TS Nguyễn Hồng Vũ: Đừng chia sẻ tin thất thiệt “phương Tây chủ động cho Covid-19 lan tràn” nữa!

TS. Nguyễn Hồng Vũ |

"Phương Tây chủ động cho dịch bệnh Covid-19 lan tràn để tạo miễn dịch cộng đồng" là một ý tưởng ĐIÊN RỒ, là tin đồn nhảm do những người thiếu hiểu biết đi đồn bậy.

Hôm giờ thấy trên facebook nhiều bạn share một thông tin không biết ở đâu ra, nội dung như thế này: "Theo tư duy chống dịch của phương Tây thì hiện nay họ đang chủ động cho dịch bệnh lan tràn để tạo miễn dịch cộng đồng".

Giữa tình hình dịch bệnh Covid-19 đang bùng phát khắp nơi, cần phải cảnh báo ngay các bạn, thông tin trên là hoàn toàn sai trái, thất thiệt.

Miễn dịch cộng đồng là gì? Và nó được tạo ra như thế nào?

Dưới đây là một hình minh họa rất hay từ Sở Y tế và dịch vụ Dân sinh của Mỹ (U.S. Department of Health and Human Services) miêu tả mô hình của miễn dịch cộng đồng (tiếng Anh là "Herd Immunity").

Khi một dịch bệnh nào đó xảy ra, chúng ta có thể hình dung có 3 nhóm người trong cộng đồng:

o Người khỏe mạnh, chưa nhiễm bệnh (màu xanh dương).

o Người khỏe mạnh và có khả năng kháng bệnh. Khả năng kháng bệnh của người này có được là do chích ngừa vaccine hoặc do sau khi nhiễm bệnh tạo được kháng thể kháng với bệnh (màu vàng).

o Người bị bệnh và có khả năng truyền bệnh (màu đỏ).

TS Nguyễn Hồng Vũ: Đừng chia sẻ tin thất thiệt “phương Tây chủ động cho Covid-19 lan tràn” nữa! - Ảnh 2.

Dựa vào tỉ lệ những nhóm người này trong cộng đồng, chúng ta có thể có 3 trường hợp sau:

1. Nếu trong cộng đồng chỉ có người chưa nhiễm bệnh và người bệnh thì sau một thời gian bệnh sẽ lây lan cho cả cộng đồng. Trường hợp này rất giống với trường hợp bệnh Covid-19 vào thời điểm mới xảy ra đầu tháng 1/2020. Vì là một virus mới nên chưa có người nào kháng với virus này và chưa có vaccine phòng ngừa.

2. Khi trong cộng đồng có vài người bệnh và vài người có khả năng kháng bệnh thì cũng không có khả năng ngăn cản sự lây lan của bệnh này trong cộng đồng, vì chỉ một thời gian là hầu hết những người không có khả năng kháng với bệnh đều bị lây.

Trường hợp này giống với tình trạng dịch bệnh Covid-19 hiện nay, có một số ít người đã được hồi phục và có hệ miễn dịch chống lại bệnh này nhưng vẫn là rất ít trong tổng số lượng người trong cộng đồng nên vẫn chưa tạo được hiện tượng miễn dịch cộng đồng.

3. Khi số lượng người có khả năng kháng với bệnh này chiếm số lượng khá nhiều trong cộng đồng, họ có khả năng "cô lập" những người đang bị nhiễm bệnh trong cộng đồng và "bảo vệ" số ít những người có khả năng bị nhiễm.

Một ví dụ cho hiện tượng này là bệnh sởi, một bệnh rất dễ lây lan trong cộng đồng. Tuy nhiên khi chúng ta có vaccine hữu hiệu để ngừa bệnh sởi và tỉ lệ chích ngừa sởi trong cộng đồng đạt 95% thì hiện tượng "miễn dịch cộng đồng" xuất hiện.

Tóm lại, hiểu một cách đơn giản thì "miễn dịch cộng đồng" là hiện tượng người "không có khả năng kháng bệnh" (người có thể bị nhiễm bệnh) được bảo vệ bởi những người có khả năng kháng bệnh trong cộng đồng (những người này được xem như những lá chắn).

Điều này khá quan trọng trong một cộng đồng, vì dù rằng chúng ta có vaccine hữu hiệu cỡ nào để phòng ngừa một bệnh nào đó thì trong cộng đồng vẫn luôn có một số nhỏ những người không chích ngừa được. Đó là những người có bệnh liên quan đến suy giảm miễn dịch, nhạy cảm với thành phần trong vaccine hoặc những trẻ nhỏ chưa đủ tuổi để chích vaccine, v.v…

Tuy nhiên, để có được miễn dịch cộng đồng, chúng ta cần phải có một số lượng "lá chắn" nhất định trong cộng đồng. Tác nhân gây bệnh càng dễ lây lan thì càng cần nhiều "lá chắn" hơn. Với tỉ lệ nhiễm của virus SARS-CoV-2 hiện nay ước tính là khoảng 2,28 thì cần khoảng 60%-80% người trong cộng đồng có khả năng kháng virus này, hay nói cách khác là cần 60%-80% người trong cộng đồng nhiễm virus này và đã hồi phục.

Với tình hình chưa có thuốc đặc trị cũng như chưa có vaccine để ngừa SARS-CoV-2 thì việc "chủ động cho dịch bệnh lan tràn để tạo miễn dịch cộng đồng" là một ý tưởng ĐIÊN RỒ, là tin đồn nhảm do những người thiếu hiểu biết đi đồn bậy. 

Vì với tỉ lệ tử vong chung của Covid-19 là 2%-3%, ở người lớn tuổi và người có sẵn bệnh mãn tính là hơn 10% thì để đạt được số lượng người nhiễm này, sẽ có rất nhiều người chết, nhất là ở những nước có tỉ lệ người già cao và hệ thống y tế thiếu thốn.

Tỷ lệ người già trên 65 tuổi ở Việt Nam là hơn 7 triệu trên tổng cộng hơn 95 triệu dân Việt Nam, cho nên nếu đạt được ngưỡng này một cách tự nhiên thì sẽ phải có khoảng vài trăm ngàn đến trên dưới 1 triệu người già chết đi vì bệnh dịch.

So sánh với cúm mùa là thiển cận

Vì những lý do trên nên WHO đã quyết định công bố Covid-19 trở thành đại dịch (Pandemic) trong ngày 12/3/2020, có nghĩa là khẳng định Covid-19 đang trở nên nguy hiểm trên toàn thế giới và tất cả mọi người phải lưu tâm đến việc ngăn chặn sự lây lan của nó.

Cách đây hơn một ngày tổng thống Hoa Kỳ, ông Trump đã bổ sung thêm lệnh cấm nhập cảnh cho công dân các nước châu Âu (trừ UK). Từ tuần này nhiều trường học trên nước Mỹ đã chuyển sang học online để hạn chế sinh viên tới trường, một số trường ở khu vực có sự lây nhiễm cao như ở Washington đã đóng cửa tạm thời, người dân được khuyên tích trữ nhu yếu phẩm đủ trong 2 tuần, v.v…

Một điều khác xin nhắc thêm ở đây: để đánh giá thấp dịch bệnh do virus corona nCoV gây ra, có một số bạn hay đem số liệu người chết do cúm mùa (Flu) gây ra với vài chục ngàn người chết mỗi năm để so sánh với con số hơn 4.000 người chết cho đến nay do Covid-19. Đây là một so sánh thiển cận. Vì tỉ lệ tử vong do cúm mùa chỉ có 0,1% và hiện nay đã có vaccine để ngừa cúm mùa.

Với tình hình lây lan mạnh của virus SARS-CoV-2, nếu không chủ động cách ly người bệnh mà để nó tự do lan tràn thì con số người chết do Covid-19 sẽ cao hơn con số tử vong do cúm mùa rất nhiều. 

Các bạn còn nhớ, những báo cáo ban đầu không trung thực của Trung Quốc đã làm chúng ta coi thường SARS-CoV-2 khi so sánh với SARS của năm 2003, để rồi đến lúc nó bùng phát thì SARS-CoV-2 dễ dàng vượt qua SARS cả về số lượng người nhiễm, người chết và các quốc gia ảnh hưởng!

Hy vọng, bài viết có thể giúp các bạn hiểu rõ TAI HẠI của các tin đồn nhảm như trên và hãy luôn giữ vững tinh thần phòng ngừa dịch bệnh một cách có trách nhiệm nhất cho mình và cho cộng đồng.

TS. Nguyễn Hồng Vũ (Ruy Băng Tím)

Ruy Băng Tím là tổ chức phi lợi nhuận về phòng chống ung thư tại Việt Nam, được thành lập vào ngày 12/12/2015 với sự tham gia của các bác sĩ ung bướu, các nhà khoa học nghiên cứu về ung thư trong và ngoài nước. Ruy Băng Tím nhằm xây dựng một website khoa học đáng tin cậy, chuyên cung cấp thông tin chính xác, đầy đủ về ung thư. Các bài viết đều được các tác giả tra cứu kỹ lưỡng trước khi viết, có dẫn nguồn đầy đủ để người đọc có thể tham khảo. Website: ruybangtim.com

TS Nguyễn Hồng Vũ: Đừng chia sẻ tin thất thiệt “phương Tây chủ động cho Covid-19 lan tràn” nữa! - Ảnh 7.


Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại