Liên hợp quốc khẳng định hòa đàm về Libya vẫn diễn ra theo kế hoạch

Lê Quang Trường-Minh Tâm |

Thông báo được đưa ra sau khi Quốc hội miền Đông Libya - được sự hậu thuẫn của Tướng Khalifa Hafta - cho biết sẽ không tham gia đàm phán vì UNSMIL không chấp thuận 13 đại diện của cơ quan này.

Ngày 25/2, người phát ngôn của Phái bộ Liên hợp quốc tại Libya (UNSMIL) Jean Alam khẳng định kế hoạch tổ chức đàm phán hòa bình ở Geneva, Thụy Sĩ, vẫn sẽ diễn theo đúng kế hoạch là trong ngày 26/2, bất chấp các bên đối lập từ chối tham gia.

Theo phóng viên TTXVN tại Bắc Phi, thông báo của UNSMIL được đưa ra sau khi Quốc hội miền Đông Libya - được sự hậu thuẫn của Tướng Khalifa Hafta - cho biết sẽ không tham gia đàm phán vì UNSMIL không chấp thuận 13 đại diện của cơ quan này.

Trong khi đó, Hội đồng Nhà nước cấp cao Libya (Thượng viện), có trụ sở ở Tripoli, tuyên bố cũng sẽ không tham gia vào các cuộc hòa đàm trên cho đến khi các cuộc đàm phán quân sự đạt tiến triển.

Theo kế hoạch của UNSMIL, các cuộc hội đàm được tổ chức với sự tham dự của đại diện Quốc hội miền Đông, Hội đồng Nhà nước cấp cao Libya, cùng các nhân vật khác, dưới sự điều phối của đặc phái viên Liên hợp quốc tại Libya Ghassan Salame.

Cùng ngày, Liên đoàn Arab (AL) một lần nữa kêu gọi tạm ngừng các hoạt động quân sự tại Libya.

AL cũng đánh giá cao tiến bộ đạt được tại vòng đàm phán thứ hai của Ủy ban Quân sự chung Libya (JMC) 5+5 bế mạc hôm 23/2 vừa qua ở Geneva, đồng thời hoan nghênh tuyên bố của UNSMIL về việc các bên đối địch tại Libya đề xuất một dự thảo thỏa thuận ngừng bắn lâu dài nhằm tạo thuận lợi cho Liên hợp quốc đóng vai trò giám sát hồi hương an toàn dân thường.

Ngoài ra, AL còn hối thúc các bên liên quan nhanh chóng nối lại các cuộc đàm phán về dự thảo trên để sớm ký kết văn kiện này và nhất trí về các thỏa thuận tạm thời, toàn diện khác nhằm thực thi cũng như giám sát lệnh ngừng bắn .

Libya rơi vào tình trạng chia rẽ chính trị và bạo lực leo thang kể từ sau cuộc chính biến năm 2011 lật đổ nhà lãnh đạo Moamer Gadhafi.

Hiện, quốc gia Bắc Phi này tồn tại hai chính quyền với lực lượng vũ trang riêng.

Chính phủ Đoàn kết dân tộc (GNA) được Liên hợp quốc công nhận và được Thổ Nhĩ Kỳ, Qatar ủng hộ trong khi Tướng Khalifa Hafta đứng đầu Quân đội miền Đông (LNA) được Ai Cập và Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) hỗ trợ đồng thời nhận được sự ủng hộ chính trị từ Mỹ, Nga và Pháp.

Tháng Tư năm ngoái, viện dẫn lý do chống khủng bố, LNA đã phát động chiến dịch quân sự nhằm vào Tripoli, vốn nằm dưới quyền kiểm soát của GNA.

LNA và GNA đã tuyên bố ngừng bắn tạm thời kể từ 0 giờ 00 ngày 12/1 theo lời kêu gọi của Nga và Thổ Nhĩ Kỳ.

Ngày 21/2, Liên hợp quốc thông báo vòng đàm phán mới giữa các bên xung đột đã bắt đầu được nối lại tại Geneva nhằm thúc đẩy lệnh ngừng bắn lâu dài ở Libya.

Tuy nhiên, một ngày trước, GNA đã rút khỏi đàm phán để phản đối vụ tấn công bằng tên lửa của LNA nhằm vào cảng biển Tripoli.

Trong khi đó, Tướng Hafta cũng tuyên bố sẵn sàng cho một lệnh ngừng bắn với điều kiện lực lượng Thổ Nhĩ Kỳ và Syria rời khỏi nước này và Ankara ngừng cung cấp vũ khí cho GNA.

Cho đến nay, giao tranh vẫn diễn ra ác liệt, buộc cộng đồng quốc tế phải vận động các bên liên quan tìm kiếm giải pháp chính trị, nhằm chấm dứt cuộc nội chiến đã cướp đi sinh mạng của hơn 1.000 người, khiến hàng nghìn trường hợp bị thương và đẩy hơn 150.000 người vào cảnh phải rời bỏ nhà cửa kể từ tháng 4/2019.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại