Gặp hỏa hoạn lúc "tuổi già", đã đến lúc Nga cho tàu sân bay Đô đốc Kuznetsov "nghỉ hưu"?

Mạnh Kiên |

Sau sự cố cháy tàu sân bay Đô đốc Kuznetsov, Nga có thể đã đến lúc cho biểu tượng sức mạnh hải quân của mình "nghỉ hưu".

Cháy tàu sân bay Đô đốc Kuznetsov

Cháy tàu chưa bao giờ là một sự cố đơn giản, đặc biệt đối với những con tàu lớn như tàu sân bay, với đầy những vật liệu dễ cháy, xung quanh là biển khơi.

Tuần trước, tàu sân bay Đô đốc Kuznetsov – hàng không mẫu hạm duy nhất của Nga - đã gặp hỏa hoạn trong quá trình sửa chữa. Theo báo cáo, có 6 người bị thương và một người mất tích.

Theo các tiêu chuẩn của Mỹ, đám cháy mà tàu Đô đốc Kuznetsov gặp phải có thể được phân vào cấp độ B. Một đám cháy loại B được xếp hạng là một trong số những thảm họa đáng sợ nhất có thể xảy ra với một con tàu.

30 năm trước, tàu hậu cần chiến đấu của Hải quân Mỹ White Plains đã bị nhấn chìm bởi một đám cháy tương tự khi đi qua Biển Đông. Sáu thủy thủ đã bỏ mạng trong lúc hỗn loạn. Năm người khác bị thương.

Không như trên đất liền, trên biển không có dịch vụ cứu hỏa.

Theo chuyên gia James Holmes từ Đại học Chiến tranh Hải quân (Mỹ) sự cố xảy ra với tàu Đô đốc Kuznetsov có thể là dấu mốc để cho tàu sân bay của Nga được "nghỉ hưu".

Được đưa vào hoạt động từ thời Chiến tranh Lạnh, Đô đốc Kuznetsov cho đến nay có thể coi là con tàu chiến "già nua". Theo National Interest, con tàu của hải quân Liên Xô cũng từng nằm im một chỗ trong 10 năm, do Moscow thiếu khả năng chi trả cho các hoạt động, cũng như duy trì và nâng cấp.

Giới quan sát cũng cho rằng, với tuổi thọ lâu đời, tàu Đô đốc Kuznetsov cũng suy yếu đi nhiều trên quan điểm kỹ thuật. Rốt cuộc, không có con tàu chiến nào có thể cưỡi sóng trong thời gian dài mà không cần đại tu thường xuyên.

Về cơ bản có thể coi việc duy trì tàu Đô đốc Kuznetsov là một việc làm lãng phí. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là tại sao Nga vẫn không ngừng hoạt động Đô đốc Kuznetsov để đầu tư vào các tàu chiến hiện đại hơn.

Tờ National Interest cho rằng, câu trả lời này liên quan đến danh tiếng quốc gia hơn là liên quan đến khả năng răn đe trên biển của con tàu.

Có hai lý do nổi bật. Đầu tiên, tàu Đô đốc Kuznetsov là tàu sân bay duy nhất của Nga. Việc từ bỏ tàu sân bay có thể được coi là bước lùi đối với vị thế của hải quân Nga, một quyết định được cho là không phù hợp với chiến lược đưa nước Nga vĩ đại trở lại.

Vì sao Nga chưa cho tàu Đô đốc Kuznetsov "nghỉ hưu"?

Gặp hỏa hoạn lúc tuổi già, đã đến lúc Nga cho tàu sân bay Đô đốc Kuznetsov nghỉ hưu? - Ảnh 2.

Tàu sân bay USS Nimitz.

Quan điểm chung của công chúng vẫn thường cho rằng, tàu sân bay là biểu tượng sức mạnh của các cường quốc. Tương tự như vậy, Nga muốn chứng tỏ sức mạnh bản thân của mình thì hải quân cũng phải có tàu sân bay.

Điều này cũng khá đúng trên thực tế, khi mỗi thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đều có ít nhất một tàu sân bay. Trong khi Ấn Độ, Brazil, Nhật Bản, các quốc gia thậm chí có thể coi là dưới tầm so với Nga cũng vận hành đội tàu sân bay dù là loại này hay loại khác.

Do đó, hải quân Nga bằng mọi giá phải vận hành đội ngũ tàu sân bay của riêng mình bằng không sẽ bị giáng cấp vị thế xuống so với các quốc gia khác.

Đô đốc Kuznetsov là hàng không mẫu hạm duy nhất Nga có trên tay. Dù cho đã trở nên không còn phù hợp theo thời gian, vũ khí này vẫn có thể coi là lá bùa hộ mệnh trên biển cả của Nga.

Lý do thứ hai, tàu sân bay được đặt tên theo một nhân vật huyền thoại trong lịch sử hàng hải Nga, Đô đốc Hạm đội Nikolay Kuznetsov. Trong sự nghiệp lẫy lừng của mình, chỉ huy Kuznetsov là người đã ra lệnh cho hải quân Liên Xô tấn công Đức Quốc xã vào năm 1941.

Trong Chiến tranh Lạnh, Liên Xô đã xây dựng danh tiếng bản thân là cường quốc khá mạnh trên biển. Về sau này, các nhà lãnh đạo Nga quan tâm sâu sắc đến việc lấy lại hào quang cho Hải quân Nga, và do đó vẫn không muốn từ bỏ tàu sân bay lớn tuổi của mình.

Theo National Interest, điều này cũng không phải chỉ cá biệt có ở Nga. Có thể thấy, một số quốc gia khác cũng cho thấy rằng họ muốn bảo tồn danh tiếng quốc gia gắn liền với một biểu tượng vũ khí nào đó.

Sự tương đồng gần nhất với Kuznetsov chính là việc Mỹ vẫn tiếp tục duy trì tàu sân bay hạt nhân USS Nimitz chưa định ngày nghỉ hưu.

Nimitz đại diện cho đỉnh cao của tàu sân bay khi được ra mắt vào những năm 1970. Giống như Kuznetsov, con tàu cũng mang một cái tên tuyệt vời.

Với logic tương tự, Mỹ có thể tiếp tục duy trì con tàu vượt qua vòng đời phục vụ 50 năm. Và cũng giống như Moscow làm với tàu Đô đốc Kuznetsov, Washington cũng muốn duy trì danh tiếng và uy tín của một cường quốc biển đứng đầu thế giới.

Có lẽ những con tàu sân bay cũ kỹ nhưng mang đầy tính biểu tượng như Đô đốc Kuznetsov hay USS Nimitz sẽ còn tiếp tục hoạt động trong một khoảng thời gian dài nữa.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại