TS Nguyễn Quốc Thục Phương: 5 điểm mấu chốt về con virus khiến Trung Quốc 'căng như dây đàn'

TS Nguyễn Quốc Thục Phương (ĐH Rochester, New York, Mỹ) |

Trước sự xuất hiện và lan truyền dịch bệnh của virus lạ nCoV có nguồn gốc từ Vũ Hán, Trung Quốc vào tháng trước, cơ quan y tế trên toàn thế giới đang lo lắng về sự bùng phát của một đại dịch mới.

Theo thông tin tổng hợp đến ngày 24/1, virus lạ này đã nhiễm hơn 914 người và giết chết 26 người. Bên cạnh thành phố Vũ Hán với dân số 11 triệu người, virus nCoV đã lan đến các thành phố lớn khác của Trung Quốc bao gồm Bắc Kinh, Thượng Hải, Ma Cao, Hồng Kông và nhiều thành phố khác. Bên ngoài Trung Quốc, các trường hợp đã được báo cáo từ Trung Quốc (878), Hồng Kông (2), Ma Cao (2), Đài Loan (3), Thái Lan (5), Nhật Bản (2), Hàn Quốc (2), Mỹ (2), Singapore (3), Nepal (1), Pháp (2) và Việt Nam (2).

Tại Việt Nam, hai ca dương tính nCoV là hai cha con người Trung Quốc đến từ Vũ Hán đang được điều trị cách ly tại bệnh viện Chợ Rẫy. Đến tối 23/1/2020, sức khỏe của hai bệnh nhân đã có dấu hiệu hồi phục.

Ngày 23/1, Trung Quốc đã đóng cửa hai thành phố là Vũ Hán và Huanggang trong nỗ lực kiểm soát dịch bệnh ngày càng tồi tệ. Chính quyền Trung Quốc đã đình chỉ tất cả các chuyến du lịch trong và ngoài hai thành phố này. Kể từ 10 giờ sáng 23/1 (giờ địa phương của Trung Quốc), mọi chuyến bay và tàu hỏa rời khỏi hai thành phố đã bị đình chỉ, xe buýt và tàu điện ngầm trong thành phố cũng đã ngừng hoạt động. Sang ngày thứ sáu 24/1, thêm 10 thành phố khác của Trung Quốc cũng bắt đầu các biện pháp hạn chế du lịch của riêng họ.

TS Nguyễn Quốc Thục Phương: 5 điểm mấu chốt về con virus khiến Trung Quốc căng như dây đàn - Ảnh 1.

Tác giả bài viết này - TS Nguyễn Quốc Thục Phương, chuyên viên nghiên cứu về đáp ứng miễn dịch tại ĐH Rochester, New York, Mỹ

Cũng trong ngày 23/1, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) quyết định chống lại việc tuyên bố dịch virus nCoV là một trường hợp khẩn cấp về sức khỏe toàn cầu. Quyết định được đưa ra sau hai ngày họp bàn của các chuyên gia y tế vào ngày 22 và 23/1. Lý do được đưa ra theo ông Adhanom Ghebreyesus , Giám đốc WHO, chính là "Tại thời điểm này không có bằng chứng về sự lây truyền từ người sang người bên ngoài Trung Quốc". Phần lớn các ca tử vong là những bệnh nhân cao tuổi đã có tiền sử bệnh từ trước. Tuy nhiên, ông cũng nhấn mạnh rằng "Điều đó không có nghĩa là nó (sự lây truyền từ người sang người bên ngoài Trung Quốc) sẽ không xảy ra." Tổ chức Y tế Thế giới đã lên kế hoạch tái họp mặt trong 10 ngày tới hoặc sớm hơn để xem xét lại tình hình dịch bệnh toàn cầu.

Hiện tại, các nhà nghiên cứu đang chạy đua để tìm hiểu thêm về virut lạ này với mối lo ngại rằng nó có khả năng gây ra dịch bệnh tương tự như dịch Hội chứng hô hấp cấp tính nghiêm trọng (SARS) năm 2002, xuất hiện ở miền nam Trung Quốc và giết chết 774 người ở 37 quốc gia. Cả hai loại virut đều là thành viên của một họ virut lớn được gọi là Coronavirus. Hai trong số những virut gây ra những ca cảm lạnh thông thường cũng thuộc họ Coronavirus.

Virus nCoV lây lan bằng cách nào?

Câu hỏi cấp bách nhất xung quanh ổ dịch nCoV là xác định mức độ lây lan của nó. Cho đến thời điểm hiện tại, những ca dương tính phát hiện trên các nhân viên y tế tại Trung Quốc chưa từng đến Vũ Hán cho thấy virus này có khả năng lan truyền từ người sang người, khác với nhận định ban đầu là virus nCoV chưa có khả năng lây truyền giữa con người. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa đủ dữ liệu để biết được điều này có xảy ra thường xuyên hay không.

Theo ông Neil Ferguson, một nhà dịch tễ học - toán học tại Đại học Hoàng gia Luân Đôn, cho biết cần phải xác định được liệu sự lây nhiễm giữa người và người có đạt được tốc độ và mức độ hiệu quả có khả năng duy trì dịch bệnh ở người hay không. Theo ông, việc theo dõi tốc độ xuất hiện các trường hợp mới và thời gian ủ bệnh của từng trường hợp sẽ cho các nhà khoa học biết virus có thể dễ lây lan giữa người với người như thế nào và liệu dịch có bùng phát hay không.

Thông thường, khi dịch bệnh mới bùng phát, các nhà dịch tễ học phải cố gắng nhanh chóng tính toán R0, còn gọi là số lượng sinh sản cơ bản của một bệnh. R0 cho chúng ta biết số người trung bình sẽ bị lây nhiễm bệnh bởi một người bị nhiễm bệnh trước khi người đó chết hoặc trở nên khá hơn. Theo báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới sau buổi họp ngày 23/1, R0 được ước tính vào khoảng 1,4 đến 2,5 cho virus nCoV. R0 cũng từng được ước tính cho các loại bệnh truyền nhiễm khác như sởi (12-18), SARS (2-5), cúm năm 1918 (2-3) hay Ebola vào đợt dịch năm 2014 (1,5-2,5).

Nhằm kiểm soát dịch bệnh, việc nhanh chóng đưa R0 về mức dưới 1 vô cùng quan trọng. Điều này có thể đạt được bằng nhiều cách khác nhau như cách ly người nhiễm bệnh hoặc nghi ngờ nhiễm bệnh và thực hiện các quy định vệ sinh cơ bản.

Tỉ lệ gây chết người của virus nCoV Vũ Hán thế nào?

Nhiều nhà nghiên cứu đã từng lo ngại rằng virus Vũ Hán đặc biệt nguy hiểm do tỷ lệ viêm phổi cao giữa những người đầu tiên bị nhiễm bệnh. Tuy nhiên, những lo ngại này đã giảm nhẹ khi các ca bệnh nhẹ hơn xuất hiện sau này. Với 26 trường hợp tử vong trong hơn 890 trường hợp (tại Trung Quốc) tính đến ngày 23/1, tức tỉ lệ tử vong khoảng 3%, virus này dường như không chết người như dịch SARS, đại dịch từng giết chết khoảng 11% số người nhiễm bệnh.

Tuy nhiên, các chuyên gia vẫn cho rằng có thể vẫn còn quá sớm để kết luận về mức độ nguy hiểm của virus này.

Virut nCoV đến từ đâu?

Các nhà nghiên cứu cho biết việc xác định động vật chủ của virus có thể giúp kiểm soát ổ dịch hiện tại và đánh giá mối đe dọa của nó, đồng thời có khả năng giúp ngăn chặn dịch bệnh trong tương lai.

Trong một bài báo gây tranh cãi đăng tải ngày 22/1 trên Tạp chí Virut học Y tế, một nhóm nghiên cứu từ Trung Quốc cho rằng virut nCoV lây sang người từ rắn. Kết luận này được đưa ra dựa trên kết quả so sánh cách virut nCoV sử dụng bộ ba mã di truyền (codon) để mã hóa cho các axit amin – thành phần cấu tạo nên protein, so với các động vật chủ tiềm năng gồm nhím, tê tê, dơi, gà, người và rắn. Lý luận của nhóm nghiên cứu Trung Quốc chính là virut này cần thích nghi với vật chủ bằng cách sử dụng bộ ba mã di truyền theo cùng cách của vật chủ.

Tuy nhiên, bài báo này vấp phải nhiều nghi vấn từ giới khoa học do chưa có bằng chứng cho thấy rắn là loài động vật có thể bị nhiễm loại coronavirus mới này và đóng vai trò là vật chủ của virus. Theo ông Paulo Eduardo Brandão, nhà virus học tại Đại học São Paulo và cũng là người đang điều tra xem liệu coronavirus có thể lây nhiễm trên rắn hay không, cho biết hiện chưa có đủ bằng chứng thuyết phục chứng minh coronavirus có thể sống trong các vật chủ khác ngoài động vật có vú và Aves (chim).

Một giả thuyết khác hiện đang được xem xét là virus nCoV lây sang người từ dơi do trình tự gien của virus nCoV gần giống với trình tự gien của một số coronavirus từ dơi.

TS Nguyễn Quốc Thục Phương: 5 điểm mấu chốt về con virus khiến Trung Quốc căng như dây đàn - Ảnh 2.

Cán bộ y tế mang theo một hộp từ Bệnh viện Jinyintan ở Vũ Hán, nơi điều trị cho bệnh nhân nhiễm coronavirus ở Vũ Hán, ngày 10/1/2020. Ảnh: Reuters

Chúng ta học được gì từ trình tự gien của các virus nCoV?

Trình tự gien được Trung Quốc và Thái Lan công bố cho thấy virus Vũ Hán có liên quan đến coronavirus trên dơi, bao gồm cả SARS và họ hàng gần của nó. Nhưng các động vật có vú khác vẫn có thể lây truyền những virus này, ví dụ SARS được cho là đã lây sang người bởi cầy hương.

Ben Cowling, một nhà dịch tễ học tại Đại học Hồng Kông cho biết, việc truy lần các ca bệnh về lại chợ hải sản và động vật hoang dã nơi dịch bệnh bắt đầu có thể giúp xác định động vật chủ mang mầm bệnh. Ngoài ra, xét nghiệm các động vật từ chợ hoặc các thùng chứa và lồng để tìm vật liệu di truyền của virus cũng có thể có ích.

Với các trình tự gien được công bố đến nay, các chuyên gia cho biết virus nCoV chưa có nhiều đột biến từ khi xuất hiện từ tháng 11 hoặc tháng 12. Các đột biến được tìm thấy giữa các chủng virus là những đột biến không quan trọng. Tuy nhiên, mức độ đột biến không dự báo được khả năng lây lan nhanh chóng của virus trong một cộng đồng người hay động vật.

TS Nguyễn Quốc Thục Phương: 5 điểm mấu chốt về con virus khiến Trung Quốc căng như dây đàn - Ảnh 3.

Bức ảnh đầu tiên về virus nCoV được Trung Quốc công bố. Loại virus này nhỏ hơn rất nhiều kích thước bụi mịn.

Xác định gien của các virus nCoV ở những người bệnh xuất hiện theo thời gian có thể giúp xác định liệu các ca bệnh chủ yếu là do virus truyền từ động vật sang người và chỉ truyền hạn chế giữa người và người, hay do virus truyền đến một nhóm nhỏ người và từ đó lây lan rộng đến những người khác. Điều này giúp các tổ chức Y tế xác định khả năng gây ra dịch lớn hay không của virus nCoV.

Tuy nhiên, giới chuyên gia cảnh báo rằng những kết luận này vẫn chỉ là sơ bộ, vì hiện nay có quá ít dữ liệu. Những nghiên cứu quan trọng trên các mẫu bệnh phẩm mới hoàn toàn có thể thay đổi các kết luận này.

Có thuốc điều trị virus nCoV hay các loại coronavirus khác hay không?

Hiện chưa có loại thuốc nào được chứng minh là có hiệu quả trong điều trị SARS hoặc các bệnh nhiễm trùng coronavirus khác ở người. Ngoài ra, cũng chưa có vắc-xin ngăn ngừa các bệnh nhiễm trùng này được cấp phép.

Tài liệu tham khảo

https://www.nature.com/articles/d41586-020-00154-w?utm_source=Nature+Briefing&utm_campaign=251353de20-briefing-dy-20200122&utm_medium=email&utm_term=0_c9dfd39373-251353de20-43595497

https://www.nature.com/articles/d41586-020-00166-6

https://www.moh.gov.vn/web/guest/hoat-dong-cua-lanh-dao-bo/-/asset_publisher/vZJbYmQh1lGZ/content/hai-ca-duong-tinh-ncov-ang-ieu-tri-tai-bv-cho-ray

https://www.cnbc.com/2020/01/23/china-coronavirus-confirmed-cases-and-where-they-are.html

https://www.ecdc.europa.eu/en/geographical-distribution-2019-ncov-cases

https://www.cdc.gov/media/releases/2020/p0124-second-travel-coronavirus.html

https://www.businessinsider.com/china-wuhan-virus-map-cities-countries-spread-infected-2020-1

https://www.who.int/news-room/detail/23-01-2020-statement-on-the-meeting-of-the-international-health-regulations-(2005)-emergency-committee-regarding-the-outbreak-of-novel-coronavirus-(2019-ncov)

https://ncbiinsights.ncbi.nlm.nih.gov/2020/01/13/novel-coronavirus/

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại