Những ca đột tử đau lòng trong dịp Tết: Chuyên gia chỉ rõ nguyên nhân cần cảnh giác

Ngọc Anh |

Với nhiệt độ rét ngày Tết, các bác sĩ lo ngại nguy cơ đột quỵ não sẽ có xu hướng gia tăng, đe dọa sức khỏe người bệnh.

Đột tử sau chuyến về quê ăn Tết

Chị Nguyễn Thị Th (một giáo viên cấp 3 ở Hà Nội) đã bị đột quỵ xuất huyết não và qua đời tại quê chồng khi về quê chồng đón xuân. Năm 2019, chị Th cùng chồng và hai con về quê chồng đón Tết. Sau khi mải miết sắp mâm cơm cúng tất niên, chị Th bỗng nhiên đau đầu đột ngột. Cả nhà không biết chị bị đau đầu do đâu nên chỉ cho nằm nghỉ.

Sau đó, chị Th bắt đầu đau dữ dội và được gia đình đưa đi cấp cứu. Mặc dù nhà gần bệnh viện tỉnh nhưng sau 3 ngày hồi sức tích cực, chị Th, đã không qua khỏi. Chồng của chị Th tâm sự vợ anh có tiền sử cao huyết áp từ sau khi sinh con thứ hai, nhưng cơn cao huyết áp không nhiều thi thoảng có dấu hiệu mệt mỏi nghỉ ngơi là hết.

Chị Nguyễn Thanh Huyền (Hà Đông, Hà Nội) vẫn chưa nguôi ngoai vào dịp Tết năm 2019 chồng chị cũng qua đời sau ca tai biến đột quỵ não. Chồng chị Huyền sinh năm 1979, anh vẫn khỏe mạnh bình thường và đi làm đến 29 Tết mới được nghỉ. Cả gia đình về quê ăn Tết.

Những ca đột tử đau lòng trong dịp Tết: Chuyên gia chỉ rõ nguyên nhân cần cảnh giác - Ảnh 1.

Ông H. đã mãi mãi ra đi để lại vợ và các con trong lúc bán hoa Tết.

Đến chiều mùng 3, khi lên Hà Nội để tiếp tục kỳ nghỉ Tết thì chồng chị bỗng dưng đau đầu dữ dội. Anh được vợ và người thân đưa vào cấp cứu tại Bệnh viện Bạch Mai nhưng do ổ xuất huyết não quá lớn bác sĩ cũng không cấp cứu được. Sau hai ngày hồi sức tích cực, chồng chị Huyền qua đời.

Chiều 20/1, một câu chuyện đau lòng được nhiều người chia sẻ trên mạng xã hội, khiến cộng đồng mạng không khỏi tiếc thương.

Trường hợp là ông L.M.H (55 tuổi) vì hoàn cảnh khó khăn để kiếm thêm thu nhập ông cũng vay mượn tiền bà con mở 2 vựa bán hoa tại 709A Nguyễn Xiển, khu phố Long Hòa và một điểm khác tại ngã ba Mỹ Thạnh, phường Tân Phú, quận 9. TP.HCM.

Chiều ngày 19/1, ông H đang bán hoa thì cảm thấy mệt nên lên võng nằm và nói với vợ mình: "Vợ ơi, anh mệt quá!". Tuy nhiên, sau đó ông vẫn gượng dậy tiếp tục bán hoa. Khoảng 22h30 cùng ngày, bỗng nhiên ông H gục xuống nằm bất động trên sàn nhà. Dù được người thân đưa đi cấp cứu nhưng ông H vẫn không qua khỏi.

Mỗi cái Tết đi qua để lại niềm vui cho nhiều gia đình nhưng cũng không ít gia đình mất đi người thân do đột quỵ.

PGS Tạ Văn Bình – Bệnh viện Đại học Y Hà Nội chia sẻ, ông gặp khá nhiều người đã bị đột quỵ vào đúng dịp Tết. Ví dụ trường hợp của ca sĩ nổi tiếng, sáng mùng 2 Tết đã đột quỵ chết tại nhà riêng, vì quên không uống thuốc.

Bác sĩ Bình cho biết, có người thân của ông bị tăng huyết áp nhưng ngày Tết quên không uống thuốc và dẫn tới đột quỵ não. May mắn là cơn đột quỵ nhồi máu não xuất hiện và con cháu đều làm trong ngành y nên đã chủ động đưa vào bệnh viện cấp cứu kịp thời.

Vì sao dễ đột quỵ trong dịp Tết?

PGS.TS Nguyễn Hoài Nam, Giảng viên Đại học Y dược TP.HCM cho biết, ngày Tết nguy cơ đột quỵ luôn tăng cao. Nguy cơ đột quỵ gia tăng vào ngày Tết cũng có yếu tố do thời tiết có sự khác biệt khá nhiều giữa hai miền Nam - Bắc. 

Trong khi, các tỉnh miền Bắc vẫn rét đậm (dưới 15 độ C), thì Nam Bộ lại nắng nóng vào ban ngày và lạnh khi đêm và về sáng. Do vậy, với những người phải di chuyển từ Nam ra Bắc hoặc ngược lại khi thường xuyên thay đổi nhiệt độ đột ngột dễ xảy ra đột quỵ. 

Những ca đột tử đau lòng trong dịp Tết: Chuyên gia chỉ rõ nguyên nhân cần cảnh giác - Ảnh 2.

Dấu hiệu của cơn đột quỵ não.

Bên cạnh đó, mức dao động nhiệt độ lớn giữa trong nhà và ngoài trời lạnh cũng làm tăng nguy cơ xuất hiện đột quỵ não. Theo theo thống kê từ một số bệnh viện, mùa lạnh gia tăng bệnh nhân nhập viện vì đột quỵ từ 15-30%.

PGS.TS Nguyễn Hoài Nam lấy ra nhiều ví dụ nhiều người ở miền Nam ra bắc ăn Tết và có bệnh lý tăng huyết áp nhưng chủ quan và chưa thích nghi với thời tiết ngoài bắc gây ra cơn đột quỵ. Do thời tiết lạnh ở miền Bắc có thể khiến mạch máu giảm tính đàn hồi, lòng mạch bị thu hẹp nên lưu lượng máu đến não giảm 1/5 so với bình thường. 

Khi lạnh đột ngột có thể co mạch làm tăng áp lực trong lòng mạch khiến nguy cơ đột quỵ não tăng gấp 4-6 lần. Những người bị tăng huyết áp kèm theo xơ vữa động mạch, nguy cơ mạch máu dễ bị tắc, thậm chí có thể vỡ dẫn đến xuất huyết não, đột quỵ khiến tính mạng bệnh nhân.

Ngoài thời Tết, dịp Tết nhiều thói quen sinh hoạt đảo lộn, ăn uống thả ga có thể khiến chỉ số đường huyết, mỡ máu tăng cao gây "quá tải" ở động mạch, khiến máu lên não ứ đọng, tắc nghẽn gây ra đột quỵ…

Ngoài ra, uống nhiều rượu bia trong thời tiết giá lạnh khiến chất cồn lưu lại trong máu lâu do khả năng bài tiết qua đường mồ hôi giảm khiến huyết áp tăng cao, dễ đưa tới đột quỵ não. 

PGS Nam nhấn mạnh ngày Tết với bệnh nhân tăng huyết áp luôn luôn nhớ phải đảm bảo được huyết áp của mình và tuyệt đối không quên thuốc. Với những người ở miền Bắc chú ý giữ ấm, không để cơ thể lạnh đột ngột, lúc tắm cần có đèn sưởi, ngủ dậy không nên dậy ngay mà từ từ để cơ thể thích nghi với nhiệt độ bên ngoài.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại