Chưa dứt "Ác mộng Chiến tranh Lạnh" MiG-31, NATO phải đối mặt với siêu máy bay đánh chặn?

Hoài Giang |

MiG-41 có thể là "Át Chủ Bài" trong một cuộc chiến vô tiền khoáng hậu giữa người Nga và NATO. Nếu điều đó xảy ra thì đây sẽ là viễn cảnh đen tối nhất.

MiG-31, "cơn ác mộng" của NATO thời Chiến tranh Lạnh

Vào thời kỳ Chiến tranh Lạnh, Không quân Liên Xô có nhu cầu cấp thiết về một loại máy bay đánh chặn hạng nặng để tuần tra dọc theo biên giới rộng lớn của Liên bang Xô Viết.

Hầu hết các máy bay chiến đấu hạng nhẹ thời đó không phù hợp với nhiệm vụ kể trên vì chúng thiếu tầm bay và tốc độ để nhanh chóng tăng độ cao và đánh chặn các máy bay ném bom siêu thanh của Mỹ, kẻ địch được dự đoán sẽ tiếp cận ném bom Liên Xô từ hướng Bắc Cực.

Những chiếc Tupolev Tu-128 là máy bay đánh chặn tầm xa đầu tiên và đã trở thành hình mẫu thiết kế cho các máy bay đánh chặn tầm xa sau này của Liên Xô, bao gồm kích thước lớn để có sức bền, nhanh và chỉ được trang bị duy nhất vũ khí là các loại tên lửa.

Tới thập nhiên 1960, Tu-28 và Tu-128 đã dần trở nên lỗi thời do những chiếc B-58 Hustler của Mỹ đã có thể vượt xa chúng. Tuy nhiên, Liên Xô đã phát triển MiG-25 Foxbat để trở thành máy bay đánh chặn tầm xa thống trị trên bầu trời Liên bang Xô Viết.

Chưa dứt Ác mộng Chiến tranh Lạnh MiG-31, NATO phải đối mặt với siêu máy bay đánh chặn? - Ảnh 1.

MiG-25 Foxbat.

Nhanh nhẹn và được trang bị các tên lửa không đối không R-40 khổng lồ, MiG-25 Foxbat sẵn sàng bảo vệ biên giới của Liên Xô trước mọi mối đe dọa.

Với bộ khung được thiết kế nhằm thích nghi với nhiều vai trò chiến thuật hơn là đánh chặn và với việc cho ra đời các biến thể MiG-25 cho mục đích trinh sát và cường kích, chúng đã sớm được Không quân Liên Xô đưa vào trang bị.

Những năm 1980, MiG-25 được tiếp nối bởi MiG-31 Foxhound, được bổ sung thêm một chỗ ngồi dành cho người điều khiển vũ khí, tăng hiệu suất bay, nâng cấp radar và bổ sung thêm vũ khí.

Các biến thể ban đầu cũng đã được trang bị một khẩu pháo, nhưng nhanh chóng bị loại bỏ sau khi xác định rằng việc lắp đặt pháo là không cần thiết trên một máy bay đánh chặn tầm xa.

Ngày nay, MiG-31 vẫn tiếp tục là máy bay đánh chặn tầm xa của Không quân Vũ Trụ Nga và dự kiến ​​sẽ được duy trì cho tới những năm 2030.

Có lẽ biến thể cuối cùng được không quân Nga đưa vào trang bị sẽ là MiG-31BSM. Biến thể này tích hợp nhiều vũ khí tấn công mới (MiG-31 là nền tảng phóng từ trên không cho tên lửa siêu thanh Kinzhal mới nhất của Nga) và hiện đại hóa hầu hết các hệ thống điện tử hàng không.

MiG-31 xuất kích đánh chặn đối thủ trên không phận Kamchatka

Đã có Su-57, tại sao người Nga lại phát triển MiG-41?

Vào tháng 8/2018, Nga đưa ra tuyên bố rằng công việc thiết kế thử nghiệm đã bắt đầu trên một máy bay đánh chặn tầm xa thế hệ mới nhằm thay thế MiG-31. Các nguyên mẫu của dự án được gọi là Tổ hợp máy bay đánh chặn tầm xa triển vọng PAK DP (còn được gọi là MiG-41).

Việc phát triển nói trên là điều khá thú vị vì PAK-FA/Su-57 cũng có thể hoàn thành tốt vai trò của MiG-31 do được trang bị radar tiên tiến, có khả năng duy trì bay hành trình ở tốc độ Mach 1+ (không cần sử dụng bộ đốt nhiên liệu sau) và được trang bị tên lửa không đối không tầm xa.

Mặc dù tầm hoạt động của Su-57 hạn chế hơn MiG-31, nhưng việc tiếp nhiên liệu trên không cũng có thể giải quyết vấn đề này một cách nhanh chóng.

Vậy lý do gì mà người Nga lại phát triển một máy bay đánh chặn mới trong khi đã có dòng máy bay Sukhoi Su-27 mà Su-57 là đại diện mới nhất? Đây vẫn là câu hỏi hóc búa cho các nhà phân tích của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).

Chưa dứt Ác mộng Chiến tranh Lạnh MiG-31, NATO phải đối mặt với siêu máy bay đánh chặn? - Ảnh 4.

Một đồ họa mô tả thiết kế của PAK-DP/MiG-41.

Có ba lý do có thể giải thích cho quyết định này của người Nga. Đầu tiên là PAK DP (còn được gọi là MiG-41) có thể kế thừa các công nghệ của nhà sản xuất Mikoyan đã từng thành công trên MiG-31 và MiG-25.

Thứ hai, cũng như quá trình trang bị MiG-25 và MiG-31, MiG-41 sẽ là hàng "quốc bảo", chứa đựng những công nghệ mới nhất và bí mật nhất của Nga (được cho là máy bay thế hệ thứ 6) và sẽ không bao giờ được xuất khẩu trừ phi người Nga phát triển một máy bay mới thay thế nó.

Và cuối cùng là học thuyết chiến tranh trên không của người Nga.

Các biến thể Sukhoi Su-27 dùng cho các hoạt động tầm gần và trung, Su-57 là máy bay đa nhiệm tàng hình, chủ yếu nhằm mục đích chiếm ưu thế trên không và điều phối các cuộc tấn công phối hợp cùng với các loại máy bay không người lái tấn công hạng nặng (UCAV) như S-70 Okhotnik.

Còn ở tầm xa MiG-41 có thể đảm đương các "công việc đặc thù" tương tự như thiết kế F-111 của Mỹ. Nó sẽ trở thành một loại "ngựa thồ" tầm xa có thể vừa di chuyển cực nhanh, vừa mang theo một kho vũ khí đồ sộ bao gồm tên lửa tầm xa và các loại đạn dược chính xác.

Hay nói cách khác, MiG-41 là "át chủ bài" trong một cuộc chiến vô tiền khoán hậu giữa người Nga và NATO, nếu điều đó là viễn cảnh đen tối nhất chúng ta có thể nghĩ ra.

Một đồ họa miêu tả MiG-41.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại