Tía tô - gia vị quen thuộc, thuốc của mọi nhà

TS. Nguyễn Đức Quang |

Tía tô là loại rau thơm rất quen thuộc được trồng phổ biến và có mặt trong nhiều món ăn hằng ngày của người Việt.

Mùi thơm đặc trưng, ngoài làm gia vị trong các món ăn ra thì tía tô còn có nhiều công dụng phòng chữa bệnh như cảm cúm, ho, chống viêm, đầy hơi trướng bụng, an thai, làm đẹp da... Tuy nhiên, vẫn còn nhiều người chưa biết cách sử dụng tía tô làm thuốc.

Tía tô - gia vị quen thuộc, thuốc của mọi nhà - Ảnh 1.

Tía tô lý khí an thai, rất tốt cho chị em mang thai đầy trướng bụng, hay nôn, dọa sẩy.

Tía tô còn có tên khác: tử tô, tên khoa học: Perilla ocymoides L., họ hoa môi (Lamiaceae). Cây tía tô cho các vị thuốc:

Lá tía tô (Folium Perillae): vị cay, tính ôn; vào kinh phế, tỳ. Có tác dụng tán hàn giải biểu, lý khí hòa doanh, an thai. Dùng trị cảm mạo phong hàn, viêm khí phế quản, hen suyễn, sốt nóng sốt rét, đầy tức vùng ngực bụng, ho nhiều đờm; phụ nữ có thai đau bụng doạ sẩy.

Hạt tía tô còn gọi tô tử (Semen Perillae): vị cay, tính ôn; vào kinh Phế; có tác dụng hạ khí, trừ đờm, giảm ho.

Cành tía tô còn gọi tô ngạnh (Caulis Perillae) có tác dụng lý khí.

Trong hạt có dầu gồm các acid béo chưa no, có hoạt tính chống oxy hoá. Liều dùng: 6 - 12g/ngày.

Một số bài thuốc có tía tô:

Tán hàn, giải biểu: Trị chứng cảm mạo phong hàn, đau đầu do hàn, vùng ngực đầy trướng. Dùng bài Hương tô thang: tía tô 8g, hương phụ 8g, trần bì 6g, cam thảo 4g. Sắc uống.

Trừ đờm, dịu ho:

Bài 1: tô diệp 8g, sinh khương 8g, hạnh nhân 12g, pháp bán hạ 12g. Sắc uống. Trị ngoại cảm phong hàn, trong có đờm trệ, ho có đờm.

Bài 2: tô tử 10g, bạch giới tử 10g. Các vị tán bột. Uống với nước sắc lá táo chua và dây tơ hồng. Chữa ho, trừ đờm.

Lý khí, an thai: Dùng khi đau trướng ngực; bụng, lưng, sườn đau; thai động không yên: tía tô 8g, đương quy 12g, xuyên khung 8g, bạch thược 12g, đảng sâm 12g, trần bì 12g, đại phúc bì 8g, cam thảo 4g, sinh khương 8g. Sắc uống.

Kiện vị, cầm nôn:

Bài 1 - Tía tô phân khí: tía tô 8g, ngũ vị tử 4g, tang bạch bì 12g, phục linh 12g, chích thảo 4g, thảo quả 4g, đại phúc bì 12g, cát cánh 12g, sinh khương 12g. Các vị sắc lấy nước, thêm ít muối, uống. Trị các chứng tâm hạ trướng đầy, nôn oẹ, không ăn được mà thiên về hàn.

Bài 2: tô diệp 4g, hoàng liên 2,5g. Các vị hãm với nước sôi để uống. Dùng tốt cho phụ nữ có thai hồi hộp không yên.

Giải độc với thức ăn là cua cá: có thể dùng 12g tươi hay khô, sắc uống.

Chữa sốt xuất huyết: tía tô 15g, rau má 30g, cỏ nhọ nồi 30g, bông mã đề 20g. Sắc uống. Dùng phòng và chữa sốt xuất huyết.

Một số món ăn thuốc có tía tô:

Tô diệp ô mai chúc: tô diệp 15g, ô mai 10g, gừng tươi 10g, trúc nhự 10g, gạo tẻ 60g. Các dược liệu sắc lấy nước, bỏ bã. Gạo vo sạch nấu cháo; khi cháo chín cho nước thuốc vào khuấy đều, đun sôi. Ngày dùng 1 lần, 5 - 7 ngày là một đợt. Dùng tốt cho phụ nữ có thai đầy tức bụng, nôn ói, đau đầu chóng mặt, đắng miệng, nhạt miệng, khát nước, đe dọa sẩy thai.

Tô diệp mai táo trà: tô diệp 6g, mận tươi 30g, đại táo 5 quả, trà 3g. Mận chín tươi hoặc mứt mận và đại táo nấu (nghiền nhuyễn) lấy nước, khi sôi đem đổ vào ấm có trà (chè) và tô diệp hãm tiếp, uống dần làm 2 lần trong ngày. Liên tục trong 5 - 10 ngày. Dùng cho người bị ho, mất tiếng, tắc nghẹn do rối loạn thần kinh chức năng, hysteria.

Ngũ thầm thang: gừng tươi, kinh giới, tô diệp, trà, số lượng thích hợp cùng sắc lấy nước, thêm đường đỏ vào khuấy đều, uống. Dùng tốt cho người bị ngoại cảm phong hàn (cảm cúm).

Nước hãm gừng tươi tía tô: lá tía tô 30g, gừng tươi 15g, sắc hãm 15 phút, gạn lấy nước, thêm đường uống. Dùng tốt cho người bị ngoại cảm phong hàn nôn ói, đau bụng.

Kiêng kỵ: Người biểu hư, tự ra mồ hôi không dùng.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại