các thợ bảo dưỡng. Bốn giờ sau đó họ đã lắp nó lên 1 chiếc MiG-21 đang hoạt động".

Sốc với dàn tiêm kích MiG tung hoành ở đơn vị siêu bí mật của Không quân Mỹ - Ảnh 6.

Tiêm kích F-4 Mỹ bị MiG-21 Không quân Việt Nam bắn hạ. Ảnh đồ họa.

Di sản của phi đội "Đại bàng Đỏ"

Chương trình đã dừng lại vào năm 1988 do chi phí đắt đỏ, chỉ vài tháng sau khi Manclark chuyển công tác.

"Rất nhiều máy bay đã được đưa ra thao trường để làm mục tiêu và họ đã bắn vào chúng. Chúng tôi không được phép bán", ông giải thích.

Một chiếc MiG-21 ông thường bay đã được đưa tới làm hiện vật tại Bảo tàng Vũ khí Không quân Mỹ tại căn cứ sân bay Eglin ở bang Florida. Hình ảnh về nó được tái hiện màu sơn ngụy trang giống thời Liên Xô.

Các chương trình huấn luyện về tiêm kích phản lực Nga khác vẫn tiếp tục được tiến hành ở Căn cứ liên hợp Không quân Nellis Air Force gần Khu vực 51 tuyệt mật.

Những chương trình này mang mật danh "Red Flag - Cờ Đỏ" đã được bắt đầu kể từ năm 1975. Có tới 3 cuộc tập trận đã được tiến hành chỉ riêng trong năm này.

Một chiếc tiêm kích Su-27 bí ẩn đã rơi gần căn cứ Nevada trong năm 2017, giết chết Trung tá Eric "Doc" Schultz, người được cho là chỉ huy phi đội "Mũ Đỏ", một đơn vị không được đánh số đang vận hành các dòng tiêm kích của nước ngoài.

Họ sở hữu những chiếc tiêm kích thế hệ 4 của Nga khá hiện đại như Su-27P và MiG-29. Đây chính là những hậu duệ của phi đội "Đại bàng Đỏ" ngày ấy.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại